Khi người dân đã hiểu
- Thứ hai - 24/06/2013 03:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2010, khi chủ trương XDNTM, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp “tràn” về thôn Tân Thịnh, bà Tạ Thị Thái không ngần ngại tiên phong hiến đất. Không những thế, bà con đi vận động các gia đình trong xóm không có đường đi lại thuận tiện cùng tham gia hiến đất mở đường.
Lúc bấy giờ, các hộ trong xóm không hề có đường, có ngõ, chỉ là những mảnh vườn trồng bưởi, nhãn liền kề nhau được ngăn cách nhau bằng ranh giới là bờ rào. Chỉ duy nhất gia đình bà Thái án ngữ ngay ở vị trí đầu con đường mới này là có lối đi ra con đường của thôn. Những gia đình phía trong xóm muốn đi lại phải vòng vèo khá bất tiện.
Việc hiến đất của gia đình bà Thái có vai trò vô cùng quan trọng với cả xóm. Nếu bà không tham gia hiến đất, có thể con đường sẽ không được mở. Nhận thức được điều này, bà chủ động bàn với các hộ khác trong xóm để thống nhất hiến đất làm đường, khai thông ngõ cụt. Sau khi có kết quả họp bàn cụ thể, bà Thái đại diện cho xóm làm biên bản đề nghị thôn, xã đến cắm tuyến để mở đường và quyết định ngày tháo dỡ các công trình để hiến đất làm đường.
Theo bà, trước đây, những người dân sống trong khu vực này được gọi là xóm không ngõ, bởi chẳng có con đường đi chung mà do các gia đình tự phát mở lối riêng. Ở nông thôn, có một con đường bê-tông rộng rãi, sạch sẽ, thẳng đẹp rất quan trọng với mỗi người dân chúng tôi cũng như thế hệ con cháu sau này. Có đường mới, xóm không ngõ cũng hiểu nhau hơn, bền chặt hơn, mọi gia đình trong xóm từ đó mới tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Cũng bởi thế, vợ chồng bà đã họp bàn với các con và quyết định hiến 80m2 đất ở để làm đường. Đồng thời xác định, hiến đất sẽ không được đền bù bất kỳ một khoản nào. Thậm chí 30m dài tường rào, nhiều cây cối lâu năm nằm trên diện tích đất đó cũng phải chặt bỏ; tường bao quanh vườn nhà và cổng vào nhà cũng phải xây mới lại.
Ông bà Thái có 5 người con thì 4 con đã vào Nam định cư. Hai ông bà ở cùng vợ chồng anh con trai út với hai cháu nội. Mỗi tháng thu nhập của cả nhà chỉ gần 10 triệu đồng. Lúc đó, đất khu này có giá 12 triệu đồng/m2. Đó quả là khoản tiền không nhỏ với gia đình bà, nhất là khi trong nhà đang phải thuốc thang chăm sóc cho người chồng bị bệnh.
Khó khăn là vậy, nhưng bà Thái vẫn quyết tâm cùng với cả xóm làm đường. Thậm chí, bà còn vận động gia đình anh trai mình cùng hiến đất mở đường. Chủ trương đúng nên các thành viên trong Nam, ngoài Bắc của cả nhà bà đều nhất trí hiến đất làm đường. Từ miền Nam, cậu con trai lớn của người anh trai của bà Thái còn gửi 1 triệu đồng đóng góp với xóm để chi tiền chè nước khi phá dỡ, giải tỏa. Quyết là làm, từ hiến đất, bà cùng các hộ dân trong xóm hăng hái, góp công, góp sức và tiền của tiến hành tháo dỡ, giải phóng mặt bằng.
Nhớ lại những ngày vất vả phá dỡ, giải tỏa, bà Thái chia sẻ: Riêng với gia đình tôi, do các con đứa ở xa, đứa phải đi làm ở cơ quan tối ngày, chồng thì đau yếu nhưng tôi không quản nắng mưa, một mình phá dỡ dãy tường rào, chặt cây và thu dọn gọn gàng để chờ thôn và xã đến cắm tuyến đường. Vì không có điều kiện, tay tôi phồng rộp lên vì đẽo từng viên gạch tận dụng để xây lại tường rào mới. Ngoài ra, tôi phải vay mượn thêm gần 30 triệu đồng để làm lại cổng và đổ bê-tông lối đi vào nhà.
Mệt nhọc và không ít khó khăn, nhưng khi con đường rộng 4m, dài 150m được đổ bê-tông đưa vào sử dụng, bà Thái và những người dân trong xóm vô cùng phấn khởi, thuận tiện hơn hẳn cho việc đi lại.
XDNTM chỉ thành công khi làm cho người dân thấy được lợi ích mà chính họ được hưởng từ chương trình; và khi có những tấm gương người tốt việc tốt, sẵn sàng góp công, góp sức như gia đình bà Tạ Thị Thái và các gia đình trong xóm “không ngõ” ở thôn Tân Thịnh.
M.T
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn