Hướng tới thành phố nông thôn mới vào cuối năm 2015
- Thứ sáu - 10/07/2015 21:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tạo sức bật lớn
Mô hình trồng cam tại thôn Đức Cường, xã Thịnh Đức
Thành phố Thái Nguyên có 19 phường và 9 xã. Những năm qua, bên cạnh việc đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế, làm tốt công tác an sinh xã hội, thành phố đặc biệt chú trọng tới nhiệm vụ và lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tính đến hết năm 2014, thành phố Thái Nguyên đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên, trong đó có 3 xã Thịnh Đức, Phúc Xuân, Tân Cương đã đạt 17 - 18 tiêu chí; thành phố đang tập trung chỉ đạo theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án để đưa 3 xã này cán đích nông thôn mới trong năm 2015.
Nhằm tạo sức bật cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đi nhanh, vững chắc, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, thành phố còn chú trọng tới việc phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã nông thôn mới như hỗ trợ giống gà lai mía (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 60%, người dân đối ứng 40%); hỗ trợ mô hình tôn sao inox, giàn tưới phun mưa; hỗ trợ phân bón, giá giống chè cho các xã vùng chuyên canh chè; hỗ trợ giá giống lúa lai; thực hiện 60 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ máy móc thiết bị chế biến chè cho 2 hợp tác xã,... Tính từ năm 2011 đến hết năm 2014, tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp đạt trên 2 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 950,2 triệu đồng, ngân sách thành phố 840,6 triệu đồng.
Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố tập trung lồng ghép nhiều nguồn lực để xây mới và sửa chữa 5 trạm y tế, 6 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường trung học cơ sở; xây mới 12 nhà văn hóa xóm, sửa chữa 18 nhà, xây mới 4 trung tâm văn hóa thể thao xã; xây dựng 33.170m đường giao thông (tỉnh và thành phố hỗ trợ 10.626 tấn xi măng); đầu tư sửa chữa và nâng cấp 5 trạm bơm, 8 tuyến kênh mương với chiều dài 2.664m, nạo vét tu sửa 135,43m kênh mương, sửa chữa trên 50km đường giao thông; xây dựng mới 117 nhà, sửa chữa 52 ngôi nhà tình nghĩa; vận động người dân tự bồi thường giải phóng mặt bằng được 42.706m2 đất để làm đường giao thông; vận động nhân dân đóng góp 5.200 ngày công lao động; vận động doanh nghiệp hỗ trợ nhiều giờ máy múc san gạt làm đường bê-tông. Đến nay, 100% các xã của thành phố đã có đường giao thông thuận tiện, đủ tiêu chuẩn cho ô tô đến trung tâm xã; hệ thống giao thông liên xóm, liên xã được kiên cố hóa, các công trình thủy lợi đều được nâng cấp, phục vụ tốt cho phát triển sản xuất nông nghiệp; trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của các xã đều được xây dựng kiên cố, hệ thống lưới điện quốc gia đã xây dựng tới tất cả các xóm trên địa bàn.
Quyết tâm phấn đấu đạt thành phố nông thôn mới
Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên, cho biết: Từ thực tế đã đạt được, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành và đặc biệt là các xã trên địa bàn quyết tâm đưa thành phố cán đích thành phố nông thôn mới vào cuối năm 2015. Trước mắt, chúng tôi tập trung chỉ đạo 3 xã Thịnh Đức, Phúc Xuân, Tân Cương khẩn trương thực hiện các tiêu chí chưa hoàn thiện, hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, đúng quy trình đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn; đẩy mạnh đầu tư, phấn đấu hoàn thành thêm 1 xã, đó là Cao Ngạn, để nâng số xã của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới lên trên 75% trong năm nay.
Giao thông nông thôn tại xã Đồng Bẩm.
Để đạt được điều đó, thời gian tới, thành phố Thái Nguyên tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tới toàn thể nhân dân một cách sâu rộng hơn; không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, chính quyền và các cơ quan tham mưu cấp xã; phát huy tốt vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể chính trị ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra giám sát về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các mô hình sản xuất mới, các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng xã nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh hơn nữa phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tối đa nội lực trong nhân dân và cộng đồng. Tuy nhiên, để nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tiến nhanh, tiến chắc, bên cạnh sự cố gắng từ phía thành phố, cần thiết phải có sự hỗ trợ hơn nữa từ tỉnh Thái Nguyên trong việc tăng kinh phí cho chương trình; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã để họ có đủ chuyên môn, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kế hoạch và mục tiêu đã rõ, thời gian không ngừng chạy, sự quyết tâm của thành phố Thái Nguyên là vậy, việc cán đích nhanh hay chậm đều trông chờ vào hành động và quyết định của chính quyền và nhân dân nơi đây; nếu được sự tiếp sức, ủng hộ kịp thời cả ở phía tỉnh và nhân dân, chắc chắn thủ phủ của tỉnh Thái Nguyên sẽ có thành công mới, cán đích thành phố nông thôn mới đúng kế hoạch đặt ra.
Theo: vtvcantho.vn