Khéo léo, hài hòa trong quá trình vận động

Với một tỉnh nghèo, đời sống bà con còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", những người làm công tác Mặt trận tại cơ sở vừa phải kiên trì, khéo léo vận động cũng như tìm cách giải quyết hài hòa giúp người dân.
Khéo léo, hài hòa trong quá trình vận động

Với một tỉnh nghèo, đời sống bà con còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", những người làm công tác Mặt trận tại cơ sở vừa phải kiên trì, khéo léo vận động cũng như tìm cách giải quyết hài hòa giúp người dân. Cùng với đó là xây dựng những mô hình điểm, những điển hình tiên tiến để người dân thấy được rằng chỉ có chung tay xây dựng nông thôn mới thì đời sống của bà con mới thoát nghèo bền vững.

 Ông Ma Nhật Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết về nỗ lực của những người cán bộ MTTQ trong quá trình thực hiện cuộc vận động.

Theo ông Ma Nhật Hoài, khó khăn lớn nhất đối với Bắc Kạn trong triển khai  Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh là nguồn lực đầu tư còn hạn chế, trong khi nguồn lực huy động trong nhân dân cũng rất ít do thu nhập của bà con còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Bắc Kạn có diện tích khá rộng, nhưng dân số lại ít nhất cả nước.

Bên cạnh những khó khăn nội tại, một số tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Nhiều thôn, bản ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có khoảng 30 hộ dân, nếu làm nhà văn hoá thì chỉ cần 50-60 chỗ ngồi là đủ, nhưng làm như vậy không đáp ứng tiêu chí về văn hoá, mà làm đúng tiêu chí thì sẽ rất lãng phí, trong khi nguồn lực tài chính của địa phương eo hẹp. 

Hoặc như tiêu chí về đường giao thông yêu cầu phải rộng 3 m thì sẽ khó thực hiện được vì dân cư thưa thớt, từ trung tâm xã đến các thôn, bản dài hàng chục km, địa hình đồi núi, sông suối, nhiều nơi là núi đá nếu mở đường sẽ cần kinh phí rất lớn…

Thêm vào đó, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền cũng nhiều hạn chế. Để giúp bà con đồng thuận ủng hộ, cán bộ Mặt trận phải đi nhiều, vận động nhiều trong khi có nhà, cán bộ vừa trình bày xong thì bà con thẳng thắn, mình biết ý của cán bộ là tốt, nhưng mình không có tiền đóng đâu, mình cứ đi cái đường cũ thôi. 

PV: Để tháo gỡ các khó khăn đó, MTTQ các cấp trong tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Ma Nhật Hoài: Cùng với các cấp chính quyền, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các cấp triển khai hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu về: xây dựng NTM, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, MTTQ tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình điểm, giới thiệu gương điển hình, mô hình khu dân cư, xã, phường, thị trấn tiêu biểu thực hiện hiệu quả các nội dung Cuộc vận động. Còn trong công tác phối hợp, MTTQ tỉnh hiệp thương, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức thành viên giúp bà con thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả. Điển hình như giúp hộ nghèo về vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà ở, giúp ngày công; hỗ trợ con, cây giống; hỗ trợ kỹ thuật, cách thức làm ăn trong điều kiện hiện có.

6 năm qua, tỉnh đã có hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: nuôi gà thả đồi, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, nuôi lợn, trồng cam quýt, hồng không hạt, chè, rau an toàn… được xây dựng thành công, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân; giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh cuối năm 2016 xuống còn 26,61% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Thực tế cho thấy, ý thức người dân quyết định sự thành công của các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động xây dựng NTM, đô thị văn minh. Vậy phải làm sao để dân tham gia tự nguyện, ai cũng thấy mình có vai trò đóng góp cho thành công chung, đó chỉ có thể là việc làm tốt công tác tuyên truyền.

6 năm qua bộ mặt nông thôn của Bắc Kạn đã có nhiều đổi thay rõ rệt, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Mặc dù số xã về đích NTM còn khiêm tốn nhưng tỉnh cũng đã có những đổi thay lớn về hạ tầng giao thông; các lĩnh vực văn hóa - xã hội như giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng lên. Kinh tế nông thôn ở Bắc Kạn cũng đang có nhiều khởi sắc và chuyển biến tích cực với việc hình thành hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi như gà thả đồi, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, nuôi lợn, trồng cam quýt, hồng không hạt, chè, rau an toàn thực phẩm.

Vậy trong các tiêu chí xây dựng NTM, khó vận động nhất đối với người làm công tác Mặt trận là tiêu chí nào, thưa ông?

- Có thể nói thế này, vì là một tỉnh nghèo nên khi làm chúng tôi gặp khó khăn ở hầu hết các tiêu chí, trong đó có tiêu chí thứ 17- tiêu chí về môi trường.  Theo tiêu chí quy định là: 90% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn;…

Thế nhưng để vận động bà con thực hiện đầy đủ các tiêu chí này là chuyện không hề đơn giản. Chỉ nói như việc thu gom, xử lý rác thải, theo thói quen bà con vẫn đổ rác luôn ra các khu vực sườn núi, vườn, khe, suối chứ không đổ tập trung tại một điểm nào đó để thu gom, tiêu hủy.

Ngoài ra, nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình, hợp tác xã không có đủ kinh phí để đầu tư xây dựng hầm biogas, nên nước thải chăn nuôi được xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng…Khi cán bộ Mặt trận đến vận động bà con không được đổ rác vào khe núi, không được xả nước thải chăn nuôi ra cống rãnh chung để giữ gìn môi trường thì họ bảo rằng, trước nay mình toàn làm vậy. Với lại làm theo lời cán bộ thì lấy đâu ra tiền mà đầu tư, cán bộ có giúp mình không? 

Trước những tình huống đó người cán bộ Mặt trận cơ sở, trưởng bản, người có uy tín vừa phải kiên trì, khéo léo vận động cũng như tìm cách giải quyết hài hòa giúp người dân. Cùng với đó là xây dựng những mô hình điểm, những điển hình tiên tiến để người dân thấy được rằng chỉ có chung tay xây dựng NTM thì đời sống của bà con mới thoát nghèo bền vững cũng như bảo vệ môi trường sống của chính mình. Thời gian qua nhiều xã cũng triển khai đến các hộ thực hiện cải tạo, chỉnh trang hàng rào; công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phát quang cỏ dại…

Để vận động người dân thực hiện các cuộc vận động, phong trào do MTTQ phát động thì công tác phối hợp là không thể thiếu. Vậy công tác này đã được MTTQ tỉnh Bắc Kạn thực hiện như thế nào, thưa ông?

-Thời gian qua công tác phối hợp đã được MTTQ các cấp thực hiện rất sát sao. Như  phối hợp với UBND tỉnh ký kết, ban hành Chương trình thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; vận động và giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2016- 2020. Hay như phối hợp với sở Y tế và  sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân xây dựng Làng văn hóa sức khỏe…Sự phối hợp này đã mang lại hiệu quả bước đầu. 

Tuy nhiên, nhìn chung công tác tuyên truyền của MTTQ và các tổ chức đoàn thể hiện vẫn còn chung chung, nhiều nơi chưa chọn được cách thức, nội dung trọng tâm, trọng điểm để tuyên truyền, vận động phù hợp. Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng đó là kinh phí để tổ chức các hoạt động tuyên truyền còn khó khăn; tài liệu cho công tác tuyên truyền còn hạn chế. Việc gắn kết thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” với phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương còn lúng túng. 

Tuy nhiên, từ những điểm khởi đầu khó khăn đó, chúng tôi tin rằng, chính quyền và người dân Bắc Kạn sẽ có những bứt phá trong thời gian tới. 

Trân trọng cảm ơn ông!

    Việt Hà (thực hiện)
Nguồn: daidoanket.vn