Huy Giáp, thoát nghèo nhờ liên kết nông - công
- Thứ tư - 10/10/2012 11:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi đến Huy Giáp vào một buổi chiều tháng 10, trong cái se se lạnh của tiết trời mùa Thu, cảm nhận được niềm vui của người dân khi đón một mùa vàng no ấm. Niềm vui đó càng được nhân lên, khi tuyến đường từ trung tâm huyện vào xã đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa với các xã lân cận. Hai bên đường dẫn vào xã là những khoảng rừng trúc sào xanh tốt, những mảng nắng toả xuống các thửa ruộng bậc thang vàng rực rỡ. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Mã Xuân Hoàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: “Huy Giáp là xã đặc biệt khó khăn, được hưởng lợi từ Chương trình 30a, lại là xã điểm XDNTM của huyện, chính quyền xã đã tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung xây dựng hạ tầng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân”. Năm 1994, để khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng và giá trị kinh tế mà cây trúc mang lại, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến trúc, làm ra nhiều sản phẩm, như: bàn, ghế, chiếu, mành trúc..., phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng trúc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất gặp nhiều khó khăn, bởi nó còn bó hẹp ở những hộ đã có trúc từ trước, người dân chưa đánh giá đúng giá trị kinh tế của loại cây này đem lại. Hơn nữa, bà con vẫn trồng theo lối truyền thống, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật... Đến năm 2000, khi tỉnh triển khai Dự án phát triển cây trúc sào, người dân mới hưởng ứng làm theo. Dự án do Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện tại huyện Bảo Lạc, UBND xã Huy Giáp huy động bà con tham gia trồng trúc theo dự án. Người dân tự khai thác giống được Nhà nước hỗ trợ 80% số tiền giống và được trả công trồng và chăm sóc. Đến nay, cả xã trồng được hơn 1.000 ha trúc sào, chủ yếu ở các xóm Lũng Pán, Pác Trà, Phiêng Pảng, Nặm Cốp. Hằng năm, xã bán trên 500 - 700 xe trúc sào; những hộ trồng trúc sào trung bình bán 5 - 10 xe trúc/năm, có hộ bán 30 - 40 xe, thu nhập hơn 100 triệu đồng, tiêu biểu như hộ các ông Đặng Phụ Lìn ở xóm Nặm Cốp; Thào A Lềnh ở xóm Lũng Cắm dưới. Ông Cao Đình Tú, Giám đốc phân xưởng thuộc Công ty cổ phần Chế biến tre, trúc xuất khẩu Cao Bằng cho biết: “Năm 2000 chúng tôi thực hiện Dự án phát triển cây trúc sào nhằm hỗ trợ nông dân trồng trúc; Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hơn 12 năm qua, dự án đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con, vì cây trúc sào mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao, giá chúng tôi thu mua trúc sào tại cửa rừng là 7 triệu đồng/ xe hyundai trọng tải 1 tấn; hoặc bán tại nhà máy với giá trên 70.000 đồng/cây to; 30-40.000 đồng/cây trung bình; trúc “cần câu” có giá trên 2.000 đồng/cây”. Nhờ thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đời sống nhân dân trong xã được cải thiện, đồng bào Mông, Dao không còn thiếu ăn mà đã có cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Đến nay, 90% số hộ đã làm được nhà cửa khang trang, 70% số hộ có xe máy. Ông Đặng Phu Lìn (người Dao) ở xóm Nặm Cốp cho biết: “Mấy năm gần đây, gia đình tôi bán bình quân 30 - 40 xe trúc/năm; riêng năm 2011, bán được 70 xe, thu trên 100 triệu đồng. Nhờ cây trúc mà gia đình xây được nhà cửa khang trang, cuộc sống không còn vất vả như trước”. Xác định trúc là cây trồng mũi nhọn để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, Huy Giáp đã tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích, nguồn giống, đất đai của từng xóm, từ đó xây dựng kế hoạch trồng mới hằng năm. Phấn đấu đạt chỉ tiêu huyện giao mỗi năm phát triển thêm 40 - 50ha rừng trúc. Chủ tịch UBND xã Mã Xuân Hoàn cho rằng, đối với bà con, hiện nay khó nhất vẫn là cây giống, do phân bố không đồng đều “chỗ có đất thì chưa có giống, còn chỗ có đất rồi lại thiếu giống” Tạm biệt Huy Giáp, hình ảnh màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng trúc ven đường, và màu vàng rực của cánh đồng lúa đang chờ ngày thu hoạch tạo cho chúng tôi niềm tin về những mùa xuân ấm no của bà con người Dao, người Mông nơi đây. Thùy Linh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||