Hướng tới xây dựng mô hình HTX hiệu quả

Hướng tới xây dựng mô hình HTX hiệu quả
Nhân dịp chuyến công tác về nguồn thăm di tích lịch sử của Hội và dâng hương các di tích lịch sử tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, ngày 4/10, Đoàn cán bộ Trung ương Hội do đồng chí Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã đi thăm một số mô hình sản xuất tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên).
Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính và Đoàn Công tác TƯ Hội thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả của hội viên nông dân Phùng Thị Hưởng (áo xanh), xã Hoàng Nông, Đại Từ, Thái Nguyên

Tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính và Đoàn công tác đã nghe Hội ND địa phương báo cáo tình hình sản xuất của bà con nơi đây.


Hiện tại trên địa bàn xã có  310 hộ gia đình trồng bưởi với khoảng 67ha. Năm 2011, HTX Tiên Trường 3 ra đời với 6 thành viên tham gia trồng bưởi. Năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Bưởi Tiên Hội” được giao cho Hội ND xã là chủ sở hữu.
Đoàn công tác làm việc với Hội ND  xã Tiên Hội, Đại Từ, Thái Nguyên


Hội ND xã đã phối hợp với HTX Tiên Trường 3 tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến trên cây bưởi cho các thành viên HTX. Các hộ đã áp dụng tiêu chuẩn VietGap. Đến nay số hộ tham gia HTX gồm 8 thành viên và 57 hộ gia đình liên kết Tổ chè VietGap hữu cơ, vốn điều lệ của HTX là 1,2 tỉ đồng.


Đoàn công tác đã đến hăm mô hình trồng bưởi của gia đình chị Lục Ngọc Lệ, xóm Tiên Trường 2, xã Tiên Hội.

Mô hình trồng bưởi sạch của gia đình chị Lục Ngọc Lệ, xóm Tiên Trường 2, xã Tiên Hội

Chị Lệ cho biết: Diện tích trồng bưởi của gia đình trên 1 ha, chủ yếu trồng bưởi da xanh và bưởi diễn. Chị bắt đầu chuyển đổi mô hình sang trồng bưởi từ năm 2003, sau 3 năm gia đình chị đã có thu nhập từ 100- 200 triệu đồng/năm.


Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính và Đoàn công tác cũng tới thăm mô hình vườn cây ăn quả của gia đình chị Phùng Thị Hưởng, xã Hoàng Nông. Vườn cây với diện tích trên 10.000m2 đất của chị có đủ các loại quả như: Nhãn, bưởi diễn, xen cam canh và táo. Ngoài ra, chị còn nuôi ong mật để vừa có thu nhập thêm lại vừa hỗ trợ cho các loại cây trồng thụ phấn kết trái.
Cán bộ Trung ương Hội tham quan mô hình trang trại  tại Đại Từ, Thái Nguyên

Mỗi năm, chị Hưởng thu về khoảng 6.000 quả bưởi; gần 4 tấn táo, nhãn, cam và trên 300 lít mật ong, bán được trên 300 triệu đồng. Nhờ mô hình này, không những kinh tế gia đình chị khấm khá lên mà chị còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động ở địa phương.


Vườn bưởi của gia đình chị Hưởng có đủ các biện pháp diệt trừ côn trùng từ bằng bẫy sinh học đến việc bón phân, bao trái cho loại cây đặc sản.

 Đoàn đến thăm HTX chè La Bằng, xã La Bằng, huyện Đại Từ do chị Nguyễn Thị Hải (áo đỏ) là Chủ nhiệm HTX 

Đặc biệt bên cạnh việc dùng bẫy sinh học để diệt trừ côn trùng, sâu hại bưởi, chị Hưởng còn tự may các túi vải để bao trái bảo vệ các quả bưởi tránh bị sâu, bệnh hại.


Để phát triển bền vững hơn thương hiệu cây ăn quả của địa phương, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính lưu ý chính quyền và người dân ở đây cần tiếp tục sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ cao vào chăm sóc cây trồng.
Một trong những diện tích trồng trè hữu cơ của HTX chè La Bằng

"Hiện, diện tích cây ăn quả của địa phương còn ở quy mô vừa phải có thể dễ tiêu thụ sản phẩm nhưng trong thời gian tới nếu diện tích tiếp tục tăng cao hơn thì chúng ta phải có phương án liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị để đưa được sản phẩm vào các siêu thị và có hướng đến thị trường cao hơn là xuất khẩu", Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nói.


Tiếp theo Đoàn đến thăm HTX chè La Bằng, xã La Bằng, huyện Đại Từ.  Chị Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng là người được nhiều xã viên tin tưởng giao trọng trách “tìm đường” để xây dựng thương hiệu chè La Bằng.

Một góc xưởng sản xuất chè của HTX chè La Bằng

Với kiến thức của một lãnh đạo Hội ND xã, năm 2006 chị đã mạnh dạn vận động các hộ tham gia HTX. Lúc đầu HTX chỉ có 13 thành viên với số vốn 60 triệu đồng.


Đến nay, sau 19 năm, HTX có 12 thành viên, 80 hộ liên kết, số vốn điều lệ lên tới 1,5 tỷ đồng. Năm 2011, nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng” đã được cấp chứng nhận.
 

Chị Hải cho biết, chiến lược của HTX là đầu tư xây dựng vùng chè nguyên liệu để sản xuất, chế biến chè đặc sản, đóng hộp, quảng bá hình ảnh chè La Bằng rộng khắp trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

 
Và sau khi đã ra thành phẩm trên thị trường

Nếu như bình thường, người làm chè trong xã La Bằng chỉ bán được từ 40-60 nghìn đồng/kg chè búp khô, thì HTX sau khi chế biến, lên hương, đóng gói đã bán được với mức giá từ 100-170 nghìn đồng/kg. Thông qua HTX, các xã viên được tham gia các lớp tập huấn IPM trên cây chè để sản suất chè sạch, chè an toàn; được tập huấn kỹ thuật chế biến chè chất lượng cao.

 
Chị Hải cho biết thêm, doanh thu từ HTX năm 2017 đạt 1,7 tỷ đồng, năm 2018 đạt trên 2 tỷ đồng và năm 2019 đạt khoảng 3 tỷ đồng.
 

Hướng tới của HTX là sản xuất chè hữu cơ vì đây là xu hướng phát triển bền vững và tất yếu- chị Hải khẳng định.

 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính lưu ý Hội ND địa phương cần hướng tới xây dựng chi Hội nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thu hẹp tính cá thể, tư hữu, hình thành chi hội 3 trong 1: Hội ND, HTX, Doanh nghiệp. Có như thế mới nâng cao chất lượng hoạt động Hội và hỗ trợ nông dân một cách thiết thực- Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Theo Thu Trang/hoinongdan.org.vn