Hướng mở từ tam nông

Tỉnh ủy Bến Tre vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X, Chương trình hành động 25-CTr/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 249 của Tỉnh ủy khóa IX về xây dựng nông thôn mới và sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03 về chuỗi giá trị nông sản của tỉnh.

Hội nghị đã khắc họa bức tranh bao quát, toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của địa phương thời gian qua.

 
Hướng mở từ tam nông ảnh 1Nghề sản xuất hoa kiểng ở huyện Chợ Lách cho thu nhập cao
 Chuyển biến từ nông thôn

Tháng 8 vừa qua, hợp tác xã (HTX) dịch vụ an toàn đầu tiên của Bến Tre đi vào hoạt động. HTX gồm có khu trưng bày, mua bán và nhà kho đóng gói nông sản. Bước đầu, HTX kinh doanh 14 ngành nghề với hơn 100 loại sản phẩm như nông sản, gia súc, gia cầm, lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm…

Để có nguồn hàng “sạch” cung ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, HTX liên kết với các HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn với sản lượng khoảng 7 tấn/tháng.

Ông Nguyễn Văn Tấn, thành viên HTX, cho biết: “Lúc đầu, khi chính quyền vận động vào HTX, ai cũng ngại, nhưng khi tham gia rồi mới thấy lợi ích thật sự”.

Gia đình ông Tấn có gần 1ha trồng bưởi da xanh, vào mùa thu hoạch, đầu ra trái bưởi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Kể từ khi tham gia HTX, bưởi da xanh của gia đình ông Tấn được dán nhãn, xuất bán ổn định.

Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, chính quyền địa phương đã triển khai quyết liệt các chủ trương, giải pháp của đề án tái cơ cấu nông nghiệp mới hình thành được HTX. Sự ra đời HTX dịch vụ nông sản an toàn Bến Tre sẽ giúp tạo khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản “sạch”, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Với Bến Tre, cây dừa là thế mạnh đặc thù, nhưng nông dân trồng rải rác và giá cả trồi sụt thất thường. Để sản xuất dừa ổn định, nhiều mô hình liên kết đã hình thành. Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả là Tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa trái xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại).

Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 3,07 lần so với năm 2008 (năm 2008 đạt 10,14 triệu đồng /năm, đến năm 2017 đạt 31,15 triệu đồng/năm). Giai đoạn 2017, tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành nông nghiệp đạt 4,96%, giá trị sản xuất đạt 4,94%. Đến nay, toàn tỉnh có 101 hợp tác xã (có 60 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) và 821 tổ hợp tác (thành lập theo Nghị định 151 của Chính phủ).

Lúc mới đi vào hoạt động, tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn do tâm lý e dè của bà con nông dân. Tuy nhiên, sau khi các bên tích cực phối hợp, tổ hợp tác dần dần được sự hưởng ứng của bà con. Đến nay, từ 25ha dừa cho trái ký kết hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre, diện tích đã tăng lên hơn 64ha. Ngoài ra, tổ hợp tác còn thành lập được đội thu gom dừa, trực tiếp đến hộ dân để hái trái và vận chuyển tiêu thụ, góp phần giải quyết lao động nông nhàn tại địa phương.

Theo ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, sự chuyển biến của nông thôn là kết quả triển khai quyết liệt Nghị quyết  số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Nghị quyết 03 đã giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò, tôm biển. Bước đầu, tỉnh đã hình thành được cơ bản các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực, xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý đối với 2 sản phẩm bưởi da xanh và dừa uống nước xiêm xanh, phát triển nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú trên thị trường trong và ngoài nước.

Vượt khó để vươn lên

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương và các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy Bến Tre về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sản xuất nông nghiệp vẫn thiếu tính bền vững, còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và thị trường; một bộ phận nông dân vẫn còn tư tưởng, thói quen sản xuất cũ, manh mún, nhỏ lẻ, tính hợp tác không cao; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân, kinh tế nông thôn phát triển chậm.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, phân tích nguyên nhân: Quá trình cụ thể hóa nghị quyết của các ngành, địa phương còn chậm; công tác phối hợp, phân công trách nhiệm các tổ chức, cá nhân chưa rõ ràng nên chưa có kết quả rõ nét; nhận thức của người dân về bản chất của mô hình HTX kiểu mới chưa cao; công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tiêu thụ nông sản liên kết vào chuỗi giá trị. 

Theo ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương và các nghị quyết của Tỉnh ủy bước đầu đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, Bến Tre phải đặt mình trong mối tương quan với các tỉnh lân cận trong khu vực và cả nước để đánh giá đúng thực chất về sự chuyển biến đó; ngoài ra, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới thì nhân tố con người đóng vai trò quan trọng.

“Nếu người cán bộ có đủ tâm, có đủ khát khao, nếu người nông dân có đủ ý chí và nguyện vọng vươn lên thì công cuộc đổi mới sẽ gặt hái được nhiều thành công”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo khẳng định.

Theo Phan Thanh/sggp.org.vn