Huyện Tri Tôn (An Giang): Gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững

Ở tỉnh An Giang, trong những năm gần đây, huyện Tri Tôn là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả quá trình gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Nấu đường thốt nốt là nghề truyền thống của đồng bào Khmer ở Tri Tôn.

Là huyện vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, với diện tích tự nhiên khoảng 60.030,73 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 74,48 % Tri Tôn là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Điều này được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện xác định rõ để từ đó định hướng cho người dân tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần tích cực cho sản xuất bền vững. Nếu như trước đây người nông dân chủ yếu sản xuất đại trà, dựa vào kinh nghiệm là chính, thì những năm gần đây đã bắt đầu áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào quy trình sản xuất hiệu quả, góp phần tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản.

Đặc biệt, trong quá trình chung tay xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết thực đã được đầu tư xây dựng mới. Đó là công trình thắp sáng đường quê, xây cầu bê tông thay cầu tạm, rải đá chống lầy, xây dựng đê bao, thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện…Được biết những năm qua, người dân trong huyện đã chung tay góp sức xây dựng cầu đường, chỉnh trang diện mạo nông thôn gần 10 tỷ đồng và hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để xây dựng công trình. Ngoài ra còn vận động hỗ trợ cho gần 500 hộ nông dân nghèo để xóa nhà tạm dột nát với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Bên cạnh sự đồng thuận đóng góp của người dân, Nhà nước cũng đã bổ sung lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng hạ tầng thiết yếu. Đó là nâng cấp láng nhựa và bê tông hóa hàng trăm km đường giao thông nông thôn, xây dựng 7 cây cầu, nạo vét gần 100 công trình thủy lợi với tổng chiều dài trên 200 km, xây dựng 64 công trình cống, đầu tư 129 trạm bơm điện... Đồng thời, kéo mới gần 50 km đường dây trung thế, gần 300 km đường dây hạ thế, lắp đặt 38 trạm biến áp và đầu tư xây dựng 50 phòng học.         

Điển hình như xã Châu Lăng, với đặc thù là xã có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 64,8% dân số toàn xã), nhưng đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới. Là xã thuần nông đa số người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, khai thác sản xuất đường thốt nốt và chăn nuôi bò, nên việc tham gia xây dựng nông thôn mới đã giúp cho đồng bào Khmer  tiếp cận với các phương pháp sản xuất, chăn nuôi tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cáo.

Từ đó nhiều hộ đã nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu, đồng thời giúp đỡ những hộ xung quanh cùng phát triển kinh tế gia đình. Trong những năm qua xã luôn duy trì thực hiện các chính sách về an sinh xã hội cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó bộ mặt nông thôn ngày đổi mới, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững, ổn định.

Gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững - Ảnh 2Một trong những công trình thủy lợi nội đồng ở Tri Tôn.

Trong năm 2015, đã tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp tham gia đóng góp được số tiền 121.700. 000 đồng để tiếp tục xây dựng hệ thống thoát nước, kết hợp sửa chữa, mở rộng mặt đường. Tính đến cuối năm 2015 xã đã đạt 8/19 tiêu chí và riêng trong quý I/2016 đã vận động quyên góp được 267.500.000 đồng, đã xây dựng hệ thống thoát nước, mở rộng mặt đường với chiều dài hơn 3 km. Đạt được những kết quả trên là nhờ địa phương biết gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững và có sự đóng góp đáng kể của đồng bào Khmer ở địa phương.              

Theo TRANG THÚY/Lao động và Xã hội