Khi nông dân tính chuyện hội nhập
- Thứ năm - 21/01/2016 10:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dáng vẻ tất bật, không để chân tay “đứng im” lấy một lúc, ông Vũ Văn Cộng (huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng) tự nhận mình là người thuộc thế hệ “nông dân cũ”. Xét về thời gian gắn bó với nghề, sau nhiều bươn chải và gặt hái cả thành công lẫn thất bát, điều đó có lẽ đúng đối với người đàn ông ngoại ngũ tuần này. Tuy nhiên, dưới vẻ ngoài rất “cũ” của ông là một tư duy mới, nhạy bén với thương trường.
Thế hệ “nông dân cũ” như Cộng tự nhận, có nghĩa là chọn tham gia vào mô hình hợp tác xã (HTX). Nhưng dưới vai trò Chủ nhiệm HTX Đồng Phát (huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng), ông “thổi” luồng tư duy mới về quản trị tiên tiến, với nhiều trí tuệ trẻ, cũng đã gặt hái không ít thành công.
Muốn phát triển theo tư duy thị trường thì phải vận hành như một DN vận động theo cơ chế thị trường |
Là một HTX nông nghiệp, nhưng Đồng Phát hoạt động theo mô hình một DN thực thụ với đầy đủ ban giám đốc, HĐQT, và ban kiểm soát, với đa phần các lãnh đạo chủ chốt tốt nghiệp đại học, trong đó có Phó giám đốc Vũ Hoàng Minh Tâm và Giám đốc Trần Hà Duy đều là cử nhân.
“Phần lớn những cán bộ của các HTX khác đều là người lớn tuổi, nên thường bảo thủ, hay sợ rủi ro. Vì thế, chúng tôi chọn lớp trẻ cùng chúng tôi lãnh đạo HTX để có năng lực, để mạnh dạn phát triển”, ông Cộng chia sẻ.
Tư duy quản trị mới đó được thể hiện trong chiến lược kinh doanh của HTX Đồng Phát: “Thế mạnh dựa vào quy mô, mua bán sỉ tốt hơn mua bán lẻ”. Đồng thời, các cán bộ trẻ cũng giúp xây dựng phần mềm quản lý kinh doanh cho HTX. Đối đãi lại, Đồng Phát đã áp dụng chế độ đãi ngộ rất thị trường cho cán bộ của mình, theo quan điểm “làm được chừng nào được trả lương từng đó”.
Tư duy mới, cách quản trị tiên tiến và nhạy bén với thương trường đã đưa Đồng Phát phát triển và lớn mạnh không ngừng, trong khi không ít HTX khác chao đảo, tan rã trong cơn giông bão của kinh tế thị trường. Hiện tại, Đồng Phát có hơn 10,4 tỷ đồng, mỗi năm cung ứng gần 8 tỷ đồng vật tư đầu vào cho nông dân, với 318 hộ gia đình thành viên HTX.
Những thành công trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý của HTX như ở Đồng Phát không phải là hiếm tại Lâm Đồng. Các điển hình bứt phá về quản trị và tạo được dấu ấn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khác còn có HTX Anh Đào, HTX Tân Tiến (TP. Đà Lạt), HTX An Phú (huyện Đức Trọng)…
Các HTX này đều phát triển theo mô hình quản trị như DN và đóng vai trò như các DN trung gian, hỗ trợ xã viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng diện các HTX phát triển tốt như thế chưa phải là phổ cập trên phạm vi toàn quốc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ có khoảng 34% số HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động khá tốt, với doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm; còn lại chỉ ở mức trung bình hoặc sắp chờ giải thể. Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 90% trong số 10.500 HTX trên cả nước hoạt động không hiệu quả, cho dù đã có những hỗ trợ rất lớn từ sau khi Luật HTX 2012 ra đời.
Câu hỏi được đặt ra là, vì sao đến nay những mô hình tự chuyển mình thành công như HTX Đồng Phát vẫn còn thưa thớt trên phạm vi cả nước? Làm sao để những trường hợp thành công từ mô hình kinh tế hợp tác nông nghiệp như ở Lâm Đồng không còn là thiểu số?
Nhà nước ta đã có chủ trương rất đúng đắn về việc phải xây dựng lại kinh tế tập thể, HTX theo tư duy thị trường, thay đổi phương thức hoạt động của các HTX để nâng cao hiệu quả, nhưng mọi việc không phải là điều dễ dàng. Bởi muốn phát triển theo tư duy thị trường thì không thể cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà vẫn vận hành như một DN vận động theo cơ chế thị trường.
Những thành công điển hình cho thấy, “một cây làm chẳng nên non”. Muốn ngày càng có nhiều HTX kiểu mới, muốn phong trào HTX phát triển thì cần có ba yếu tố: người nông dân (đại diện là các HTX) phải nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết; DN (cung ứng và tiêu thụ) sẵn sàng tham gia “cuộc chơi” bình đẳng với nông dân; và Nhà nước góp sức với những hỗ trợ về mặt chính sách, đặc biệt là về vốn, đất đai và lao động.
Nói về trường hợp của mình, ông Cộng cho biết người dân chỉ nhiệt tình tham gia khi HTX tạo ra được các giá trị hữu ích cho họ. Vì vậy, Đồng Phát chủ động làm trung gian giữa DN tiêu thụ nông sản và xã viên để đảm bảo ổn định và chất lượng đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và sản phẩm đầu ra. Thêm vào đó, HTX còn hỗ trợ vốn nội bộ cho các xã viên thiếu vốn…
Khi kết hợp được “ba cây” đó lại với nhau, người nông dân sẽ tránh được những rủi ro của thị trường và ít nhất là sống được bằng nghề nông. Sự thành công của nhiều HTX kiểu mới cho thấy điều đó là hoàn toàn có thể. Nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với TPP, AEC và FTA Việt Nam - EU, cạnh tranh trong nông nghiệp với những đối thủ sừng sỏ đến từ các nước phát triển là một “nguy cơ” với người nông dân Việt Nam, và họ càng cần xích lại gần nhau hơn…
Khắc Giang - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
http://thoibaonganhang.vn/