Kết quả xây dựng nông thôn mới phải được người dân hài lòng

Kết quả xây dựng nông thôn mới phải được người dân hài lòng
- Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ngày 18/6 tại buổi toạ đàm trao đổi kinh nghiệm MTTQ Việt Nam tuyên truyền, vận động và giám sát xây dựng nông thôn mới; Trao đổi kinh nghiệm thực hiện phong trào “Đoàn kết – Sáng tạo” tại tỉnh An Giang.
 

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu chỉ đạo.

Giai đoạn 2 của lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước được xác định từ năm 2016 – 2020. Mục tiêu tổng quan là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Đến thời điểm này kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước đã đạt được những kết quả tích cực hướng đến sự phát triển bền vững. Đến nay, cả nước có 4.402 xã (chiếm 49,39% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 76 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung các hoạt động vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả, nhất là việc tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác giám sát xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả bước đầu, việc giám sát đầu tư nguồn lực, giám sát thực hiện cơ chế xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả ở một số địa phương. Nhiều văn bản cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới Mặt trận các cấp tham gia góp ý hiệu quả.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang cho biết: Mặt trận tỉnh An Giang hàng năm đều tổ chức giám sát xây dựng nông thôn mới (NTM). Cụ thể là các hoạt động giám sát về việc mua bảo hiểm y tế đối với các hộ gia đình ở những xã đang xây dựng NTM.

Tham mưu cho UBND tác động cho các doanh nghiệp mua bảo hiểm y tế cho người dân, ngoài ra còn phân tích cho người dân biết được tác dụng của việc mua bảo hiểm y tế đối với đời sống. Hay đẩy mạnh việc giám sát thực hiện vấn đề môi trường ở các xã xây dựng nông thôn mới. Nhìn chung thời gian qua MTTQ các cấp tỉnh An Giang đã làm tốt công tác giám sát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí…

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Ông Nguyễn Thanh Trận, Trưởng Ban phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết: Những tháng còn lại của năm 2019 và thời gian tới, những xã đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi sẽ tập trung cho những nội dung mà sự hài lòng của người dân còn thấp để cố gắng từng bước nâng chất các tiêu chí này. Định hướng thời gian tới đây các xã được công nhận nông thôn mới chúng tôi sẽ khảo sát lại để nâng chất các tiêu chí…

Ở Hậu Giang, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang cũng thông tin: Thời gian qua Hậu Giang tích cực tuyên truyền công tác giám sát với hình thức tập trung, nội dung thiết thực. Để thực hiện tốt mục tiêu này chúng tôi phối hợp với báo đài địa phương, Báo Đại đoàn kết đưa báo xuống 100% khu dân cư để tuyền truyền cho người dân nắm về công tác xây dựng NTM...tích cực xây dựng các mô hình giảm nghèo, như Mặt trận phối hợp với Phật giáo Hoà hảo xây dựng xoá hộ nghèo trên địa bàn…

Ở khu vực Tây Nam Bộ, MTTQ các cấp đã tích cực triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các nội dung tập trung chủ yếu được triển khai thực hiện có hiệu quả như vận động nhân dân xây dựng các công trình giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững thông qua các hoạt động Qũy “Vì người nghèo”…

Tính đến nay khu vực Tây Nam Bộ đã có 528 xã (41,06%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 28,16% so với cuối năm 2015, cả nước đạt 49,38%); bình quân cả khu vực đạt 15,43 tiêu chí/xã (tăng 1,53 tiêu chí so với cuối năm 2015), cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã)và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Có 9 đơn vị cấp huyện thuộc 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 08 đơn vị so với cuối năm 2015). Qua báo cáo kết quả lấy ý kiến người dân của các đơn vị cấp huyện xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt trên 95 - 97%.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên ở một số nơi chưa thể hiện được hết vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Tính chủ động, sự sáng tạo trong triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế; kết quả công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới chậm được đổi mới và chưa được làm thường xuyên.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao đổi với các đại biểu bên lề toạ đàm.

Vai trò của MTTQ và các thành viên trong việc giám sát, phản biện trong xây dựng nông thôn mới chưa thực sự được nổi bật nhất là việc giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là: giám sát bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; giám sát việc sử dụng nguồn lực xây dựng nông thôn mới bao gồm nguồn lực do Nhà nước hỗ trợ, nguồn lực xã hội hóa, việc nợ đọng xây dựng nông thôn mới...

Việc tham gia phản biện dự thảo các văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch chương trình, dự án về nông thôn mới liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân hiệu quả chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc triển khai thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, cho thấy chưa có sự thống nhất trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Kết quả đánh giá ở một số nơi chưa phản ánh chính xác mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương…

Kết luận buổi toạ đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Những ý kiến của các địa phương là bài học kinh nghiệm, cách làm hay là bài học quý giá để chúng ta học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm này, vận dụng cho địa phương mình, thúc đẩy phong trào nhà nước chung sức xây dựng NTM... Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, “mỗi một địa phương đạt chuẩn nông thôn mới phải đảm bảo tính bền vững”.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, qua kinh nghiệm của An Giang trong xây dựng NTM, đặc biệt là việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng xây dựng NTM, cho thấy An Giang làm rất tốt nội dung này. Chúng ta giám sát đến cùng ý kiến của Mặt trận cho chính quyền các ngành, kiến nghị khắc phục những vấn đề, nội dung mà người dân chưa hài lòng.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đánh giá rất cao một số tỉnh, thành đã gắn phong trào đoàn kết sáng tạo với thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh. Chúng ta phát huy các sáng kiến của người dân trong xây dựng NTM, đóng góp cho chính quyền các ngành ý tưởng làm sao để xây dựng NTM ngày càng tốt hơn…

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng đại biểu các tỉnh có chuyến thăm, tặng 26 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo tại Khu dân cư Đại đoàn kết phường Mỹ Thới (TP Long Xuyên), mỗi phần trị giá 700 ngàn đồng và tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên).