Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hôm qua, ngày 4-11, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 13. Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu ý kiến tại hội trường.   Ảnh: THANH CHƯƠNG

Xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập

Mở đầu phiên làm việc, các đại biểu QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH trình bày Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với TCC ngành nông nghiệp”. Báo cáo cho biết, đến nay cả nước đã có 2.061 xã (chiếm 23%), 27 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% xuống 8,2%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% xuống còn dưới 28%; cả nước đã huy động nguồn vốn khoảng 851.380 tỷ đồng thực hiện Chương trình.

Thảo luận nội dung này, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và một số đại biểu cho rằng, triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM gắn TCC ngành nông nghiệp thời gian qua đã tạo cho bộ mặt nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của người dân chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, nguồn lực đầu tư cho thực hiện Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu bức thiết của từng vùng, miền, địa phương. Đáng chú ý, nhiều địa phương chạy theo thành tích trong xây dựng NTM, cho nên đã huy động các nguồn lực, vận động người dân, trong đó có cả hộ nghèo, hộ khó khăn tham gia đóng góp quá sức. Nhiều xã huy động công sức, tiền của để xây dựng các công trình NTM nhưng sử dụng lãng phí, kém hiệu quả.

Theo nhiều đại biểu, một số tiêu chí đưa ra còn bất hợp lý, vượt quá khả năng của địa phương, trong khi vốn ngân sách Nhà nước có hạn. Trong triển khai thực hiện, một số địa phương chỉ lo xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa..., chưa quan tâm đến phát triển sản xuất cho người nông dân để nâng cao thu nhập. Đến nay, tuy cả nước có 2.061 xã đã về đích NTM, nhưng 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với hơn 15.000 tỷ đồng trong xây dựng NTM. Điều này cho thấy, việc xây dựng NTM còn thiếu tính thực tiễn và mang tính dàn đều... Một số đại biểu còn băn khoăn, nếu Chính phủ và các bộ, ngành không có giải pháp thiết thực, đồng bộ, thì chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí NTM sẽ không thực hiện được...

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, ở một số địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, kinh tế nông thôn chưa có sự thay đổi lớn; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; sự gắn kết giữa công nghiệp và dịch vụ với sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ, chưa bền vững. Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện Chương trình MTQGXDNTM gắn TCC ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) và một số đại biểu cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát và ban hành bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020 phù hợp từng vùng, miền, sát thực tế; nhất là vùng miền núi, vùng cao nên nghiên cứu xây dựng bản, làng NTM. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, không chạy theo thành tích; có chính sách ưu tiên đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trong triển khai thực hiện Chương trình.

Theo các đại biểu, do biến đổi khí hậu, kinh tế đất nước khó khăn, việc sản xuất của người nông dân vẫn manh mún. Cả nước hiện có hơn 20 nghìn hợp tác xã (HTX) nhưng phần lớn quy mô còn nhỏ; có huyện, xã không có doanh nghiệp nông nghiệp, HTX. Hơn nữa, trong sản xuất, sự liên kết ngành, vùng và các địa phương chưa cao; việc áp dụng công nghệ cao vào ngành nông nghiệp chưa đúng mức và chưa xứng tầm... Do vậy, thời gian tới, để xây dựng NTM gắn TCC ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, cần quan tâm xây dựng phát triển các HTX, tổ hợp tác, liên HTX để phát triển vùng nguyên liệu.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng, để thực hiện TCC ngành nông nghiệp thành công, Chính phủ cần chỉ đạo lấy doanh nghiệp làm chủ lực. Trong đó, cần thực hiện cổ phần hóa các trạm giống cây trồng, vật nuôi, các trung tâm khuyến nông để có thêm nguồn lực. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; cải cách khung pháp lý, sớm hoàn thiện việc quy hoạch vùng, có chính sách khuyến khích về thuế, đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Hỗ trợ các HTX và nông dân vay vốn để phát triển sản xuất; tạo cơ chế thuận lợi để liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm...

Giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, Chương trình MTQGXDNTM gắn với TCC ngành nông nghiệp là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài, cần sự tập trung cao độ, thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thật sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì nơi đó có sự chuyển biến thật sự rõ nét.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình trong đó, có giải pháp huy động và bố trí nguồn lực hợp lý, phát huy cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp điều kiện và đặc điểm của địa phương. Xây dựng nông thôn mới gắn kết chặt chẽ với TCC nông nghiệp theo hướng tập trung có trọng điểm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu để đạt mục tiêu vừa thay đổi diện mạo nông thôn vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân để phát triển bền vững. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cho phép nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất hợp lý để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò HTX là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cần phải đặt câu hỏi về cách làm trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn hình thức, chạy theo thành tích, nặng tính phong trào; cần xem xét một số phương thức trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn hiện nay còn phù hợp hay không? Đặt câu hỏi như vậy không phải để phê bình, truy cứu mà để tìm ra chỗ sai, chỗ lệch của cách làm, từ đó hạn chế lãng phí, tập trung sức lực vào đúng điểm cốt lõi của chương trình.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

(Tỉnh Bình Phước)

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có vấn đề về phương thức sản xuất ở nông thôn. Thực tế cho thấy, cản trở lớn nhất đối với sự phát triển khu vực nông thôn chính là hình thức sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp đã đeo đẳng người dân nông thôn qua nhiều thế hệ. Mặc dù hiện nay đã không còn phù hợp nhưng hình thức này vẫn khá phổ biến ở nông thôn.

Đại biểu Bế Minh Đức

(Tỉnh Cao Bằng)

Thời gian qua, một số địa phương chưa phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị; các cấp chính quyền địa phương điều hành chưa quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới. Cá biệt, có địa phương còn khoán trắng cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa

(Tỉnh Thừa Thiên-Huế)

Theo PV/nhandan.com.vn