Huyện nghèo Đà Bắc thay áo mới

Huyện nghèo Đà Bắc thay áo mới
Đà Bắc là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp của Hòa Bình, chặng đường về đích nông thôn mới (NTM) còn nhiều khó khăn.

 

Tuy vậy, ngay từ khi tiến hành xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM.

02-14-43_dsc_0014
Đường giao thông ở Đà Bắc

Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là ý thức tự giác, tự nguyện trong xây dựng NTM. Phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là mục tiêu của chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Vì vậy, huyện đã tập trung chỉ đạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết bốn nhà.

Chỉ đạo, rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, thực hiện dồn đổi ruộng đất tạo điều kiện phát triển sản xuất theo chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, chú trọng phát triển các trang trại, gia trại. Xây dựng mô hình trồng rau an toàn tại xã Tu Lý, mô hình trồng trè Shan tuyết tại các xã Trung Thành, Yên Hòa, nuôi lợn thịt siêu nạc tại Cao Sơn... Triển khai các mô hình phát triển sản xuất tại Tu Lý, trồng chanh leo ở xã Đoàn Kết, Đồng Chum và nuôi cá lồng vùng hồ sông Đà...

Từ đó trình độ canh tác của người dân được nâng cao, một số sản phẩm làm ra đã trở thành hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Các địa phương trong huyện tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo điều kiện của từng xã, xóm.

Thời gian tới huyện tiếp tục duy trì, mở rộng thêm 5ha trồng rau tại xã Tu Lý với nhiều chủng loại rau. Toàn huyện có 59 doanh nghiệp, 12 HTX và 230 hộ kinh doanh cá thể thành lập các xưởng chế biến gỗ, đũa, sấy ngô, chế biến chè, làm chổi chít… Công tác dạy nghề lao động nông thôn cũng được huyện quan tâm và chỉ đạo sát sao, đã khôi phục lại các nghề truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa, từ đó tăng thu nhập của cư dân nông thôn. Năm 2016 bình quân thu nhập đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm.

Chương trình xây dựng NTM được triển khai đã thu hút được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nên đến nay bộ mặt nông thôn huyện Đà Bắc có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng là khâu có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi có sự thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận từ các cấp, các ngành và trong nhân dân để huy động nguồn lực. Thống nhất chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đảm bảo yêu cầu về tiến độ và khả năng cân đối ngân sách; lựa chọn nhóm công trình, dự án sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa để đầu tư.

02-14-43_dsc_0019
Niềm vui được mùa

Đến nay, tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS đạt 100%, 98% học sinh tốt nghiệp THCS được học lên THPT, bổ túc, trường nghề. Phát triển cơ sở y tế, đội ngũ các trạm y tế được tăng cường cả về số lượng, bổ sung nhân lực. 100% số xã có trạm y tế và có bác sỹ, mạng lưới y tế thôn bản duy trì hoạt động thường xuyên, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Trong năm 2016 huyện đã ban giao một trạm y tế mới tổng trị giá 500 triệu đồng...

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đã có 1 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí, 4 xã đạt 14 tiêu chí, 13 xã còn lại đạt từ 10 - 13 tiêu chí. Một điều nổi bật là trong năm qua toàn huyện đã bảo dưỡng và tu sửa được 119 công trình giao thông nông thôn...

Đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho biết, lúc đầu do nhận thức của người dân còn thấp, đời sống còn nghèo nên việc xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn, phải mất nhiều thời gian để tuyên truyền người dân hiểu ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Giờ thì khác rồi, người dân đã hiểu được việc xây dựng NTM không phải là việc của nhà nước mà người dân cùng làm…

 

Theo Nguyễn Xuân Hiền - Mai Văn Chiến/nongnghiep.vn