Khảo sát HTX tỉnh Ninh Bình: Sẵn sàng tăng cường nguồn lực!

Theo số liệu tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh Ninh Bình có 315 tổ hợp tác (THT) trong đó 259 THT có đăng ký chứng thực của chính quyền địa phương theo Nghị định 151/NĐ-CP; 340 HTX thu hút trên 260.000 thành viên tham gia. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 99% số HTX trong diện đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012.

Trong những năm gần đây, để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Ninh Bình đã tiến hành tổ chức lại các HTX theo hướng liên kết sản xuất, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Hợp tác, tương trợ lẫn nhau

Ngày 4/3, thực hiện chỉ đạo trực tiếp từ Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh (Tổ trưởng Tổ công tác), Trung tâm Các chương trình kinh tế -xã hội (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) cùng các thành viên Tổ công tác đã phối hợp Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã tiến hành khảo sát hai HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gắn với mục tiêu thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm. Đó là HTX Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa và HTX Nông sản an toàn Tam Điệp

Hai HTX trên đều có báo cáo chi tiết về hoạt động bộ máy, các ngành nghề, hiện trạng sản xuất, định hướng sản xuất và nhu cầu gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Tổ công tác trong quá trình làm việc, tham quan, khảo sát, các vùng sản xuất, phân tích cụ thể, bước đầu đánh giá tổng thể về hai HTX. 

Về tổ chức hoạt động: Các HTX đều hoạt động theo Luật HTX 2012, đã chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới.
Về sản xuất và tiêu thụ: hai HTX thành lập với mục tiêu hoạt động hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động SX-KD, liên kết các hộ thành viên sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; hạn chế tối đa rủi ro trong sản xuất cũng như tiêu thụ; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, phục vụ; hỗ trợ thành viên phát triển ngành nghề, đồng thời đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên.

HTX nông sản an toàn Tam Điệp hiện nay đã xây dựng trang trại, cơ sở giết mổ, hệ thống các nhà hàng để tiêu thụ sản phẩm. Vai trò cung ứng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã là công cụ hữu hiệu cho thành viên HTX, người nông dân yên tâm sản xuất, đồng thời tạo vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - thị trường.

HTX bước đầu đã đứng ra bao tiêu và giới thiệu sản phẩm được bảo đảm an toàn do các HTX trong tỉnh sản xuất, gồm rau, củ, quả của các HTX như: HTX Rau sạch xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), HTX Nông nghiệp Phúc Long (xã Yên Từ, huyện Yên Mô), HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong (huyện Nho Quan); THT Cây con đặc sản Tp.Tam Điệp; HTX Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (Tp.Tam Điệp). 

Định hướng trong thời gian tới, HTX Nông sản an toàn Tam Điệp sẽ tiến lên thành lập Liên hiệp HTX, liên kết các HTX sản xuất - tiêu thụ - chế biến nông sản an toàn trên toàn tỉnh Ninh Bình.

Đoàn công tác thăm của hàng tiêu thụ sản phẩm của HTX Nông sản an toàn Tam Điệp

Phát huy vai trò của HTX

HTX Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ SX-KD và nuôi trông những cây, con đặc sản trên cơ sở phát triển từ 3 THT, là Tổ nuôi chạch sụn; Tổ trồng chuối tây Thái Lan; Tổ trồng rau cần, rau rút trên địa bàn. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ, tư vấn của Liên minh HTX tỉnh, các sáng lập viên, hộ nông dân của các THT đã nghiên cứu mô hình HTX, đã cùng nhau bàn bạc thống nhất phương án sản xuất kinh doanh.

HTX đã tạo được liên kết các hộ thành viên sản xuất nhỏ lẻ, manh mún có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, phát huy được thế mạnh của các thành viên, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế từ thế mạnh nguồn lực lao động dồi dào, kinh nghiệm sẵn có trong nuôi trồng, chế biến, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. HTX thực sự là cầu nối giữa những cá thể sản xuất tại địa phương với người tiêu dùng.

Về chuỗi giá trị sản phẩm: đa số HTX phát triển gắn với lợi ích thành viên, đồng thời theo định hướng phát triển KTTT, vì thế cần hoàn thiện, có lộ trình cụ thể trong thực hiện đổi mới phát triển quy trình sản xuất đồng bộ, hiệu quả, chủ động trong khâu nguyên liệu đầu vào, khâu tiêu thụ, nhằm đồng bộ công nghệ, sản phẩm.

Các HTX đều có nguyện vọng tham gia trong định hướng thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam, sẵn sàng tăng cường nguồn lực hiện có để có thể đạt được hiệu quả bền vững, liên kết thành viên, liên kết giữa các HTX, phát triển theo xu hướng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Căn cứ vào khảo sát thực tiễn, Tổ công tác sẽ thống nhất với Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình sử dụng nguồn lực từ Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn HTX thích hợp trong triển khai; đồng thời huy động sự quan tâm, hỗ trợ từ UBND tỉnh, UBND các xã, các sở, ngành… của tỉnh trong thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm tại Ninh Bình trong năm 2018. 

Sản phẩm cụ thể sẽ phát huy vai trò của HTX trong thực hiện các sản phẩm chủ lực theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và thực hiện tốt các đề án phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020.
thoibaokinhdoanh.vn