Hướng đi mới cho nông nghiệp Nghệ An
- Thứ ba - 22/03/2016 23:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quỹ đất nông lâm nghiệp lớn, chất đất màu mỡ (đặc biệt ở miền Tây Nghệ An), mạng lưới thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, nhiều cửa sông, cảng biển là những lợi thế quan trọng của Nghệ An trong phát triển nông nghiệp.
Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp Nghệ An
Đánh giá mức độ phát triển của nền nông nghiệp tại Nghệ An hiện nay, đầu tiên cần nhận định rõ chúng ta đang ở giai đoạn, quy trình nào trong mô hình sản xuất nông nghiệp chuẩn mực hiện đại. Từ chỗ sản xuất nông nghiệp theo quy mô hộ nhỏ lẻ, tự cung tự cấp hoặc chưa mang tính thương mại hoá cao, nay Nghệ An đã thiết lập được những vùng chuyên canh nông nghiệp lớn như: lúa nước (85.000 ha), mía (33.000 ha), cao su (10.000 ha), chè (9.000 ha), cam (3.000 ha), chanh leo (1.200 ha), cỏ nuôi bò sữa (9.000 ha),…
Cam Vinh - một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An đã bước đầu xây dựng thành công thương hiệu trên thị trường nông sản trong nước. (Ảnh tư liệu Báo Nghệ An) |
Đó là tín hiệu cho thấy nông nghiệp Nghệ An đã có sự chuyển biến, đáp ứng với yêu cầu và xu hướng của nền kinh tế chung. Tuy nhiên, năng suất trồng trọt của Nghệ An chưa cao, giá trị kinh tế/đơn vị diện tích còn thấp, chưa xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực mang thương hiệu địa phương có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Nguyên nhân là do hàm lượng công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, “dây chuyền” sản xuất mới chỉ dừng lại ở khâu thương mại hoá sản phẩm thô chứ chưa đi sâu vào khâu chế biến, xuất khẩu sản phẩm tinh. Tương tự như ngành trồng trọt, chăn nuôi và khai thác thuỷ, hải sản cũng chưa phát triển đồng bộ, đạt đến quy mô sản xuất hàng hoá mà mới theo mô hình hộ gia đình.
Tựu chung, giá trị kinh tế từ nông nghiệp của Nghệ An chưa cao, phần nào lý giải mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 29 triệu đồng/người/năm (số liệu tính đến hết năm 2015).
(Thực hiện đồ họa: Thục Anh)
Từ thực trạng nói trên, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Nghệ An được đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết. Để thực hiện mục tiêu đó, hướng đi cho Nghệ An trong thời gian tới là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp với một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, toàn tỉnh có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 27% số xã, đứng đầu cả nước về số lượng xã đạt chuẩn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, không chỉ hệ thống hạ tầng nông nghiệp được nâng cấp mà hệ thống hạ tầng giao thông và xãthội cũng được chỉnh trang. Qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển, đi lại, giao thương buôn bán, nâng cao trình độ nhận thức của người dân, giá trị kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp cũng tăng lên.
Thứ hai, xây dựng, mở rộng hoặc quy hoạch lại các mô hình kinh tế với mục tiêu nâng cao sản lượng và giá trị kinh tế, lan toả những mô hình hiệu quả. Trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 4.500 mô hình kinh tế nông nghiệp, trong đó đáng chú ý có 100 mô hình cánh đồng mẫu lớn nhờ thực hiện tích cực chủ trương dồn điền, đổi thửa ở 21/21 huyện, thành, thị, tăng 10 - 15% hiệu quả so với sản xuất đại trà.
Nhiều mô hình hiệu quả khác như nuôi bò, nuôi lợn thịt, nuôi gà đẻ siêu trứng, nuôi cá trong hồ thuỷ điện, trồng cây dược liệu, sản xuất hương trầm,…đem lại thu nhập tốt cho người nông dân, cần tiếp tục duy trì và lan rộng. Ngoài ra, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh từ năm 2004, đến nay Nghệ An đã thành lập 7 công ty nông nghiệp và 5 công ty lâm nghiệp, lập phương án cổ phần hoá, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, rà soát quỹ đất, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo sử dụng quỹ đất nông lâm nghiệp hiệu quả.
Trình diễn cơ giới hoá nông nghiệp. Ảnh: Phú Hương |
Thứ ba, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông qua cơ giới hoá, công nghệ sinh học, sử dụng các dây chuyền, ứng dụng có tính chính xác cao để hướng đến ngành công nghiệp chế biến. Những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáng chú ý ở Nghệ An như nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi của TH True milk, Vinamilk; Nhà máy chế biến thực phẩm Masan; Nhà máy chế biến hải sản Royal Foods;… là những ví dụ điển hình mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Nghệ An, chú trọng hơn đến sản phẩm tinh và các ngành công nghiệp “hậu kỳ” cho hoạt động sản xuất.
Thu hút vốn và trình độ công nghệ của doanh nghiệp - một hướng đi mới
Vấn đề nguồn vốn đặt ra như một trong những khó khăn với điều kiện ngân sách Trung ương và địa phương còn hạn chế trong khi diện tích sản xuất và trình độ xuất phát điểm của nền nông nghiệp Nghệ An chưa cao.
Trong bối cảnh đó, việc thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và khuyến khích xây dựng mô hình kinh tế liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân có thể là một hướng đi mới nhiều triển vọng. Một mặt, đa dạng hoá và làm giàu thêm nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, mặt khác cho phép người nông dân và nông nghiệp Nghệ An tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, thay đổi tư duy làm nông nghiệp truyền thống theo quy mô nhỏ lẻ, tiến tới nâng tầm sản phẩm và mở rộng thị trường.
Nhật Bản là một trong những nước đang tích cực xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp Nghệ An và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Nhiều đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đến khảo sát thực địa, nhận định Nghệ An là mảnh đất có nhiều thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hiệu quả. Một số cây trồng, sản phẩm được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm và có ý định đầu tư phát triển như cây chè, vừng lạc và lúa.
Đoàn chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản) khảo sát thị trường nông sản tại Nghệ An. Ảnh: Cảnh Nam |
Sau khi xây dựng nhà máy sản xuất, phía đối tác Nhật bản sẽ hướng dẫn người nông dân kỹ thuật canh tác, thu hoạch và cam kết thu mua sản phẩm. Bằng cách này, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân mà còn tạo cơ hội vàng để chúng ta tiếp cận với tri thức, công nghệ của nước ngoài, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Sau thành công của những dự án đầu tiên hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản, chúng ta sẽ phát triển thêm các loại cây khác như mía, cam, chanh leo, gừng, rau màu,…dựa trên hình mẫu đạt tiêu chuẩn quốc tế mà các doanh nghiệp giới thiệu. Như vậy, lợi ích mà chúng ta nhận được không chỉ là lợi ích trực tiếp cho người nông dân thông qua hợp đồng kinh tế, nguồn thu ngân sách cho tỉnh mà còn là sự chuyển giao công nghệ, sự tạo dựng và quảng bá thương hiệu cho nông nghiệp Nghệ An đến bạn bè trong và ngoài nước.
Tương tự, với các ngành lâm nghiệp, chăn nuôi, khai thác thuỷ sản, chúng ta phải hướng đến các mô hình hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp với người dân với quy trình khép kín chuyên nghiệp, hiện đại, đề cao giá trị thương mại hoá như gắn trồng rừng với chế biến các sản phẩm đa dạng về độ tinh (gỗ, than sạch, gỗ ván ép,…), chăn nuôi bò sữa phục vụ ngành công nghiệp sữa, chăn nuôi bò thịt Úc cho giá trị kinh tế cao, xây dựng các đội tàu lớn đánh bắt xa bờ, thu hút các nhà máy chế biến hải sản…
Nuôi bò Úc lấy thịt ở Nghi Lâm, Nghi Lộc - dự án của Công ty Kết Phát Thịnh - mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi Nghệ An. (Ảnh tư liệu Báo Nghệ An) |
Hãy nhìn vào ví dụ của tỉnh Ibaraki, Nhật Bản - là một tỉnh nông nghiệp với 3 triệu dân - GDP của tỉnh này đạt mức 110 tỷ USD. Nghệ An với những lợi thế vốn có hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế giá trị cao, có vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Mấu chốt nằm ở việc nâng cao năng suất và giá trị sản xuất để ngành nông nghiệp không bị tụt hậu trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Hợp tác đầu tư và học hỏi doanh nghiệp của các nước tiên tiến là một hướng đi đúng đắn và cũng là con đường ngắn nhất để nông nghiệp tỉnh ta phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020.