Khi nguồn lực trong dân được phát huy
- Thứ hai - 07/09/2015 20:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để xây dựng NTM, Huyện ủy Hải Hậu ban hành ba nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá là dồn điền đổi thửa. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền các xã tổ chức cho nhân dân trực tiếp thảo luận, góp ý vào quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện, nhất là việc huy động sự đóng góp của nhân dân; xây dựng quy trình, hướng dẫn để nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các đề án, các nguồn vốn đầu tư. Các đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy phụ trách vùng (liên xã), cấp ủy viên phụ trách xã, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện, các cơ quan, theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ các xã xây dựng, thực hiện các đề án và lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện điều chỉnh các giải pháp sát hợp. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện phân cấp để chủ động thực hiện các đề án. Sau khi phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, các xã tổ chức ký kết giao ước thi đua đăng ký xây dựng xã, xóm, gia đình NTM; ban hành cơ chế hỗ trợ, khen thưởng, khuyến khích.
Với phương châm “làm từ đồng về nhà, từ nhà ra ngõ, từ gia đình đến xóm, từ xóm lên xã”, từ năm 2011 đến 2014, các xóm, thôn tập trung công sức, đóng góp tiền của xây dựng đường giao thông, các công trình thủy lợi. Theo đồng chí Nguyễn Trường Giang, Bí thư Đảng ủy xã Hải Giang, là một xã nghèo của huyện nhưng bà con không tiếc công sức, tiền của, hăng hái đóng góp 42,69% (trong đó có sự đóng góp một phần của con em quê hương) trong tổng số vốn xã huy động là 30,447 tỷ đồng, cùng hơn 100 nghìn m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động xây dựng NTM. Tất cả 22 km đường giao thông xóm đều được đổ bê-tông rộng từ 2,5m trở lên. Gia đình ông Nguyễn Văn Lân, giáo dân xứ Kiên Chính, dù khó khăn vẫn tự nguyện hiến hơn 200 m2 đất thổ cư trị giá hơn 200 triệu đồng để mở thông con đường của xóm.
Với cách làm này, đầu năm 2011, huyện Hải Hậu đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, hình thành 405 vùng sản xuất tập trung (vùng có diện tích lớn nhất 108 ha). Đến hết năm 2014, huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM, về đích sớm một năm. Tổng số vốn xây dựng NTM toàn huyện đã huy động là 1.500,487 tỷ đồng; trong đó, vốn nhân dân đóng góp và cá nhân ủng hộ 39,1%. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến hơn 345 ha đất nông nghiệp, 25 ha đất thổ cư, đóng góp hơn 150.000 ngày công và tự dỡ bỏ hàng trăm công trình phụ, cổng, tường bao cùng nhiều cây lấy gỗ, cây ăn quả, hoa màu tạo mặt bằng thi công các công trình của từng đề án. Toàn huyện xây mới, cải tạo nâng cấp đạt chuẩn NTM 1.084 km (98,5%) đường giao thông xóm, liên xóm; 283 km (78,5%) hệ thống thoát nước khu dân cư; 328 km (85%) đường trục chính giao thông nội đồng; 538 (98,53%) nhà văn hóa xóm và khu vui chơi thể thao ngoài trời của xóm…
Các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, con nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác. Chuyển đổi 931,9 ha đất trồng lúa, làm muối năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản; mở rộng, duy trì hơn 3.000 ha diện tích cây màu vụ xuân, hơn 2.800 ha vụ mùa, vụ đông. Xây dựng 151 trang trại, 970 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Đầu tư bình quân sáu máy làm đất, ba máy gặt cho một HTX; 920 tàu khai thác hải sản, trong đó có 150 tàu khai thác xa bờ có công suất trên 90CV. Thực hiện mục tiêu “mỗi hộ nông dân có thêm một nghề, mỗi xã có ít nhất một làng nghề”, các xóm tích cực khôi phục, phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống như đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng; mở thêm nghề mới như may, thêu ren, bện bẹ chuối xuất khẩu, trồng cây cảnh,… (đã có 40 làng nghề cấp tỉnh, cấp huyện được công nhận), tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động, thu hút số lao động ở xa trở về địa phương làm việc. Năm 2014, giá trị sản xuất bình quân đạt 93,5 triệu đồng/ha, tăng 23 triệu đồng so với năm 2010. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, tăng 19,8 triệu đồng, hộ khá và giàu tăng nhanh, hộ nghèo còn 2,83%, giảm 8,34% so với năm 2010.
Kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM ở Hải Hậu là: Cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản lãnh đạo chỉ đạo, phải phù hợp thực tế, đúng với nguyện vọng của nhân dân; chú trọng quán triệt, phổ biến, tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ xây dựng NTM là trách nhiệm, quyền lợi trực tiếp của mình, là cơ hội để người dân xây dựng, cải tạo nhà cửa, ao vườn và đầu tư xây dựng xóm, xã giàu đẹp. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể phải tiên phong đi đầu trong xây dựng NTM để làm gương, cho nhân dân noi theo. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch việc thu chi tài chính thực hiện các đề án, tạo sự tin tưởng của người dân ngay từ khâu đầu, việc đầu. Việc huy động nguồn lực trong nhân dân linh hoạt, phù hợp với tình hình đặc điểm cụ thể của từng gia đình, từng xóm, tổ dân phố, đồng thời tranh thủ cao độ sự ủng hộ, đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo và con em làm ăn, công tác khắp mọi miền đất nước,...
Phan Ngọc Lý
Theo: nhandan.com.vn