Huyện Hoài Đức (Hà Nội): Triển khai đúng hướng, tam nông “cất cánh”

Huyện Hoài Đức (Hà Nội): Triển khai đúng hướng, tam nông “cất cánh”
Nằm ở khu vực ngoại thành Hà Nội, huyện Hoài Đức có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dưới sự tác động tích cực của cơ chế, chính sách của T.Ư và thành phố, những thế mạnh đó đã được khai thác khá hiệu quả thể hiện qua Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM)…

Chuyên canh nông sản giá trị cao

Trong tổng số 724ha sản xuất liền vùng, liền thửa trên địa bàn huyện Hoài Đức thì đến nay đã có 455ha chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã hình thành được 4 mô hình sản xuất chuyên canh mang lại thu nhập cao cho nông dân (ND). Đó là mô hình trồng cây phật thủ; nhãn chín muộn; bưởi đường và rau an toàn. Mô hình cây phật thủ tăng từ 20ha năm 2010 lên tới hơn 100ha như hiện nay, ban đầu xuất hiện ở các xã Đắc Sở, Yên Sở lan sang các xã Tiền Yên, An Thượng. Giá trị sản xuất trên mỗi ha phật thủ hiện đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Diện tích cây phật thủ có thể tiếp tục mở rộng trong những năm tới do nhu cầu thị trường vẫn đang ở mức cao.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (trái) thăm mô hình trồng phật thủ của nông dân xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội.  

Chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cũng là hướng chuyển đổi cây trồng mạnh mẽ của nông dân huyện Hoài Đức trong những năm qua. Có 2 loại cây ăn quả đang được bà con tập trung thâm canh đó là nhãn chín muộn và bưởi đường. Vùng chuyên canh nhãn chín muộn hiện nay trên địa bàn huyện Hoài Đức là hơn 85ha với giá trị kinh tế đạt từ 500-800 triệu đồng/ha. Còn vùng chuyên canh bưởi đường hiện đạt hơn 40ha với giá trị kinh tế đạt từ 600-800 triệu đồng/ha. Nhãn chín muộn, bưởi đường của Hoài Đức đều đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định, phát triển nông nghiệp của huyện Hoài Đức đang đi đúng hướng với hầu hết các tiêu chí đều đứng ở top đầu đối với các huyện, quận, thị xã của thủ đô, trong đó riêng diện tích rau an toàn đủ tiêu chuẩn chiếm tới gần 50% tổng diện tích của toàn thành phố.
Ở lĩnh vực phát triển nông thôn, huyện Hoài Đức hiện có 53 làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, một số sản phẩm làng nghề như dệt kim, mì, miến dong đang được xúc tiến xuất khẩu. Năm 2014, toàn huyện có hơn 44.000 lao động làng nghề, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/năm, cao hơn 6 triệu đồng so với mức thu nhập bình quân chung…

Tăng năng suất, chất lượng-cần thêm động lực

Ông Vương Duy Hướng - Bí thư Huyện ủy Hoài Đức cho biết, toàn huyện hiện đã có 10/19 xã đạt chuẩn NTM, 9 xã còn lại đều đạt từ 14-16 tiêu chí trở lên. Năm 2014, Hoài Đức có 6 xã được thành phố đánh giá đạt chuẩn NTM (vượt 200% chỉ tiêu), trong đó xã Yên Sở được T.Ư đánh giá là 1 trong 27 xã NTM tiêu biểu toàn quốc. Theo ông Hướng, một trong những khó khăn hiện nay của huyện trong mục tiêu phấn đấu trở thành huyện NTM là vấn đề xử lý môi trường tại các làng nghề và nước sạch sinh hoạt…
Trong chuyến làm việc nắm tình hình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hoài Đức mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định thành phố sẽ tiếp tục có cơ chế, chính sách để hỗ trợ xây dựng NTM. Ông Nghị lưu ý, trong phát triển nông nghiệp cần hướng tới sản xuất nông sản chyên canh an toàn, giá trị cao, có thương hiệu và phù hợp với thị hiếu của thị trường. “Làm được điều này cần phải tiếp tục dồn điền đổi thửa, tổ chức lại sản xuất và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…” - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị gợi ý.

  Trên địa bàn huyện hiện đã xây dựng được vùng chuyên canh rau quả thực phẩm với tổng diện tích lên đến 520ha, trong đó có tới hơn 300ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và cho giá trị kinh tế đạt bình quân 500 triệu đồng/ha.
Đônng Hoàng
Nguồn: danviet.vn