Huyện Đan Phượng: Điển hình trong chương trình xây dựng Nông thôn mới

Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình Nông thôn mới (NTM) (2011 – 2015), kinh tế của huyện Đan Phượng tiếp tục phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới đổi mới... Đến hết năm 2014, huyện có 13 xã đạt chuẩn NTM được Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội quyết định công nhận.
Huyện Đan Phương là một điển hình trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Thủ đô Hà Nội.
Sự chỉ đạo toàn diện, sát sao

Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống của nông dân” giai đoạn 2011- 2015; Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành, chỉ đạo chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành chương trình, đưa Đan Phượng trở thành một trong những huyện điển hình về chương trình NTM.

Là huyện có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, giao thông thủy, bộ thuận lợi, vị trí địa lý gần nội thành Hà Nội – một thị trường rộng lớn tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa. Nông thôn Đan Phượng có các làng nghề truyền thống, có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Điều này rất thuận lợi cho sự phát triển bền vững, lâu dài của huyện. Nhưng, Đan Phượng cũng gặp không ít khó khăn.

Sản xuất manh mún nên vốn đầu tư khó khăn. Quá trình đô thị hóa diễn ra trên địa bàn nhanh tạo ra nhiều thuận lợi, nhưng cũng để lại những khó khăn cho huyện trong vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, tiêu thoát nước trong khu dân cư, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động sau khi thu hồi đất và tạo nghề cho lao động nông thôn… Hơn nữa, nguồn ngân sách giao cho dự toán hàng năm đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.

Đứng trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND huyện đã thường xuyên kiểm tra để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện xây dựng NTM. Chủ động vận dụng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước một cách sáng tạo, sát thực tiễn, hiệu quả. Huyện đã vận dụng linh hoạt sáng tạo cơ chế, chính sách của Trung ương, Thành phố trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, trong 4 năm qua, huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở huyện, xã, thôn, nội dung về xây dựng đề án thành phần trong đề án xây dựng NTM, tổng số có 1.709 lượt người tham gia.

Tăng cường đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác xây dựng NTM nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.



Đan Phượng đang ngày ngày thay đổi, chuyển mình sau những hiệu quả
mà Chương trình xây dựng Nông thôn mới mang lại.

Kết quả của những chủ trương đúng đắn

Dưới sự lãnh đạo sát sao, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng, Sau 4 năm thực hiện chương trình, kết quả thực hiện 19 tiêu chí huyện NTM đã đạt được những thành công đáng mong đợi.

Về vấn đề quy hoạch, huyện đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM với 15/15 xã.

Về hạ tầng kinh tế xã hội, trong 4 năm qua huyện đã xây dựng được 6 tuyến đường liên xã dài 12,8km mặt cắt từ 13m đến 20m và 19,73km trục thôn; 136,7km đường ngõ xóm; 80,6km đường trục chính nội đồng. Tổng kinh phí thực hiện xây dựng đường giao thông là 457,356 tỷ đồng. Trong đó ngân sách 328,19 tỷ đồng (ngân sách thành phố 85,356 tỷ đồng, ngân sách huyện 206,502 tỷ ngân sách xã 36,332 tỷ dồng); nhân dân đóng góp 129,166 tỷ đồng.

Hệ thống kênh tưới hiện có 148,3km phục vụ tưới cho 3119,9ha. Trong 4 năm qua ngành điện và các xã đã đầu tư xây dựng 235,787km điện trung thế nâng tổng chiều dài đường dây trung thế lên 311,042km; 111,726km điện hạ thế nâng tổng chiều dài đường dây hạ thế lên 422,768km; 28 trạm biến áp, nâng tổng trạm biến áp trên địa bàn là 225 trạm với tổng dung lượng là 119,498KVA. Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ngành điện được thiết kế xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn của ngành điện. Tỷ lệ hộ có điện sử dụng trên địa bàn huyện đạt trên 99%.

Từ năm 2010 đến nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa đáp ứng tót yêu cầu giảng dạy và học tập. Toàn huyện có 55 trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THPT, THCS) có cơ sở vật chất đạt chuẩn 38 trường (9 tỷ lệ đạt 69,09%).

Huyện có 15/15 xã có nhà văn hóa và sân thể thao xã. Toàn huyện có 93 nhà văn hóa thôn, nhà hội họp cụm dân cư được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đạt chuẩn. Đã xây dựng các chợ nông thôn đảm bảo nhu cầu của nhân dân. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp 100% các xã trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu về thông tin của nhân dân. Nhà dân đã xây dựng mới được 2.467 nhà, nâng cấp 1.084 nhà với tổng kinh phí 1.654.230 triệu đồng. Số hộ có nhà đạt chuẩn bộ xây dựng 35.611 hộ, chiếm tỷ lệ 95%.



Dự kiến trong năm nay, Đan Phượng sẽ hoàn thành chỉ tiêu huyện Nông thôn mới.
 
Đối với phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, đến năm 2014, toàn huyện đã chuyển đổi sản xuất được 727,837ha cùng với 229 cây ăn quả hàng năm đều cho thu nhập khá, ổn định. Hiệu quả kinh tế cao từ 160 – 250 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, huyện có 1 cụm công nghiệp tập chung với diện tích 35,8ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 96%), 5 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 534 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút 6.200 lao động. Năm 2014 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 26,5 triệu đồng/người/năm (tăng 12,53 triệu đồng so với năm 2010). Hộ nghèo toàn huyện giảm xuống 880 hộ, tỷ lệ 2,2%. Trong giai đoạn 2010- 2014 đã giải quyết việc làm cho 10.442 lượt lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm thương xuyên toàn huyện đạt 94,13%.

Về hợp tác xã (HTX), toàn huyện có 21 HTX nông nghiệp với 56,106 xã viên, tổng vốn điều lệ 16,509 tỷ đồng, 8 HTX công nghiệp, 1 HTX vận tải và 4 quỹ tín dụng nhân dân. Đánh giá, phân loại hợp tác xã có 31/35 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động khá, đạt 88,57% và 4/35 HTX hoạt động trung bình đạt 11,4%

Với giáo dục, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi và học sinh tốt nghiệp THCS, THPT được nâng cao, hàng năm duy trì tỷ lệ vượt chỉ tiêu đề ra. Học sinh tốt nghiệp năm 2014 khối THPT là 99,5%; khối THCS năm 2014 đạt 99,8%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học bổ túc, nghề đạt 91%. Công tác đào tạo, dạy nghề trên địa bàn huyện luôn được quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 35% (năm 2010) lên 61% vào năm 2014.

Đến nay đã có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Trong đó, 14/15 xã đạt chuẩn giai đoạn 2011- 2020. Mỗi trạm y tế xã có từ 1-2 bác sĩ phục vụ. Tỷ lệ người có thẻ BHXH đạt 63%.

Toàn huyện có 45 làng, 13 thôn, có 21 cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; có 89% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt và vượt chỉ tiêu thành phố (4%). Các xã đã triển khai nhiều phong trào thi đua bảo vệ môi trường. Duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường hàng ngày, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trong ngày đạt 98%.

Hệ thống chính trị của huyện, xã luôn được củng cố và giữ vững, xác định cán bộ là khâu quyết định trong xây dựng nông thôn mới nên đã quan tâm đến công tác cán bộ, chú trọng sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ; thường xuyên tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức về kĩ năng, nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt ở huyện, xã, thôn. Do vậy đội ngũ huyện xã hiện nay cơ bản được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu duy trì và phát triển

Đó là những kết quả cho sự sáng tạo trong lãnh đạo, sự nhiệt huyết, tận tình của các cán bộ thực hiện và sự hưởng ứng, đoàn kết, nhất trí của nhân dân toàn huyện. Trong thời gian tới, huyện Đan Phượng sẽ phấn đấu để 2 xã Thọ xuân, Hồng Hà đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2015. 13 xã đã đạt 19 tiêu chí tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được một cách bền vững, một số tiêu chí đạt ở mức độ chưa cao phải tiếp tục đầu tư để đạt được so với yêu cầu của tiêu chí.
Theo: anhsangonline.vn