Huy động sức dân Xây dựng Nông thôn mới ở Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn)
- Thứ bảy - 17/06/2017 06:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng chí Phan Phúc Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: “Qua khảo sát đánh giá ban đầu, thời điểm năm 2011, xã mới chỉ đạt 7 - 8 tiêu chí, trong đó nặng nhất là nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, đường giao thông, văn hóa và trường học cần nguồn lực lớn nhưng còn kém tiêu chí quá xa. Vì vậy, khi đó xã ban hành Nghị quyết xây dựng NTM giai đoạn 2015 - 2020 xác định thực hiện tuần tự từng bước, phấn đấu đến năm 2018 mới về đích NTM”.
Xã đã tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch. Cùng với thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và Ban phát triển cộng đồng xây dựng NTM ở các đơn vị xóm để tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM. Tiếp đó, chính quyền địa phương phối hợp cùng các tổ chức, đoàn thể gắn từng tổ chức của hệ thống chính trị với các nhóm tiêu chí cụ thể.
Nhờ chủ động tuyên truyền và thực hiện tốt chương trình phối hợp, nên địa phương đã tạo ra chuyển biến, hiệu ứng tốt trong nhân dân về mục tiêu xây dựng NTM. Trong 4 năm, xã lần lượt củng cố, hoàn thiện 8 tiêu chí và đến cuối năm 2015 đạt 14/19 tiêu chí.
Người dân xóm 15 tham gia làm giao thông đường liên xóm. Ảnh: Nguyễn Hải |
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất xã còn 5 tiêu chí, trong đó nặng nhất là tiêu chí giáo dục khi chưa có trường nào đạt chuẩn; đường giao thông nhiều nhưng đã xuống cấp nặng; thiết chế văn hóa vùng trung tâm xã và các xóm còn thiếu thốn, dang dở. Bên cạnh tranh thủ các chính sách hỗ trợ của cấp trên, xã xác định sự ủng hộ vào cuộc của người dân là yếu tố quyết định nhất.
Mặc dù khó khăn, nhưng Nghĩa Hưng cũng xác định đây là cơ hội lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng và về đích NTM. Trên cơ sở đánh giá nguồn lực và vận dụng, lồng ghép các chương trình dự án và hỗ trợ của cấp trên, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã tiếp tục họp bàn lấy ý kiến đảng viên và nhân dân để ban hành Nghị quyết chuyên đề mới, xác định quyết tâm và đăng ký với tỉnh về đích NTM năm 2016.
Được sự hỗ trợ, khuyến khích kịp thời của tỉnh và huyện, sự ủng hộ chung tay của người dân, toàn hệ thống chính trị xã vào cuộc cùng người dân bắt tay thực hiện các tiêu chí. Khởi đầu cho giai đoạn cao điểm mới, xã chọn mũi triển khai đột phá là tập trung đầu tư để trường học đạt chuẩn quốc gia. Cùng đó, xã khẩn trương triển khai làm giao thông nông thôn, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa đồng bộ, triển khai các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhờ cách triển khai hợp lý và khéo khơi dậy sức dân, nên chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Nghĩa Hưng đã huy động được gần 20 tỷ đồng làm được 35,5 km đường bằng bê tông và cấp phối 40,9 km đường liên gia, đường nội đồng; bình quân mỗi hộ đóng 500.000 đồng nhưng người dân đã góp công làm gấp đôi, gấp ba… Mặc dù khối lượng thi công khá lớn nhưng chỉ trong vòng 2 năm, xã đã hoàn thành 80% đường giao thông bằng bê tông hoặc cứng hóa. Nghĩa Hưng trở thành xã có đường bê tông và lượng xi măng được hỗ trợ nhiều nhất huyện với trên 3.000 tấn.
Bên cạnh giao thông và thủy lợi, nhờ được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nên lần lượt, năm 2015, Trường THCS đạt chuẩn quốc gia và năm học 2016 - 2017 này, Trường Tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia.
Hôm nay đây, về xã Nghĩa Hưng, chúng ta không chỉ chứng kiến những con đường làng được bê tông, cứng hóa đạt chuẩn mà bộ mặt vùng trung tâm xã như được thay da đổi thịt. Trụ sở làm việc của xã và sân vận động trung tâm của xã được chỉnh trang lại đàng hoàng và to đẹp hơn, con em được học trong ngôi trường ngày càng khang trang, đẹp đẽ.
Một góc nông thôn mới xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn. Ảnh: Nguyễn Hải |
Đồng chí Phan Phúc Vinh - Chủ tịch UBND xã phấn khởi chia sẻ thêm: Trong số các tiêu chí xã đạt được, tiêu chí trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa và giao thông mang lại sự hài lòng và yên tâm nhất vì nó mang lại lợi ích thiết thực và trực tiếp cho người dân. Là xã thuần nông, Nghĩa Hưng khởi đầu xây dựng NTM khi bình quân thu nhập đầu người năm 2011 chỉ khoảng 12 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,4%; giao thông đi lại cách trở, mùa mưa có 2/3 dân số bị cô lập; có 4 trên tổng số 15 xóm, bản là đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn… Thế nhưng, chỉ sau hơn 5 năm, bình quân đầu người đã tăng gần gấp đôi, tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm còn 6,67%; 11/15 xóm được công nhận đạt danh hiệu Làng văn hóa; cùng với bê tông hóa các tuyến đường, tới đây 2 cầu tràn trên địa bàn cũng sẽ được xây dựng.
Để nâng cao thu nhập của người dân, bên cạnh các cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, huyện và xã, người dân Nghĩa Hưng mạnh dạn vay hàng chục tỷ đồng vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư cho các mô hình sản xuất; phát triển các ngành nghề phụ. Nói về mô hình sản xuất ở Nghĩa Hưng không thể không kể đến “Làng nghề ép mía chế biến đường mật Làng Găng” đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.000 lao động vào những dịp cuối năm. Nhờ nghề ép mía chế biến đường, mật nên cây mía ở Nghĩa Hưng luôn đạt giá trị tối đa.
Chia tay chúng tôi, đồng chí Phan Phúc Vinh tiếp tục khẳng định: Xã Nghĩa Hưng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ về đích NTM năm 2016 là nhờ sức dân và do sức dân. Nếu không được dân đồng tình, ủng hộ thì cấp ủy, chính quyền xã dù quyết tâm đến mấy cũng khó có thể về đích NTM đúng hẹn. Trong vòng 5 năm, xã đầu tư trực tiếp cho NTM gần 90 tỷ đồng của xã, người dân đóng góp 65,5 tỷ đồng, chiếm 74,3%. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục có các giải pháp để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, Nghĩa Hưng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ của huyện và tỉnh về mặt cơ chế, chính sách để xã không chỉ giữ vững mà còn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Nguyễn Hải/baonghean.vn