Huy động 10 triệu tỷ đồng phát triển kinh tế: Phải bắt đầu bằng niềm tin!

(HQ Online)- Huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về vốn để phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 là vấn đề được dư luận quan tâm bởi số vốn cần huy động không hề nhỏ.
Việt Nam cần có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm gia tăng lòng tin của giới đầu tư trong thu hút nguồn lực phát triển kinh tế. Ảnh: ST.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần một giải pháp tổng thể để cải thiện, tăng độ tín nhiệm của môi trường đầu tư, bởi khi có được niềm tin của các nhà đầu tư thì việc huy động nguồn lực để phát triển kinh tế không phải là quá khó.

Còn dư địa cắt giảm chi tiêu công

 

 
Để người dân và các nhà đầu tư đổ vốn vào sản xuất kinh doanh, cần tháo cởi các ràng buộc, hạn chế về môi trường đầu tư. Điều này không hoàn toàn thuộc về chính sách, mà phải có giải pháp tổng thể để môi trường kinh tế vĩ mô của chúng ta phải mạnh hơn, tốt hơn, có sức bật, tạo ra trạng thái của nền kinh tế khởi sắc, thị trường có đầu ra tốt, người dân nhìn thấy những tín hiệu đáng tin cậy rằng đầu tư sẽ hiệu quả thì họ mới tích cực đầu tư.
 

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ:

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, để đạt mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tăng 6,5-7%/năm, dự tính tổng mức huy động toàn xã hội cho đầu tư vào khoảng 32-34% GDP cho giai đoạn này. Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, quy mô GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ vào khoảng 30 triệu tỷ đồng. Như vậy, với  tổng mức đầu tư toàn xã hội là 33-35% thì nguồn lực huy động đầu tư phát triển kinh tế xã hội vào khoảng 10 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 480 tỷ USD. Hiện nay, các nguồn vốn để đầu tư được xác định gồm nguồn vốn từ khu vực Nhà nước (bao gồm ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn từ các DNNN), nguồn vốn từ nước ngoài (chủ yếu từ FDI và ODA) và nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong nước.

 

Theo dự thảo Đề án tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, Bộ KH&ĐT tính toán dự kiến cơ cấu vốn cho thời kỳ này gồm 75% vốn trong nước và 25% vốn ngước ngoài. Được biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Chính phủ đã thống nhất dành 2 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, có một vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động khoảng 8 triệu tỷ đồng còn lại từ khu vực FDI, ODA và khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Trước đó, giai đoạn 2011-2015 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 30-35% tổng đầu tư toàn xã hội. Giai đoạn 2016-2020, khu vực này tiếp tục được xem là động lực trong phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế. Đánh giá chung về việc huy động nguồn lực từ hai khu vực kinh tế tư nhân và vốn nước ngoài, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc huy động khoảng 8 triệu tỷ đồng trong 5 năm tới là có khả năng. Cụ thể, nói về giải pháp để tăng nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh biện pháp giảm nợ công nhằm gia tăng lòng tin của giới đầu tư. Theo đó, Nhà nước cần cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu nhà nước gồm chi thường xuyên, đầu tư công, vì dư địa cắt giảm còn nhiều, giảm bội chi xuống dưới 3%, bên cạnh đó, cần sắp xếp lại bộ máy Nhà nước. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, khu vực công hiện nay chi tiêu lãng phí, suất đầu tư trong xây dựng cao hơn nhiều so với khu vực tư nhân. “Khi cắt giảm được chi tiêu, giảm nợ công thì việc huy động vốn của Nhà nước sẽ giảm đi, sẽ làm cho cung tiền cho nền kinh tế dôi dư, từ đó giảm mặt bằng lãi suất xuống, hiệu ứng của nó sẽ làm cho tỷ giá ổn định, từ đó nguồn vốn Nhà nước sẽ được thay thế một phần bằng nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Nếu làm được sẽ hướng đầu tư của khu vực tư nhân chảy vào khu vực công như xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng, đường sá, thị trường chứng khoán cũng sẽ phát triển. Vì đầu tư vào khu vực công sinh lời thấp nên đầu tư tư nhân chưa nhiều, nếu lãi suất giảm xuống còn khoảng 4-5% thì sẽ có sự thay đổi”, ông Hải phân tích, đồng thời nhấn mạnh việc cần phải tạo niềm tin cho DN, người dân đầu tư vốn vào phát triển kinh tế. Về lâu dài, theo ông Hải, có thể áp dụng thuế tài sản, chống đầu cơ vào BĐS, vàng, ngoại tệ, nếu làm được, tiền nhàn rỗi sẽ đi vào ngân hàng, thị trường chứng khoán.

Liên quan đến huy động nguồn lực trong dân, hiện nay lượng vàng đang được người dân tích trữ ước tính khoảng 500 tấn (tương đương 20 tỷ USD). Tuy nhiên có khá nhiều quan điểm liên quan đến việc huy động nguồn lực này.  Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông ủng hộ việc huy động vàng nhưng phản đối việc các ngân hàng thương mại được phép huy động vàng, vì họ huy động vào để cho vay, tạo ra sự bất ổn trên thị trường vàng. “Ngân hàng Nhà nước nên đứng ra huy động, sau đó có thể sử dụng số vàng này thông qua Bộ Tài chính để vay mượn vốn từ nước ngoài, với vàng là tài sản bảo đảm thì sẽ dễ vay và lãi suất thấp” - ông Hiếu nói.

Cải thiện niềm tin là yếu tố quan trọng

Với các nguồn vốn từ nước ngoài, theo tính toán của Bộ KH&ĐT, nguồn vốn FDI trong thời kỳ này dự kiến khoảng 68 tỷ USD và nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi vào khoảng 40 tỷ USD. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nguồn vốn ODA sẽ càng ngày càng cạn và việc vay vốn càng ngày càng khắt khe do Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước nghèo. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn lực đáng kể, vì thế Chính phủ cần có kế hoạch để sử dụng vốn ODA hữu hiệu hơn. Ông cũng nhấn mạnh, một vấn đề quan trọng của ODA là các Chính phủ cho Việt Nam vay vốn thường có những ràng buộc có lợi cho họ, ví dụ phải dùng chuyên gia hoặc mua hàng hóa của họ… “Điều này cũng dễ hiểu vì ‘không có bữa ăn miễn phí nào cả’, Chính phủ các nước ấy không phải là những tổ chức thiện nguyện, vì thế họ phải được hưởng gì họ mới cho vay. Vì thế phải chọn lọc nguồn vốn có lợi cho mình, giảm thiểu thiệt hại, có sự giám sát trong sử dụng nguồn vốn này cho hiệu quả, tránh hiện tượng tham nhũng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, kiều hối cũng là nguồn vốn quan trọng. Hiện nay số lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm 2016 ước tính khoảng 14 tỷ USD, ngang ngửa với vốn FDI, ODA. Đây là nguồn lực, nguồn lợi lớn nhưng đến nay việc sử dụng nguồn vốn này vẫn chưa hiệu quả, do đó Chính phủ cần có kế hoạch để chuyển hướng sử dụng dòng vốn này hiệu quả hơn. Ví dụ, ngân hàng cần có những chương trình tư vấn cho người dân xem nguồn vốn này có thể sử dụng vào những mục đích nào. “Tôi cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải có dữ liệu chính xác về vấn đề kiều hối, xem đã có bao nhiêu % sử dụng vào sản xuất kinh doanh, bao nhiêu phần trăm sử dụng vào BĐS, tiêu dùng, … hiện chưa có con số nào thật chính xác. Không nên ngần ngại nếu những con số không đẹp như mình tưởng và nên minh bạch để người dân nắm được”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất. Theo ông Hiếu, dân chúng giữ một lượng USD lớn và làm sao để lượng ngoại tệ này đi vào nền kinh tế là bài toán lớn cho nhà quản lý. Hiện tại lãi suất tiền gửi USD là 0%, do đó dân không mặn mà, trong khi nếu được sử dụng hợp lý lượng ngoại tệ này sẽ tạo ra sự ổn định của thị trường ngoại hối. Tới đây, việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất sẽ tạo bất lợi cho Việt Nam, vì lãi suất 0% sẽ dẫn tới chảy máu ngoại tệ. Do đó, có thể sẽ phải xem xét vấn đề lãi suất tiền gửi ngoại tệ để huy động dân chúng gửi tiền vào ngân hàng, dự trữ ngoại hối sẽ tăng lên và được sử dụng hợp lý hơn.

Bàn về giải pháp thu hút vốn FDI, chuyên gia này cho rằng thời gian tới việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có những trở ngại và để thu hút được nhiều nguồn vốn này, điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam phải được nâng cao. “Cho đến nay, 3 hãng tín nhiệm quốc gia là Fitch Rating, Moody’s và S&P vẫn xếp hạng điểm tín nhiệm của Việt Nam ở mức độ không khuyến khích đầu tư, vì thế, Việt Nam cần nỗ lực để tăng điểm tín nhiệm quốc gia lên ở mức khuyến khích đầu tư. Đây là bài toán lớn cho Việt Nam, đòi hỏi phải có sự cải tổ mạnh mẽ”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị. Ông cũng nhấn mạnh, niềm tin là điều quan trọng nhất để có thể kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế.

Hoài Anh