Huyện Đan Phượng: Kiến tạo diện mạo nông thôn kiểu mới

Huyện Đan Phượng: Kiến tạo diện mạo nông thôn kiểu mới
Sau một năm triển khai thí điểm xây dựng xã điểm nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, với sự chung tay của người dân, 3 xã Đan Phượng, Liên Trung và Song Phượng (huyện Đan Phượng) như khoác lên mình tấm áo mới.
Đường có hoa, nhà có số

Muốn thay đổi diện mạo nông thôn cần nỗ lực rất lớn, nhưng giữ được thành quả sẽ còn khó hơn. Để làm được điều đó, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tìm kiếm sự ủng hộ của đông đảo người dân. Phải làm sao để mỗi nhánh hoa bên đường được bà con chăm sóc, giữ gìn như tài sản của chính gia đình...


Phó Bí thư Thường trực 
Thành ủy Hà Nội  Ngô Thị Thanh Hằng

Đi dọc đường Hủng, thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, không khác gì bước trên con đường bích họa. Trên tường của những ngôi nhà san sát, hình vẽ được dày công trang trí tạo nên những bức tranh sống động. Đây là thành quả sau nhiều tháng kêu gọi tài trợ, huy động nhân lực và tổ chức thực hiện của Đoàn Thanh niên xã Đan Phượng.
Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết, cùng với tô điểm những con đường bằng bức họa cổ động về NTM, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, địa phương đã chủ động bố trí ngân sách, kêu gọi xã hội hóa chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Đến nay, 100% tuyến đường trên địa bàn đã được gắn biển tên, các hộ gia đình được gắn biển số nhà; trên 230 triệu đồng được đầu tư để trồng hoa tại 8/11 tuyến đường qua 3 thôn với chiều dài 2,5km.
Tại xã Liên Trung, với sự chung tay của người dân, đã xây dựng một số tuyến đường hoa với kinh phí 180 triệu đồng; Triển khai lắp đặt 173 biển chỉ dẫn, 2.017 biển số nhà với số tiền 250 triệu đồng. Trong khi đó, điểm nhấn của xã Song Phượng là đến nay, đã hoàn thành chỉnh trang, kè đá, xây dựng lan can 4 ao môi trường. 100% đường làng được “gọi tên” và 1.175 nhà dân được đánh số nhà… Những việc làm cụ thể đó đã góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, kiến tạo diện mạo NTM văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp. 
Để người dân không “đứng ngoài”
Không chỉ tại 3 xã điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, kế hoạch đặt tên đường, ngõ xóm, gắn biển số nhà và bảng chỉ dẫn công cộng được huyện Đan Phượng tuyên truyền phổ biến và triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn.
Thống kê của Phòng Kinh tế huyện cho thấy, 15/15 xã đã cơ bản hoàn thành việc đánh số nhà; 378 biển tên đường, 2.729 biển ngõ, ngách, hẻm cũng đã được “gọi tên”. Cùng với đó, 74 tuyến đường với tổng chiều dài gần 14,3km đã được trang hoàng bằng tranh tường, hoa, cây cảnh. Điều đáng mừng là trong tổng số hơn 1 tỷ đồng đã huy động để thực hiện công tác trên, nguồn vốn xã hội hóa và đóng góp công sức của Nhân dân lên tới trên 830 triệu đồng. Điều này không chỉ cho thấy, công tác xây dựng NTM tại huyện Đan Phượng đang thực sự “do dân” và “vì dân”, mà còn góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân gắn với mục tiêu duy trì thành quả xây dựng NTM đã đạt được.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, dù đã về đích NTM nhưng kiến tạo diện mạo NTM đáp ứng yêu cầu phát triển vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Hiện địa phương đang chỉ đạo 15 xã tập trung triển khai kế hoạch đặt tên, trang hoàng đường làng, ngõ xóm, gắn biển chỉ dẫn, số nhà; phấn đấu mỗi xã có ít nhất 2 tuyến đường trồng hoa, cây cảnh trở lên. Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, yêu cầu mà địa phương đặt ra là trong quá trình triển khai đầu tư các hạng mục, 15 xã cần chú trọng thu hút nguồn vốn xã hội hóa, sự tham gia của người dân, từ đó tạo nên tính bền vững cho thành quả kiến tạo.
Nguồn: kinhtedothi.vn