Huyện Gia Lâm: Nhiều xã bây giờ “xanh-sạch-đẹp” như phố
- Thứ tư - 07/08/2019 08:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đổi thay nhờ sạch làng - xanh đồng
Là một trong những "điểm sáng" điển hình của huyện Gia Lâm về sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, trong thời gian qua, xã Văn Đức đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực và coi công tác vệ sinh môi trường khu dân cư, đường làng, ngõ xóm thông thoáng, đồng ruộng xanh, sạch là việc làm quan trọng để giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.
Nghề trồng rau an toàn giúp cải thiện thu nhập và môi trường ở một số xã của huyện Gia Lâm, (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
"Huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục duy trì thành quả trong xây dựng NTM, phấn đấu trong năm nay hoàn thành xây dựng NTM nâng cao tại 2 xã Yên Viên, Phù Đổng và năm 2020 là 2 xã Kim Sơn, Bát Tràng”. Ông Lê Anh Quân |
Cụ thể, vừa qua, xã Văn Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai việc ký cam kết giữ gìn vệ sinh với từng thôn, từng hộ gia đình. Theo đó, nhân dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, đơn vị thu gom (Công ty cổ phần Môi trường đô thị huyện Gia Lâm) vận chuyển rác theo hợp đồng đã ký với UBND xã.
Ngoài ra, xã còn niêm yết công khai hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, khối lượng, tần suất, thời gian thực hiện và số điện thoại của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến công tác duy trì vệ sinh môi trường, dự toán thu phí vệ sinh môi trường… tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các thôn. Mọi việc đều rõ ràng, công khai, minh bạch nên việc giữ gìn môi trường ở Văn Đức đã đi vào nền nếp.
“Hàng ngày, cán bộ môi trường xã Văn Đức phối hợp với các trưởng, phó thôn giám sát việc thu gom rác thải sinh hoạt, hàng tháng, UBND xã nghiệm thu khối lượng thực hiện. Do đó, trên các đường trục chính, ngõ, xóm ở Văn Đức không có rác thải tồn đọng, lưu cữu, không có điểm tập kết rác tự phát” - ông Đặng Văn Thách - Trưởng thôn Sơn Hô chia sẻ.
Ông Thách cho biết thêm: Phong trào “sạch từ nhà ra đường” ở Văn Đức trở nên rộng khắp, lan tỏa trong cộng đồng dân cư và vào môi trường học đường. Tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều gương mẫu giữ gìn vệ sinh môi trường bên trong và quanh trường học.
Xã Văn Đức nằm ngoài đê sông Hồng, là vùng đất bãi nên rất thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi, với 250ha chuyên canh rau an toàn và hơn 30ha trang trại chăn nuôi lợn, bò... Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường đồng ruộng được chính quyền và nhân dân xã Văn Đức đặc biệt quan tâm. Đối với môi trường tại các trang trại, mặc dù ở xa khu dân cư, nhưng đa số các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Văn Đức đều xây dựng bể biogas. Những hộ chăn nuôi nhỏ, lượng chất thải không lớn cũng áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm...
Nhờ duy trì tốt các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư, xây dựng nhiều phong trào “Tổng vệ sinh môi trường”, “Vớt rác, làm sạch cảnh quan ao, hồ”, “Tuyến đường đến trường sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Phát động trồng cây xanh”… nên tiêu chí “sạch làng, xanh đồng” đã trở thành hiện thực trên quê hương Văn Đức.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu cao hơn
Ông Lê Anh Quân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2011, đến hết năm 2017, huyện đã có 20/20 xã hoàn thành xây dựng NTM. Huyện Gia Lâm có 9/9 tiêu chí về xây dựng huyện NTM đã hoàn thành, nên diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, sầm uất như phố phường.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, huyện Gia Lâm đã dành hơn 105 tỷ đồng đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, giá trị sản xuất bình quân trên một ha canh tác đã đạt 306 triệu đồng/năm, tăng 198 triệu đồng so với năm 2010. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đạt 47,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,56%...
Theo ông Quân, mặc dù đã hoàn thành xây dựng NTM ở 20/20 xã và hoàn thành các tiêu chí huyện NTM, nhưng huyện Gia Lâm xác định vẫn phải nỗ lực hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Quân cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện, vì vậy Gia Lâm đang tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh giai đoạn 2016-2020, quy hoạch lại các vùng sản xuất.
Trong trồng trọt, huyện sẽ giảm dần diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng rau an toàn, cây ăn quả... Ngoài ra, huyện rà soát lại quy hoạch, huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng, như: điện, đường giao thông… gắn với các tiêu chí để phấn đấu trở thành quận vào năm 2021.
Theo Hải Đăng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây