Khâu đột phá xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang
- Thứ năm - 16/08/2012 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
"Năm nay, thôn mình có thêm một ngày hội đại đoàn kết, đó là ngày hoàn công bê-tông tất cả đường ngõ, xóm!". Anh Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn hồ hởi nói với chúng tôi khi được hỏi về phong trào làm đường bê-tông thôn, bản. Ngày ra quân làm đường, tuyên truyền bằng băng-rôn, khẩu hiệu (các thôn đều như vậy), loa đài cổ vũ động viên, những xô bê-tông đầu tiên do người cao tuổi của thôn đổ như chỉ lệnh khai cuộc đồng thời định hướng cho lớp trẻ ý thức với công việc của cộng đồng. Rồi không cần mở sổ, Dũng đưa ra cả loạt con số, thôn có 6.464 m gồm cả đường xóm và đường nội đồng, 160 gia đình trong thôn đã đóng góp được hơn 350 triệu đồng (kể cả vật liệu) để làm đường. Chỉ chưa đầy một năm, tính từ ngày triển khai đến tháng 5 vừa qua, thôn đã hoàn thành việc bê-tông đường giao thông và Làng Ngòi cũng là một trong những thôn hoàn thành bê-tông đường giao thông sớm nhất của xã Mỹ Bằng, của huyện Yên Sơn và của tỉnh.
Xã Mỹ Bằng là một trong những điểm sáng của tỉnh Tuyên Quang về phong trào làm đường bê-tông thôn, bản. Năm 2010, tiến hành rà soát mạng lưới giao thông, xã còn 103/134,46 km đường liên thôn, đường trục, ngõ xóm và nội đồng là đường đất, đi lại lầy lội. Triển khai chủ trương bê-tông giao thông nông thôn, xã đã thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã trực tiếp làm Trưởng ban. Ngay sau đó, đã tiến hành họp dân phổ biến chủ trương của tỉnh: hỗ trợ xi-măng, ống cống tới tận công trình và kinh phí quản lý, nhân dân góp cát, sỏi công lao động. Tuy nhiên, với hơn 3.100 hộ gia đình ở 25 thôn mà chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp nên khi triển khai thực hiện cũng có những khó khăn. Ðể tháo gỡ, ban chỉ đạo xã đã tiến hành linh hoạt khi thu phần đóng góp của dân. Hộ gia đình có điều kiện có thể nộp một đợt và tùy tâm ủng hộ thêm, hộ khó khăn có thể nộp nhiều lần. Khi nhân dân đóng góp được một phần ba dự toán thì tiến hành khởi công ngay, làm đoạn nào xong đoạn ấy để bảo đảm việc đi lại. Ngoài việc đóng góp bằng tiền, các hộ gia đình có thể góp bằng các loại vật dụng khác phục vụ thi công như cốp-pha, góp bằng đưa máy trộn bê-tông tới thi công hoặc bằng phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu. Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bùi Quang Hùng cho biết: Mở đường thôn xóm theo tiêu chuẩn bê-tông rộng 3 m, lề đường mỗi bên 1m để các phương tiện vận tải đều lưu thông thuận lợi, khó nhất là việc thu hồi đất để nắn chỉnh các đoạn cong, lối rẽ, vì đường dân sinh không có kinh phí đền bù. Tuy nhiên, do chủ trương đúng, hợp lòng dân cho nên ngay sau khi họp phổ biến, bà con trong thôn đã cùng nhau vận động các gia đình có đường phải nắn chỉnh tự lùi hàng rào, thu dọn hoa màu để hiến đất mở đường. Như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Cây Quýt 2. Gia đình chị là hộ nghèo nhưng theo chị thì, làm đường cho mình, cho tương lai của con cháu mình, tỉnh đã hỗ trợ nhiều như vậy rồi, còn chần chừ gì nữa. Cùng việc góp 1,2 triệu đồng vật liệu và công lao động tham gia làm đường như các gia đình khác, chị đã tự nguyện hiến 200 m2 đất trị giá 30 triệu đồng để mở đường. Từ đó, nhiều gia đình trong thôn cũng đã hiến 340 m2 đất để làm đường bê-tông thôn, xóm. Toàn xã Mỹ Bằng, chỉ hơn một năm từ khi triển khai thực hiện chủ trương bê-tông hóa đường giao thông nông thôn đã huy động được (quy ra tiền) hơn 10 tỷ đồng để làm 63 km đường nông thôn (bằng 61,2% kế hoạch giai đoạn 2011-2015).
Về xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, nơi mở màn cho phong trào bê-tông hóa giao thông thôn, bản của tỉnh thì nay phong trào ấy vẫn đang được duy trì và đi vào chiều sâu với những nội dung thi đua cụ thể. Quanh đồi Nà Loáng, nơi có Khu di tích lịch sử Ðại hội toàn quốc lần thứ II của Ðảng ở thôn Bó Củng, bà con trong thôn đã làm được 1,7 km đường thôn, đây cũng là thôn có tiến độ làm đường bê-tông nhanh nhất của xã. Hiện nay, người dân các thôn trong xã đang phát động thi đua giải phóng mặt bằng nhanh nhất để thi công, làm đường đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhờ vậy đã có nhiều hộ gia đình tự giác chặt hạ cây ăn quả, dỡ hoa màu, tự nguyện hiến đất để giải phóng mặt bằng, mở rộng hành lang để làm đường đúng tiêu chuẩn. Năm 2011, xã đã vượt 69% kế hoạch và sáu tháng năm 2012 cũng đã hoàn thành 70% kế hoạch bê-tông hóa đường giao thông của năm. Với mức thu nhập mỗi người dân thuộc diện trung bình của xã hiện chỉ chưa đến một triệu đồng/tháng thì việc đóng góp cả triệu đồng mỗi khẩu để làm đường bê-tông và còn tự nguyện hiến đất làm đường là một sự cố gắng lớn để đầu tư cho tương lai.
Sức lan tỏa của phong trào
Năm 2011, năm đầu thực hiện đề án bê-tông hóa đường giao thông, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện được 664,84 km đường bê-tông, vượt 21,3% kế hoạch. Năm 2012, các huyện đăng ký làm 470 km đường bê-tông, nhưng chỉ trong năm tháng đầu năm đã thực hiện được 264,8 km. Như vậy, chỉ trong gần một năm rưỡi thực hiện, toàn tỉnh đã bê-tông hóa được hơn 929 km, bằng 42,57% kế hoạch năm năm. Trong quá trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, Tuyên Quang đã huy động được sự tham gia của cả cộng đồng, từ việc tuyên truyền chủ trương đến triển khai thực hiện. Do vậy, ngoài phần hỗ trợ của tỉnh,nhân dân đã đóng góp hơn 200 tỷ đồng bằng công lao động, vật liệu, tiền mặt, một nguồn lực rất lớn để xây dựng phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp vật liệu, hỗ trợ máy móc, thiết bị thi công nền và mặt đường trị giá 1,08 tỷ đồng. Nhiều hộ dân hiến đất làm đường, tiêu biểu như gia đình ông: Nguyễn Văn Ðáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai, hiến 2.143 m2 đất; ông Nguyễn Văn Ngụ, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa cùng ở huyện Sơn Dương hiến 336 m2 đất;...
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phạm Văn Quang cho biết, tỉnh đã phân cấp triệt để cho UBND cấp xã phê duyệt dự toán, quyết toán. Các thủ tục được tiến hành nhanh, gọn, công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Ngay sau khi hoàn thành công trình được công khai từng khoản đóng góp tới dân. Vì vậy, không chỉ làm tăng niềm tin và sự đồng thuận trong dân mà còn khơi dậy được sức dân cho nên có tới 73 xã, thị trấn vượt chỉ tiêu kế hoạch làm đường. Tuy nhiên, hiện nay với những xã và thôn bản thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhân dân ở không tập trung, đa phần các hộ dân có mức thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao thì việc đóng góp của nhân dân rất hạn chế nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Sự quan tâm đầu tư này sẽ là đòn bẩy không chỉ cho việc làm đường bê-tông thôn, bản mà còn tác động tích cực tới việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
HẢI CHUNG
Nguồn: nhandan.org.vn