Hướng đi mới giúp nông dân Cà Mau có thị trường tiêu thụ ổn định
- Thứ tư - 13/09/2017 04:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bởi đây không chỉ là hướng đi mới sẽ giúp nông dân có thị trường tiêu thụ ổn định mà hơn hết là sức khoẻ cho cộng đồng sẽ được đảm bảo.
*Từ những triển vọng
Với mong muốn tiến tới sản xuất theo hướng an toàn, đầu năm 2016, nhiều nông dân tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau đã ứng dựng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ vào sản xuất rau màu.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các vườn rau của các hộ, anh Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ấp 8, xã An Xuyên chia sẻ, ấp hiện có 5 hộ sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ vào sản xuất rau màu, với tổng diện tích khoảng 3ha. Các hộ dân thực hiện luân canh các loại cây màu như dưa leo, mướp, khổ qua và cà phổi…cho hiệu quả cao.
Được biết, anh Hậu cũng chính là người mạnh dạn đi đầu thực hiện ứng dụng chế phẩm sinh học vào canh tác, với quyết tâm xây dựng mô hình thí điểm để nhân rộng kiểu sản xuất mới, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Với diện tích canh tác khoảng 1.000m2, trong vụ màu đầu tiên áp dụng theo mô hình, đã cho gia đình anh Nguyễn Văn Hậu lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Anh Hậu cho biết thêm, từ khi cây màu khoảng 25 ngày tuổi chúng tôi bắt đầu sử dụng 100% chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ.
“Qua thời gian sử dụng tôi nhận thấy cây màu tươi tốt hơn, sức đề kháng mạnh, ngoài ra chi phí đầu tư thấp hơn so với sử dụng phân hóa học. Hơn nữa, sản phẩm rau có mẫu mã đẹp, lại an toàn cho người tiêu dùng nên đầu ra có ổn định hơn”, anh Hậu phấn khởi cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Võ Hoàng Giang, cùng ngụ ấp 8, xã An Xuyên cho hay, sử dụng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ giúp cho sản phẩm làm ra có chất lượng cao hơn. Không chỉ an toàn cho người tiêu dùng mà còn cho cả người sản xuất. Nhiều nông dân rất mong muốn liên kết với nhau để thành lập một hợp tác xã rau an toàn, để nông dân có được chứng nhận, nâng giá trị sản phẩm, bán được giá cao hơn.
*Đến giải quyết bài toán sản xuất
Theo tính toán của nhiều nông dân, từ cây lúa cho đến hoa màu, chi phí sản xuất cho mỗi vụ mùa khá cao, chỉ tính riêng chi phí phân, thuốc đã chiếm từ 40%. Thế nên, việc giảm giá thành trong khâu sản xuất ban đầu cũng chính là hạn chế được điệp khúc “được mùa, mất giá”. Chính điều này đã đặt ra bài toán khó cho nông dân trong nhiều năm qua.
Xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời nổi tiếng với nghề trồng màu truyền thống và có diện tích trồng màu lớn. Trong đó, đặc biệt là ấp Kinh Ngang với khoảng 30 hộ trồng màu quanh năm, với diện tích trên 20 ha.
Ông Trần Văn Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Ấp Kinh Ngang cho biết, Hoa màu được xem là nguồn thu nhập chủ lực của nhiều hộ dân trong ấp. Thế nhưng, cũng như cây lúa, chi phí sản xuất, phân, thuốc cho mỗi vụ mùa quá nhiều. Vì vậy, lợi nhuận thu về chẳng được bao nhiêu, nhất là hiện nay, thời tiết đang có nhiều biến động tiêu cực đến sản xuất.
Trong lúc đang loay hoay tìm cách giải bài toán giảm chi phí đầu vào cho sản xuất thì phân hữu cơ sinh học đã đem lại niềm hy vọng cho bà con trồng màu ở địa phương, khi đáp ứng được yêu cầu giảm chi phí sản xuất mà không ảnh hưởng đến năng suất.
Trên diện tích 1.500 m2 trồng màu dọc theo bờ bao, sử dụng phân hữu cơ sinh học của gia đình, anh Lê Văn Toàn- Trưởng ấp Kinh Ngang cho biết, trước đây, mỗi vụ màu chi phí phân, thuốc khoảng 5 triệu đồng. Riêng vụ này, anh Toàn dùng phân hữu cơ sinh học giúp giảm chi phí đến hơn 50% so với những vụ trước.
Ông Ngô Văn Thống, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Trần Văn Thời đánh giá, sử dụng phân bón hoá học lâu ngày sẽ làm cho đất bị bạc màu, kém năng suất. Vì vậy, khi thay thế bằng phân bón hữu cơ sinh học sẽ giúp nâng cao năng suất cây trồng. Đồng thời, tạo khả năng chống lại nấm bệnh gây hại, làm tơi xốp đất, phát triển vi sinh vật có ích trong đất, giúp cây trồng dễ hấp thu chất dinh dưỡng, cải tạo đất, cân bằng hệ sinh thái môi trường, tăng khả năng chống chịu hạn hán, rét, ngập úng.
Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học tạo ra nông sản sạch, an toàn cho người sử dụng. Hướng đến nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn đã và đang là hướng đi đối với ngành nông nghiệp hiện nay.
*Tiền đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, Chính phủ ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 quy định những ngành nghề nông nghiệp - nông thôn được ưu đãi đầu tư. Đồng thời, nghị định cũng có quy định tuỳ theo từng địa phương có thể quy định thêm một số ngành nghề ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo khả năng cân đối ngân sách của mình.
Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong sản xuất, thời gian qua Cà Mau có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong liên kết chuỗi giá trị.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có nhiều chính sách ưu đãi về tiền thuê đất. Cụ thể, nếu dự án đầu tư trên địa bàn huyện, đảo sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá 3 năm) và 11 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động.
Trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 15 năm. Đồng thời, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác về giá cho thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ về đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại...
Không chỉ vậy, tỉnh còn có bản cam kết với nhà đầu tư trong quá trình đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh như cung cấp điện 24/24; chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường, hệ thống điện đến hàng rào khu công nghiệp, dự án; hỗ trợ đào tạo nguồn lao động và cung cấp lao động có kỹ thuật…
Như đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, trên thực tế hiện nay địa phương chưa xây dựng được mô hình liên kết chuỗi hoàn chỉnh nào cả mà chỉ là một đoạn hay chỉ một liên kết nào đó trong chuỗi dài. Ngoài ra, việc phân phối giá trị lợi nhuận, giá trị gia tăng - một nguyên tắc cơ bản trong liên kết chuỗi vẫn chưa thể thực hiện được. Phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà cứ để nông dân “tự bơi” như trong thời gian qua vì thiếu vai trò của doanh nghiệp thì sẽ rất khó khăn để có thể sản xuất được hàng hoá.
Sử dụng phân hữu cơ sinh học đã và đang đáp ứng mong muốn của nông dân trong việc sản xuất hiệu quả mà giảm được chi phí đầu vào. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng phân hữu cơ vẫn chỉ phát triển manh mún, riêng lẻ trong từng địa phương mà thiếu sự liên kết. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành chuyên môn cần có biện pháp nâng cao hơn nữa ý thức của nông dân trong vấn đề việc sản xuất, tạo ra nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng./.