Khi người dân phát huy tinh thần làm chủ trong xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 04/06/2014 23:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
|
Các mô hình 2 trong 1, 3 trong 1 được người dân áp dụng trên 1 diện tích |
Lấy nông nghiệp làm trọng tâm phát triển kinh tế
Là một huyện nông nghiệp, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Yên Khánh đã xác định phải tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân. UBND huyện đã triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất nhằm nâng cao hệ số, hiệu quả sử dụng đất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Huyện đã chỉ đạo các địa phương chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển nền nông nghiệp làm trọng tâm. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình phát huy hiệu quả kinh tế tốt như mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao quy mô 500ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công, Khánh Thành; mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và xuất khẩu; mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô 1.000 ha; mô hình phát triển kinh tế cao ở thôn 13, xã Khánh Thành...
Sản xuất vụ Đông được chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị thu nhập cao, toàn huyện hình thành 9 vùng sản xuất vụ Đông hàng hóa như: khoai tây, bí xanh, ngô ngọt, ngô nếp, dưa, cà chua, trạch tả... với diện tích trên 4.000 ha với mức thu nhập bình quân đạt từ 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ. Trong huyện cũng đã hình thành 4 vùng sản xuất rau với diện tích khoảng 250 ha với mức thu nhập bình quân đạt 45 - 60 triệu đồng/ha/vụ.
Nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm, gia súc, sản xuất nấm phát triển theo hướng quy mô tập trung gia trại, trang trại. Đến nay, toàn huyện có 14 cơ sở sản xuất nấm quy mô trên 2.000m2 lán trại; 15 tổ hợp tác sản xuất nấm, sản lượng nấm tươi hằng năm đạt từ 2.000 - 2.500 tấn các loại; 60 trang trại chăn nuôi lợn quy mô mỗi trang trại từ 300 - 1.000 con/trại; 86 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ hơn và 232 mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Xác định dồn điển, đổi thửa là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã chọn 2 xã làm điểm để rút kinh nghiệm và đã được hoàn thành năm 2010. Đến nay, toàn huyện có 10 xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, mỗi hộ chỉ còn 1,3 đến 1,7 thửa so với 4,7 thửa như trước kia. Cùng với dồn điền, đổi thửa, phong trào xây dựng nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng triển khai đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Toàn huyện hiện có 36/36 HTX nông nghiệp, 1 HTX dịch vụ điện nước, 15 tín dụng nhân dân. Đến nay, đã có 18/18 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Khánh đã huy động được đồng bộ cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhiều xã có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phát huy tốt tiềm năng lao động, sự đoàn kết nhất trí trong các tầng lớp nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực, tạo được phong trào khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của người dân các xã được cải thiện rõ rệt, điển hình như xã Khánh Phú đạt 27,6 triệu đồng/người/năm, Khánh Thiện đạt 27,6 triệu đồng/người/năm, Khánh Thành đạt 25,4 triệu đồng/người/năm…
Đến nay, Yên Khánh đã có 3 xã: Khánh Thành, Khánh Thiện, Khánh Phú đã đạt 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài 3 xã trên, Yên Khánh còn có 2 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 2 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 11 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia toàn huyện ước đạt trên 816 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp, doanh nghiệp hỗ trợ, con em quê hương đóng góp gần 130 tỷ đồng.
Hiện nay, 100% số xã trong huyện Yên Khánh hoàn thành và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc lập đề án quy hoạch khu dân cư, Ðảng ủy các xã còn chỉ đạo việc quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp để trở thành vùng sản xuất hàng hóa, đó là các vùng sản xuất giống lúa, sản xuất rau vụ đông, vùng chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, sản xuất nấm.
Phong trào “Toàn dân Yên Khánh chung sức xây dựng nông thôn mới” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng với nhiều phong trào thi đua, nhiều việc làm thiết thực hiệu quả cao. Nổi bật là phong trào tự hiến đất làm đường, tự tháo dỡ các công trình để giải phóng mặt bằng và việc đóng góp công sức, tiền của làm đường, làm thủy lợi.
Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Để có được kết quả đầu tiên quan trọng trên, theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, đó là nhờ sức mạnh tập thể và sự đồng thuận của nhân dân. Nếu chủ trương đúng mà nhân dân không hưởng ứng và triển khai đạt kết quả tốt thì kết quả cũng không được rõ nét. Ở Yên Khánh, dù là xã làm điểm hay các xã khác, nhân dân đều nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí đề ra, làng nọ, xóm kia đều thi đua để hoàn thành mỗi chỉ tiêu sớm nhất. Chúng tôi xác định, việc huy động sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng và cần thiết, và phải thực hiện cho kỳ được, bắt đầu từ sự tin tưởng của nhân dân.
Làm tốt chủ trương này, xã Khánh Thành đã cán đích sớm 19 tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chia sẻ kinh nghiệm cán đích trong thời gian ngắn nhất đối với một xã thuần nông, ông Phạm Văn Dân, Bí thư Đảng uỷ xã Khánh Thành, chia sẻ: "Trước khi xây dựng nông thôn mới, Khánh Thành mới đạt 7/19 tiêu chí. Nguồn vốn nội lực thấp, thu nhập của người dân chỉ đạt 13,4 triệu/người/năm. Lãnh đạo xã nhận định, mọi người dân trong xã phải là những hoạ sĩ tô vẽ bức tranh xã ngày một đẹp hơn. Do đó, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu vẽ những nét đầu tiên.”
Nếu trước kia, ở xóm 2, xã Khánh Thành, đã có lúc người ta nghĩ rằng con đường trong xóm hẹp hai xe máy tránh nhau còn khó sẽ chẳng bao giờ mở rộng được bởi ai cũng lo đất của mình sẽ mất, tường rào phải phá tan, cây cối phải nhổ bỏ. Thế nhưng, bỗng dưng có đảng viên Vũ Đức Nhãn dám dẫn cán bộ địa chính đến cắt gần 200 m2 đất, sau đó bỏ tiền mua 3.000 viên gạch xây kè cao 1m, dài 80m để bồi đắp lòng đường.
Đúng với câu “đảng viên đi trước”, nhân dân trong xóm thấy thế mà bảo nhau tạm gác việc gia đình đến hỗ trợ. Từ đấy, đường mở đến đâu, dân dỡ, phá công trình đến đó để nhường đất cho Nhà nước. Những trục đường bê tông hình bàn cờ hay hình chữ Tê dần được hình thành và phủ kín quanh xã. Nhân dân nô nức đi làm đường bởi thấy được lợi ích đem lại trực tiếp cho gia đình mình, cho xóm mình. Trong 3 năm, các xã đã làm mới, nâng cấp 875 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 131 km; nạo nét 37 km kênh mương, trục tiêu chính; xây dựng gần 12 km kênh tưới kiên cố.
|
Những con đường rộng đẹp quanh các xóm ở xã Khánh Thành |
Cũng từ ngày đường mở rộng và ruộng được dồn điền, những máy móc, nông cụ hiện đại cũng theo đó ra đồng. Phong trào đưa cơ giới vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, thu hoạch giúp giảm sức lao động của nông dân, thậm chí còn giảm chi phí lao động khiến thu nhập tăng qua mỗi vụ thu hoạch. Hiện nay, huyện có gần 117 máy thu hoạch gặt đập liên hợp.
Đời sống người dân ở Yên Khánh ngày được nâng cao, cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư và nâng cấp, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tốt, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Cơ sở vật chất, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Hệ thống chính trị xã hội ngày càng được củng cố vững mạnh và an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Dù đạt nhiều kết quả sau 3 năm thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, song Bí thư Huyện ủy Phạm Quang Ngọc cũng nhận định, hiện Yên Khánh vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại một số địa phương còn chậm; việc thực hiện lồng ghép các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, cải tạo lưới điện còn thiếu tích cực, chưa phát động thành phong trào sâu rộng trong nhân dân.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, huyện Yên Khánh sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách kích cầu đã ban hành và bổ sung các chính sách mới tùy theo từng điều kiện, giai đoạn cụ thể khác nhau để có động lực tốt nhất trong quá trình thực hiện. Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, có các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.../.
Hiền Hòa
Nguồn: cp.org.vn