Kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Khánh

Yên Khánh vốn là vùng đất thuần nông của tỉnh Ninh Bình. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, việc xây dựng nông thôn mới tạo ra vận hội mới làm đổi thay vùng đất được coi là "đất chật, người đông", góp phần đáng kể nâng cao đời sống nhân dân.

Từ năm 2010 đến nay, các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Yên Khánh (Ninh Bình) thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Huyện ủy trực tiếp thành lập ban chỉ đạo cấp huyện và các đảng ủy thành lập ban chỉ đạo cấp xã. Rồi ban quản lý huyện ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Cấp ủy đảng nhiều xã có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phát huy tốt tiềm năng lao động, sự đoàn kết nhất trí trong các tầng lớp nhân dân.

Ðể có sự thống nhất trong chỉ đạo, Ban chấp hành Ðảng bộ huyện ra nghị quyết về xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 và định hướng năm 2020. Ðến nay, các cấp ủy đảng và chính quyền phối hợp MTTQ ở địa phương tổ chức 23 lớp huấn luyện nghiệp vụ về xây dựng nông thôn mới cho gần 1.200 lượt cán bộ cấp xã, thôn, xóm về phương pháp tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Ðồng thời, Huyện ủy phát động phong trào thi đua "Toàn dân Yên Khánh chung sức xây dựng nông thôn mới" và mở cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài xây dựng nông thôn mới, các đội văn nghệ cơ sở xây dựng vở diễn mới để thông tin những chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân.

Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc lập đồ án quy hoạch nông thôn mới theo quy trình kỹ thuật được Nhà nước quy chuẩn bảo đảm đúng tiến độ. Hiện nay, 100% số xã trong huyện Yên Khánh hoàn thành và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là các xã Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Thành lập xong quy hoạch khu dân cư đang tiến hành lập quy hoạch khu sản xuất công nghệ cao. Các xã Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Hội quy hoạch cơ bản khu vực trung tâm xã, v.v. Cùng với việc lập đề án quy hoạch khu dân cư, Ðảng ủy các xã còn chỉ đạo việc quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp để trở thành vùng sản xuất hàng hóa. Ðó là các vùng sản xuất giống lúa, sản xuất rau vụ đông, vùng chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, sản xuất nấm. Cụ thể là mở rộng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao từ ba nghìn ha (năm 2010) lên gần sáu nghìn ha (năm 2012), chuyển đổi cơ cấu cây vụ đông theo hướng mở rộng diện tích đối với một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, đưa các giống cây trồng mới cũng như áp dụng giải pháp kỹ thuật, mô hình mới vào sản xuất. Huyện quy hoạch khu vực trồng lúa chất lượng cao tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công, Khánh Thành từ 200 ha (năm 2010) lên 400 ha (năm 2012). Ðồng thời, Yên Khánh cũng xây dựng bảy cánh đồng mẫu lớn có quy mô từ 100 ha đến 160 ha/cánh đồng tại các xã Khánh Hồng, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Mậu và Khánh Thủy. Bên cạnh đó, huyện còn quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, khu chăn nuôi công nghệ cao: gà siêu trứng, gà an toàn sinh học, cá lóc bông lau, ba ba, v.v. Huyện có hơn 220 mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực và đang hướng tới việc thành lập 15 tổ hợp tác liên kết giữa các hộ, trang trại, gia trại trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản phẩm.

Sau hai năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Yên Khánh có nhiều chuyển biến rõ nét. Ðó là huyện tạo ra phong trào thi đua tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích đổi mới cách làm ăn có hiệu quả và coi trọng việc đưa cơ giới vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, thu hoạch giúp giảm sức lao động của nông dân, thậm chí còn giảm chi phí lao động khiến thu nhập tăng qua mỗi vụ thu hoạch. Hiện nay, huyện có gần 70 máy thu hoạch gặt đập liên hợp, tăng gấp hai lần so với năm 2010 và 95% diện tích đất nông nghiệp được cày bằng máy. Qua chương trình xây dựng nông thôn mới, Yên Khánh thực hiện dồn điền đổi thửa ở xóm 4A và 4B tại xã Khánh Nhạc bước đầu đạt kết quả đáng kể. Mô hình dồn điền đổi thửa đang tạo ra sức mạnh mới và được nhân dân địa phương hưởng ứng. Việc thực hiện nông thôn mới ở Yên Khánh mở hướng đi mới trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào huyện trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thủ công mỹ nghệ. Cụ thể là dự án mở rộng quy mô Nhà máy may Excell, Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Anifeed, xây dựng cảng sông để vận chuyển hàng hóa ở xã Khánh Thiện. Bên cạnh đó, hàng trăm hạng mục công trình phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân địa phương được khởi công và hoàn thiện. Ðó là, đưa vào sử dụng tuyến đường Cầu Ðầm - Khánh Thành và bốn tuyến nhánh với kinh phí 65 tỷ đồng. Nạo vét sông Ngòi Ngang (Khánh Thành - Khánh Công) với kinh phí dự toán gần 70 tỷ đồng. Tuyến đường trung tâm các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Mậu với kinh phí 61 tỷ đồng, tuyến đường Chùa Chè - Nhuận Hải (Khánh Hải) với mức đầu tư 15 tỷ đồng...

Có thể nói, qua việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Khánh, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền thể hiện khá rõ nét. Khởi nguồn là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu gương tính tiên phong, gương mẫu. Nhiều đồng chí bí thư đảng ủy xã, bí thư chi bộ thể hiện trách nhiệm thông qua vận động người thân trong gia đình tự nguyện hiến ngày công lao động, đóng góp kinh phí, đất đai để làm giao thông nông thôn. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào, tập thể nào đoàn kết thì nơi ấy phong trào xây dựng nông thôn mới được phát triển mạnh và ngược lại. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn lực trong nhân dân được phát huy, sức mạnh của sự đoàn kết nhất trí giữa cấp ủy đảng và chính quyền với các tầng lớp nhân dân tại địa phương thể hiện bằng kết quả cụ thể làm đổi thay vùng đất giàu tiềm năng lao động và sự sáng tạo vươn lên thoát đói nghèo.

NGUYỄN THỊ THANH Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh
nhandan.com.vn