Kết quả sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn 3 tháng đầu năm 2020 của TP HCM
- Thứ hai - 23/03/2020 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch chỉ đạo điều hành và Chương trình công tác năm 2020 tại Quyết định số 11/QĐ-SNN, trong đó tập trung triển khai Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 – 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; Quyết định số 4545/QĐ-UBND ngày 15/10/2018 và Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 11/01/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, gồm: Rau, hoa – cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ và cá cảnh (sản phầm có tiềm năng); Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện đề án Tái cơ cấu chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025. Thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm kiểm soát an toàn tại vùng sản xuất, công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng – vật nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm H5N1, dịch tả heo Châu Phi…; tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, CoVid 19…
Kết quả giá trị sản xuất nông nghiệp 3 tháng đầu năm 2020 tăng 4,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6%); trong đó, trồng trọt tăng 6,7%, chăn nuôi tăng 0,7%, thủy sản tăng 7%. Diện tích gieo trồng rau đạt 4.500 ha, tăng 16,1% so cùng kỳ; sản lượng 127.350 tấn, tăng 16,1% so cùng kỳ. Diện tích hoa, cây kiểng đạt 2.425 ha, tăng 7,6% so cùng kỳ; trong đó hoa lan đạt 680 ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tổng đàn bò 133.040 con, tăng 1,2% so cùng kỳ, trong đó, đàn bò thịt 75.281 con, tăng 12,1% so cùng kỳ và đàn bò sữa 57.759 con, giảm 10,3% so cùng kỳ. Tổng đàn heo 167.069 con, giảm 29,8% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi chim yến lấy tổ đạt 3.550 kg, tăng 26,8% so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản đạt 13.616 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ. Cá cảnh đạt 58 triệu con, tăng 4,7% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã xuất khẩu khoảng 490,8 tấn hạt giống (trong đó, chủ yếu là hạt giống bắp và rau). Xuất khẩu 10.000 cây kim ngân, kim ngạch xuất khẩu 12.000 USD, thị trường xuất khẩu chủ yếu Mỹ, Nhật, Canada. Xuất khẩu cá cảnh đạt 5,21 triệu con, giá trị kim ngạch xuất khẩu 6,10 triệu USD (giảm 9,8% so cùng kỳ). Các trại đã xuất khẩu 25 tấm da cá sấu, 30 sản phẩm da cá sấu; giá trị đạt 40 triệu đồng, thị trường xuất chủ yếu là Nhật Bản.
Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trong 3 tháng các quận huyện đã phê duyệt 27 quyết định, 28 hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ lãi vay; tổng vốn đầu tư 45,356 tỷ đồng, tổng vốn vay 23,325 tỷ đồng. Lũy tiến thực hiện chính sách từ năm 2011 đến nay đã phê duyệt 8.384 quyết định, 24.456 hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ lãi vay; tổng vốn đầu tư 13.486,722 tỷ đồng, tổng vốn vay 8.180,058 tỷ đồng. Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (673,525 tỷ đồng), đã huy động được 20 đồng vốn xã hội (13.486,722 tỷ đồng), trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 12 đồng (8.180,058 tỷ đồng), huy động trong dân là 8 đồng (5.306,664 tỷ đồng).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn nâng chất bình quân mỗi xã đạt 18,9/19 tiêu chí nâng chất (tăng 2,5 tiêu chí so với cùng kỳ là 16,4 tiêu chí); trong đó có 52 xã đạt 19/19 tiêu chí (chiếm 92,9%) gồm huyện Củ Chi 20 xã, huyện Hóc Môn 08 xã, huyện Bình Chánh 12 xã, huyện Nhà Bè 06 xã và huyện Cần Giờ 06 xã. Bình quân mỗi huyện đạt 7,8/9 tiêu chí (tăng 2 tiêu chí so với cùng kỳ là 5,8 tiêu chí/huyện).
Trong 3 tháng đầu năm, có 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản thành lập mới. Lũy tiến từ tháng 8 năm 2016 (từ khi có Quyết định số 3907/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố) đến nay thành phố có 762 doanh nghiệp thành lập mới và tổng số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản đang hoạt động tại thành phố hiện nay là 1.722 doanh nghiệp nông nghiệp. Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất đặc biệt quan tâm thực hiện theo Chương trình an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đến nay, thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả VietGAP tại 7 hợp tác xã nông nghiệp: Phước An, Phú Lộc, Mai Hoa, Ngã 3 Giồng, Phước Bình, Nấm Việt, Liên tổ rau an toàn Tân Trung và 01 Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Sản lượng rau dán tem tăng từ 4 tấn/ngày trong năm 2016 (chiếm 25,6% tổng sản lượng/ngày) lên 21,8 tấn/ngày (chiếm 53,1% tổng sản lượng/ngày). Tổng số cơ sở đã được chứng nhận VietGAP (TCVN 11892-1:2017) còn hạn trên địa bàn thành phố là 462 cơ sở với diện tích canh tác là 629,4 ha, tương đương 5.267,6 ha diện tích gieo trồng, sản lượng ước tính đạt 114.756,5 tấn/năm. Lũy tiến đến nay, tổng số cơ sở sản xuất rau quả trên địa bàn thành phố được chứng nhận VietGAP là 1.345 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích canh tác 1.728 ha, tương đương 11.313 ha diện tích gieo trồng; (chiếm tỉ lệ 60,06% diện tích gieo trồng rau trên thành phố), sản lượng dự kiến đạt 212.098 tấn/năm.
Nguồn: sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn