Huy động nội lực hoàn thành các tiêu chí khó

Huy động nội lực hoàn thành các tiêu chí khó
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Đắk Lắk đã có 43 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên do đặc điểm địa hình miền núi, có xuất phát điểm khá thấp nên hiện nay vẫn còn một số tiêu chí (TC) "khó". Tỉnh này đang tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, huy động sức dân để "gỡ khó".

Đồng hành cùng dân "vượt khó"

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, địa bàn rộng, diện tích xã bình quân của tỉnh là hơn 8.300 ha/xã; dân cư phân tán, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư chưa được đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nước sạch … ở nhiều xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là những xã nghèo, xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 huy dong noi luc hoan thanh cac tieu chi kho hinh anh 1

Người dân xã Phú Xuân, huyện Krông Năng góp tiền của, công sức xây dựng đường NTM..

Trước khi chưa triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hầu hết các xã của tỉnh đều ở xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung toàn quốc; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, nhất là cấp xã còn hạn chế, tâm lý trông chờ ỷ lại vào nhà nước vẫn còn tồn tại ở hầu hết các xã. Toàn tỉnh mới có 3 xã đạt từ 10-12 TC NTM, chiếm tỷ lệ 2%; 51 xã đạt từ 5-9 TC, chiếm tỷ lệ 34%, 81 xã đạt dưới 5 TC, chiếm tỷ lệ 53%, toàn tỉnh chỉ mới đạt 508/2.888 TC, chiếm tỷ lệ 17,6%; bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 3,34 TC/xã. Nhiều xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện khó khăn, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 TC.

Thế nhưng đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến cuối năm 2020 là 61 xã. Hiện TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành nhiệm vụ NTM, dự kiến cuối năm 2020, toàn tỉnh có thêm 1-2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk khẳng định, những năm qua các cấp ngành cùng người dân tỉnh nhà đã nỗ lực không ngừng quyết tâm chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan mà hiện nay vẫn còn một số TC có tỷ lệ xã đạt thấp như: giao thông, trường học, thu nhập và hộ nghèo. Năm 2010, từ chỗ chưa có xã nào đạt TC giao thông thì đến nay toàn tỉnh đã có 63 xã đạt TC này với 16.723 km đường giao thông nông thôn tính từ đường xã, đường thôn buôn, đường ngõ xóm được làm mới. Tuy nhiên kết quả thực hiện 4 nội dung trong tiêu về giao thông trên địa bàn tỉnh còn rất “khiêm tốn”, đây là thách thức không nhỏ đối với ngành giao thông nói riêng, của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh nói chung. Dù công tác triển khai thời gian qua rất thuận lợi do được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhưng do đặc điểm địa bàn rộng, khối lượng công trình giao thông phải thực hiện lớn, trong khi nguồn vốn Nhà nước các cấp hỗ trợ có hạn  đã gây không ít khó khăn cho tỉnh trong việc thực hiện TC này. "Trong hơn 9 năm đã có 63/152 xã đạt TC về giao thông là một sự cố gắng rất lớn của tỉnh, vì địa phương có địa bàn các xã quá lớn, nguồn lực bố trí từ trung ương và tỉnh còn hạn chế"- ông Nguyễn Hoài Dương nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Dương, ngoài đường giao thông toàn tỉnh Đắk Lắk còn có 433 cầu dân sinh cần được sửa chữa và xây dựng mới, hiện đang thực hiện 110 cầu. Trong gần 10 năm qua, tổng nguồn kinh phí đầu tư cho giao thông là hơn 23.162 tỷ đồng chủ yếu là nguồn vốn huy động xã hội (hơn 17.032 tỷ) và của nhân dân đóng góp (hơn 1.636 tỷ).

Trường học cũng là một TC được tỉnh rất quan tâm. Hiện đã có 99 xã đạt TC này, tăng 94 xã so với năm 2011 và 46 xã so với năm 2015. Để thực hiện TC này, Đắk Lắk đã xây dựng đề án riêng, tuy nhiên việc phân bổ vốn hàng năm cho các huyện để chủ động bố trí ưu tiên cho các xã phấn đấu về đích thì không đủ nhu cầu cho các xã khó khăn. Tỉnh cũng đã có bổ sung hỗ trợ thêm cho các xã đăng ký đạt chuẩn hàng năm. Để TC này đảm bảo, tỉnh cũng sẽ có kế hoạch đầu tư cụ thể trong giai đoạn 2021-2025.

"Thu nhập và hộ nghèo là 2 TC khó nhất, vì người dân nông thôn Đắk Lắk chủ yếu thu nhập bằng nông nghiệp. Trong khi đó, những năm qua giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp nên việc tăng thu nhập cho người dân cũng gặp khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao cũng là do có đến trên 30% đồng bào dân tộc thiểu số với đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo từ các tỉnh khác di cư tự do đến. Tuy nhiên Đắk Lắk cũng có lộ trình giảm hộ nghèo hàng năm là 3% và Chương trình MTQG giảm nghèo cũng đang thực hiện kế hoạch đến năm 2020 theo lộ trình"- ông Nguyễn Hoài Dương cho biết.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

 huy dong noi luc hoan thanh cac tieu chi kho hinh anh 2

Xã Hòa An, huyện Krông Pắk xanh, sạch, đẹp nhờ chương trình xây dựng NTM.

Để tiếp tục thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra 11 nhiệm vụ quan trọng. Trong đó xác định cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng NTM là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục. Người dân vẫn đóng vai trò chủ thể trong Chương trình này. Theo đó, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Đắk Lắk chung sức xây dựng NTM"; chú trọng phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả hơn, tránh bệnh phô trương, chạy theo thành tích…

Riêng đối với các TC còn đạt thấp, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết: "Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Đắk Lắk đã có đề nghị các Bộ ngành Trung ương sớm tham mưu ban hành Bộ TC NTM phù hợp điều kiện thực tế với từng địa phương, ban hành các cơ chế, chính sách và hướng dẫn ngày trong năm 2020 và theo hướng ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh khó khăn, miền núi để giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền. Có cơ chế chính sách ưu tiên để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Khi xây dựng và ban hành nguyên tắc, TC, định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương cần tính đến các yếu tố đặc thù của từng vùng như: Diện tích tự nhiên khu vực nông thôn, tổng số km đường giao thông nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, tổng số hộ nghèo, tỷ lệ dân tộc thiểu số, số dân di cư tự do, tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương... để phân bổ nhằm đảm bảo công bằng giữa các vùng, miền, địa phương trên cả nước".

Theo Duy Hậu/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây