Khi giá không còn “chạy” theo lương

Từ tháng 5, lương tối thiểu chính thức tăng thêm 26,5%, từ mức 830 nghìn đồng lên 1,05 triệu đồng/tháng. Tăng lương, giá cả thị trường cũng theo đó mà “leo thang” là tâm lý đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của người tiêu dùng xưa nay. Tuy nhiên, với diễn biến thị trường thời gian qua, nhiều bà nội trợ lại “thở phào” khi thị trường có biểu hiện giá không còn “chạy” theo lương.
Khi giá không còn “chạy” theo lương
Dù giá xăng dầu có tăng, lương tối thiểu được điều chỉnh, giá cả trên thị trường thời gian chỉ biến động nhẹ bởi yếu tố mùa vụ. Chị Hồng, cán bộ một cơ quan Nhà nước cho biết, mặc dù giá cả hiện nay đang rất cao, nhưng lại thấy an tâm hơn vì lần tăng lương này diễn ra cùng thời điểm giá xăng dầu biến động mà giá cả không theo đó mà tăng cao. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều bà nội trợ thời bão giá. 

Giá cả đầu vào tăng, giá nguyên liệu tăng, lương cơ bản tăng ắt sẽ kéo theo giá hàng hóa bán ra trên thị trường tăng là hiệu ứng xưa nay vẫn diễn ra. Thậm chí, trước đây chỉ cần có thông tin điều chỉnh lương là thị trường đã có phản ứng ngay tức thì, giá cả thi nhau “đội” lên để chạy theo lương. Tuy nhiên, logic tăng giá này dường như bị vô hiệu hóa trong bối cảnh nền kinh tế đang “ốm yếu” như hiện nay. Thực tế từ đầu năm cho thấy, giá xăng tăng đã tăng 3 lần, lương cơ bản cũng được điều chỉnh tăng đến gần 30% nhưng thị trường thực phẩm hầu như vẫn “án binh bất động” và không có biểu hiện của hiệu ứng “té nước theo mưa”. Khảo sát của phóng viên cho thấy, bên cạnh một số ít mặt hàng tăng giá đột biến do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong thời tiết nắng nóng thì đa số các mặt hàng thực phẩm thiết yếu vẫn có giá tương đối ổn định. 

Theo lý giải của TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, lạm phát của năm 2011 vẫn đang tác động đến thị trường năm 2012. Thị trường không thể chấp nhận mức tăng cao hơn nữa khi mà giá cả của năm trước đã quá cao. Cùng với đó, dù lương tối thiểu có tăng nhưng thu nhập của đại bộ phận người dân vẫn chưa cao và không ổn định. Điều đó sẽ kéo theo việc người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu để ổn định tài chính cá nhân và gia đình. 

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp sản xuất cũng như trong siêu thị còn khá nhiều, mà người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu để đối phó với bão giá. Cung tăng mà cầu lại giảm nên buộc thị trường phải điều chỉnh giá hợp lý mới mong kéo được nhu cầu của người tiêu dùng quay trở lại. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải dùng “chiêu” khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. 

Đánh giá của Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng cho thấy, sức mua hàng hóa trên thị trường đã liên tục giảm trong thời gian qua, tiêu thụ của người dân đối với một số mặt hàng thiếu yếu như thực phẩm, tiêu dùng... đều giảm nhiệt. Thực tế trong tháng 3, mặc dù việc tăng giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ tác động lớn đến giá cả hàng hóa cuối tháng 3, đầu tháng 4, tuy nhiên trên thực tế giá hàng hóa đã không thể tăng do sức mua yếu, việc tăng giá xăng dầu gần như chỉ tác động đến giá cước vận tải, chi phí vận chuyển và các dịch vụ khác. 

Nhiều tiểu thương cũng nhận định, mức giá cả hiện nay là khá cao khiến đa phần các bà nội trợ phải “nâng lên đặt xuống” khi mua sắm. Do đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân vô hình chung bị hạn chế, lượng hàng bán ra cũng theo đó mà giảm đáng kể. “ Giá hàng hóa hiện nay cao ngất ngưởng, cái gì cũng đắt đỏ. Hiện nay, chúng tôi chỉ dám tăng giá những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, còn lại không tăng cái gì cả mặc dù lương của cán bộ đã tăng. Không tăng giá mà tiêu thụ còn khó, nếu giá cả cứ “leo thang” thì còn ai mua, người thiệt hại sẽ chính là các tiểu thương”, một tiểu thương tại chợ Hôm chia sẻ. Một tiểu thương khác tại chợ này cũng cho biết: “tăng lương chỉ áp dụng cho những người làm công ăn lương, chứ người dân bình thường như chúng tôi thì làm gì có cái gì mà tăng. Nếu giá cứ tăng theo lương thì thiệt thòi sẽ thuộc về người dân. Tôi thấy mừng vì bây giờ người ta bán hàng không còn “chạy” theo lương tăng nữa”.

Như vậy, hiện tượng “té nước theo mưa”, mượn cớ tăng lương để tăng giá vô tội vạ các mặt hàng thiết yếu đã không diễn ra như kịch bản các năm trước. Nguyên nhân sâu xa là do nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ khó khăn, nếu cứ đẩy giá lên cao thì người tiêu dùng vẫn buộc phải thắt chặt chi tiêu. Chính vì vậy, nhận định về biến động giá cả trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, khó có sự biến động lớn. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường vẫn phải xiết chặt để tránh tăng giá vô lý, đặc biệt với các mặt hàng nhạy cảm như sữa, thực phẩm.

Theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước, dự kiến tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sẽ tăng khoảng 0,15 - 0,2% so với tháng 4. Mức tăng này cao hơn tháng 4 do tác động của việc tăng giá xăng dầu, việc tăng lương cơ bản từ 1/5, nhưng đây vẫn tiếp tục là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, việc hạ giá xăng hồi đầu tháng 5 cũng là một tín hiệu tích cực cho kỳ vọng giảm CPI.
Theo Tamnhin