Huy động xã hội hóa xây dựng NTM

Huy động xã hội hóa xây dựng NTM
Tuy là tỉnh công nghiệp, dịch vụ nhưng Quảng Ninh có đến gần 50% cư dân sống ở nông thôn; cơ cấu GDP khu vực này chiếm tỷ trọng thấp.
 
Bộ đội giúp dân xây dựng đường giao thông nông thôn

Nhận thức được điều đó, Nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XIII là Nghị quyết số 01 về xây dựng NTM. Đây là cách làm sáng tạo, lồng ghép hai nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh trong nhiệm kỳ Đại hội là “Xây dựng NTM” và “Xây dựng tỉnh công nghiệp” trong một quá trình phát triển toàn diện.

Những kinh nghiệm quý

Quan điểm xây dựng chương trình đã gắn với thực tiễn của tỉnh, cách thức lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp để kéo gần lại khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị trong tiến trình CNH-HĐH.

Theo Đề án về xây dựng NTM, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh sẽ dành bình quân khoảng 1.500 tỷ từ ngân sách đầu tư cho NTM. Cơ cấu nguồn ngân sách chiếm 77%; vốn tín dụng, vốn DN, HTX và huy động nhân dân chiếm 23%. Những năm qua, Chương trình xây dựng NTM triển khai trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, vì vậy nguồn ngân sách hỗ trợ trực tiếp giảm hằng năm.

Nguồn kinh phí giảm nhưng mục tiêu không thay đổi, đây là thách thức lớn đặt ra cho Ban chỉ đạo các cấp. Tuy nhiên, với nhiều cách chỉ đạo sáng tạo đã giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước xuống còn 11,62% (Trung ương quy định là 40%), vốn tín dụng tăng cao đạt 66,12% (Trung ương quy định 30%), vốn xã hội hóa đạt 22,26%.

Từ thực tiễn trên, tỉnh Quảng Ninh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quý để có giải pháp tốt hơn trong việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực xây dựng NTM cho giai đoạn tiếp theo.

Đó là, xác định rõ các nguồn lực huy động vào Chương trình NTM và tỷ lệ huy động của từng nguồn; thông qua các chính sách cụ thể để huy động nguồn lực. Cơ chế đầu tư được đổi mới căn bản theo hướng triệt để phân cấp, phân quyền cho địa phương, nguyên tắc phân bổ công khai, dân chủ.

Sử dụng nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vốn cho phát triển SX. Nhận thức được vai trò cốt lõi của xây dựng NTM chính là tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, nên hằng năm trong bố trí cơ cấu vốn, tỉnh luôn ưu tiên dành 50% vốn NTM cho hỗ trợ phát triển SX; ngoài ra tỉnh còn ưu tiên bố trí 4% ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, từ đó giá trị đầu tư trong SXNN của tỉnh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010.

Hơn nữa, đa dạng hóa nguồn lực, vốn ngân sách nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội. Các hình thức huy động được thực hiện khá đa dạng trong những năm qua, bao gồm các nguồn hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình NTM từ ngân sách tỉnh và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Nguồn vốn tín dụng được huy động chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Các hình thức huy động từ cộng đồng bao gồm tiền mặt; hiện vật (như đất đai, hoa màu và các tài sản gắn liền với đất…) ngày công lao động và các hình thức xã hội hóa khác. Trước đây, các công trình hạ tầng đều do xã, huyện lập dự án 100% ngân sách chi thì nay Nhà nước chỉ hỗ trợ vật liệu cơ bản, người dân tự nguyện hiến đất, hiến công, đóng góp thêm kinh phí để thực hiện.

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong quản lý và sử dụng nguồn lực xây dựng NTM. Để tránh các hiện tượng tiêu cực trong quản lý và sử dụng các nguồn lực, các Sở, ngành từ tỉnh đến địa phương đã bố trí nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhất là nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển SX.

8 giải pháp

Theo báo cáo từ các địa phương, nguồn vốn của Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 56,892 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách 9.110 tỷ đồng (16,01%), tín dụng 42.500 tỷ đồng (74,70%), xã hội hóa là 5.282 tỷ đồng. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt việc huy động nguồn lực cho Chương trình MTQG xây dựng NTM, cần chú trọng một số điểm sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư và chính sách phát triển đồng bộ với quản lý. Các ngành, các địa phương rà soát lại quy hoạch NTM, điều chỉnh cho phù hợp với các quy hoạch của tỉnh và địa phương. Tăng cường kỷ cương trong đầu tư công. Bố trí nguồn lực trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí đã duyệt và đúng đối tượng đã xác định; Khắc phục tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải, sai đối tượng.

Thứ hai, ngân sách Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện) cần nhất quán trong việc bố trí cơ bản đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện Chương trình theo đề án đã được phê duyệt, nguồn vốn cũng cần được cấp đúng thời gian để bảo đảm tiến độ về đích của các xã theo lộ trình.

Thứ ba, theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 Chương trình MTQG là (Giảm nghèo bền vững và Xây dựng NTM). Do vậy cần có sự phối hợp, thống nhất chặt chẽ giữa các ngành và địa phương để việc lồng ghép các nguồn vốn phải được thực hiện từ khâu lập, phê duyệt dự án, phân bổ, giao dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư phát triển, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả; bảo đảm hiệu quả sử dụng các loại nguồn vốn cho các dự án, góp phần làm tăng hiệu suất đầu tư so với khi chưa lồng ghép.

Thứ tư, Chương trình xây dựng NTM hiện nay là một trong những yếu tố cốt lõi để có thể đẩy mạnh hợp tác công tư, tạo đà phát triển mạnh cho nền nông nghiệp, cải thiện nhanh và bền vững đời sống nông dân. Cần mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển SX và xây dựng hạ tầng kinh KT-XH nông thôn. Cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn thông qua tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở các vùng khó khăn.

Thứ năm, tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua việc xác định lại nguồn thu phân cấp cho các địa phương trên cơ sở Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương từ cấp quyền sử dụng đất thông qua rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá để bổ sung nguồn vốn cho xây dựng NTM.

Thứ sáu, tăng cường huy động nguồn vốn qua kênh tín dụng, về nhận thức cần làm rõ cho các cấp, các ngành và nông dân trong tỉnh thấy rõ hơn tín dụng là kênh vốn chủ yếu cho nông dân để phát triển KT-XH. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nhất là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính về cho vay…

Thứ bảy, cần thúc đẩy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong huy động nguồn lực xây dựng NTM thông qua phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” được cụ thể hóa ở từng lực lượng như: “Công nông liên minh xây dựng NTM”, “Thành thị giúp đỡ nông thôn xây dựng NTM”, “Nông dân tự lực sáng tạo xây dựng NTM”, “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, “DN đồng hành xây dựng NTM”.

Thứ tám, tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ và quản lý nguồn lực, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp trong việc quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát, lãng phí các nguồn lực trong xây dựng NTM.

TRƯƠNG CÔNG NGÀN (Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh)
Nguồn: NNVN