Huy động tối đa nguồn lực địa phương để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Huy động tối đa nguồn lực địa phương để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai. Đồng thời, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và huy động các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân.

Ngày 19.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra Quyết định 1600/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Bên cạnh đó, cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Để thực hiện chương trình, Thủ tướng yêu cầu huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai. Từ năm 2017, HĐND cấp tỉnh quy định để lại ít nhất 80% cho ngân sách xã số thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. 

Đồng thời, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển. Huy động các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án, nội dung cụ thể, do hội đồng nhân dân xã thông qua. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng...

Về giải pháp, quyết định này nêu rõ, cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; rà soát, hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thể hiện đầy đủ các nội dung của Chương trình, đồng thời phản ánh đặc thù của các địa phương; ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 
 

 

Ngoài ra, cần tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình; đa dạng hoá các nguồn vốn huy động; lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới , tính đến hết tháng 5.2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 22%). Tổng nguồn lực đã đầu tư xây dựng NTM đạt khoảng trên 263.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương đã bố trí 7.374 tỉ đồng. Mặt trái của kết quả đó là tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại 52/62 tỉnh thành đã lên con số 15.212 tỉ đồng.

Tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên Huế) cho biết, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi huy động quá sức nhân dân, không khác gì “sưu cao thuế nặng” thời phong kiến. Số nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới làm cho nợ công ngày càng khó kiểm soát.

Vị đại biểu này thẳng thắn cho biết, nhiều nông dân lo lắng cứ làm ăn như thế này thì giữ được miếng cơm manh áo còn khó chứ nói gì đến phát triển kinh tế.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của nông dân, Quốc hội cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách thực chất hơn, có phương án ứng phó với thời tiết thiên tai bất lợi, có giải pháp liên kết chuỗi giá trị, bảo vệ nông dân.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ trình bày trước Quốc hội cũng đã nêu, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời với đó là thúc đẩy tiêu thụ nông sản; tăng cường kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm khắc các vi phạm; tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, hỗ trợ diêm dân, ngư dân đánh bắt xa bờ, người dân sinh sống trên các đảo gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Theo Một thế giới