Hữu Lũng: Xây dựng các mô hình sản xuất
- Thứ hai - 19/11/2018 19:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX, xã Minh Sơn lựa chọn hỗ trợ mô hình trồng rau, củ, quả cho người dân. Ông Hoàng Văn Trưởng, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, xã tổ chức họp, rà soát, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của xã. Cùng với sự hỗ trợ 420 triệu đồng của nhà nước, nhân dân đóng góp thêm tiền, công sức thực hiện mô hình trồng rau bò khai với diện tích 1,63 ha tại thôn Hố Mười; triển khai mô hình trồng dứa với diện tích 5,9 ha tại thôn Cã Trong. Đến nay, một số diện tích rau bò khai đã cho thu hoạch, còn diện tích dứa được thu hoạch cho thu nhập trung bình từ 100 – 150 triệu đồng/ha.
Tương tự Minh Sơn, năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX, huyện Hữu Lũng phân bổ và xây dựng được các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân như: mô hình trồng rau, củ, quả tại thôn: Đồng Lai, Bãi Vàng và mô hình hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả tại thôn Cóc Dỹ, xã Đồng Tân; mô hình mở rộng trồng cây ăn quả tại thôn Hét, xã Vân Nham với diện tích 3 ha; mô hình mở rộng diện tích trồng cây ăn quả tại xã Tân Thành với diện tích 10,84 ha…
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Các mô hình được hỗ trợ đều phát triển tốt, nhất là mô hình trồng cây ăn quả diện tích đang được nhân rộng nhanh chóng. Tính từ năm 2012 đến 2017, toàn huyện đã xây dựng được 20 mô hình từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX với tổng nguồn hỗ trợ gần 5 tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả rõ nét như: mô hình trồng tre măng Bát Độ, mô hình trồng rau an toàn, cây ăn quả với diện tích tăng thêm gần 300 ha…
Từ những kết quả đạt được những năm trước, năm 2018, Hữu Lũng tiếp tục tập trung lựa chọn để hỗ trợ các mô hình PTSX. Anh Lục Văn Thanh, thôn Kim Chòi, xã Đồng Tân chia sẻ: Từ nhiều năm nay, gia đình tập trung phát triển cây ăn quả. Tuy nhiên, do trồng cây trên đồi cao, nguồn nước tưới ở xa nên việc tưới cho cây gặp nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX, năm 2018, gia đình tôi đã được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và trồng mới thêm một số diện tích cây ăn quả. Hiện nay, việc lắp đặt sắp hoàn thành, qua đó, sẽ giúp gia đình rất nhiều trong việc chăm sóc cây ăn quả.
Cũng tại thôn Kim Chòi, 24 hộ dân thuộc tổ hợp tác nông nghiệp Bến Kim được hỗ trợ gần 2.000 cây giống gồm: nhãn, bưởi da xanh, táo, bưởi đỏ, ổi và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Anh Nông Văn Tình, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Từ nguồn hỗ trợ của nhà nước đã giúp các hộ dân mở rộng thêm diện tích trồng cây ăn quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Cùng với Đồng Tân, năm 2018, huyện Hữu Lũng được phân bổ 1.750 triệu đồng để hỗ trợ 5 xã đã đạt chuẩn NTM và xã phấn đấu đạt chuẩn năm nay. Nhận thấy mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những loại cây trồng khác trên cùng diện tích nên năm nay, các xã tiếp tục lựa chọn và xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả như: cam Vinh, cam Canh, bưỡi Diễn, nhãn, chanh tứ quý, ổi, táo đại, thanh long… Đến nay, các mô hình đã hoàn thành trên 90%, diện tích cây ăn quả được trồng mới đang sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, năm 2018, trên địa bàn huyện còn được hỗ trợ dự án nhân rộng mô hình PTSX và hỗ trợ đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gồm: dự án hỗ trợ thực hiện một số nội dung xưởng sơ chế măng Bát Độ trên địa bàn xã Quyết Thắng (1 tỷ đồng); dự án hỗ trợ trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nhật Tiến (500 triệu đồng).
Nguồn vốn hỗ trợ PTSX của chương trình xây dựng NTM đã góp phần giúp các xã của huyện Hữu Lũng xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện thu nhập bình quần đầu người của huyện đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tăng trên 12 triệu đồng/người/năm so với năm 2012.