Khi quy chế dân chủ được phát huy
- Thứ năm - 04/10/2012 03:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp của Nga Sơn, Thanh Hóa Bàn bạc dân chủ Tiếp thu chủ trương xây dựng NTM, huyện Nga Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) từ huyện đến các xã, thị trấn cùng với tổ chuyên viên giúp việc. Đồng thời triển khai hàng loạt công tác như: tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của các Bộ, ngành Trung ương, soạn thảo tài liệu hướng dẫn về NTM, tổ chức đoàn tham quan mô hình xây dựng NTM cho cán bộ cơ sở… Bên cạnh đó, BCĐ đã phối hợp với trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn về công tác quy hoạch và Đề án xây dựng NTM cho 153 học viên là các Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, MTTQ và cán bộ địa chính các xã, thị trấn. Xác định để thực hiện hiệu quả chương trình này, ngoài yếu tố công tác quy hoạch, huyện Nga Sơn rất chú trọng đến việc phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM, với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng đề án quy hoạch, huy động sức dân ở các địa phương cũng được thông qua hội nghị cán bộ mở rộng, hội nghị nhân dân để người dân cùng bàn bạc, thảo luận, góp ý, biểu quyết. "Việc xây dựng NTM là tạo ra những giá trị mới của nông thôn về kinh tế, văn hóa, tổ chức cộng đồng; do đó người dân phải thực sự là người được bàn bạc, quyết định một cách dân chủ, trực tiếp tổ chức thực hiện và hưởng thụ” - ông Mai Văn Hải, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Nga Sơn nhấn mạnh. Cũng theo ông Hải: Do làm tốt khâu tuyên truyền, vận động và phát huy tốt quy chế dân chủ nên chương trình xây dựng NTM của huyện đang được sự hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình trong các tầng lớp nhân dân, phong trào xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, giữ gìn vệ sinh môi trường đang lan toả mạnh mẽ khắp các địa phương. Cùng với đó, người dân sẵn sàng tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, góp công xây dựng các công trình hạ tầng. Tín hiệu lạc quan Chúng tôi về xã Nga Lĩnh - 1 trong 4 xã chỉ đạo điểm của huyện (gồm Nga Thành, Nga Phú, Nga Yên và Nga Lĩnh). Điều cảm nhận khi đặt chân đến miền quê này là cơ sở hạ tầng: đường, điện, trường, trạm, kênh mương nội đồng, công sở làm việc của xã...khá hoàn chỉnh. Là địa phương có xuất phát điểm khó khăn nhưng sau khi tiến hành thực hiện chương trình xây dựng NTM, Nga Lĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động được sức dân, đến nay xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, chương trình xây dựng NTM của huyện Nga Sơn cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là vấn đề kinh phí đầu tư lớn, trong khi vốn hỗ trợ của nhà nước triển khai chậm, việc lồng ghép các chương trình, dự án khác còn nhiều bất cập, điều kiện thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào xã lại hết sức hạn chế, vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân... Để giải bài toán khó này, Nga Sơn đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án khác nhau nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của một huyện vùng biển. Trong đó, huyện rất chú trọng đến công tác dồn điền, đổi thửa nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng tạo điều kiện ứng dụng cơ giới trong sản xuất; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp có thu nhập ổn định hơn... Đặc biệt, huyện đẩy mạnh thực hiện CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM, từ đó tạo ra phong trào thi đua giữa các địa phương, giữa các gia đình xây dựng NTM, lấy ngày Đại đoàn kết toàn dân (18-11) là thời điểm triển khai, sơ kết, đánh giá, biểu dương. " Nga Sơn quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng NTM”, ông Mai Văn Hải, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy khẳng định.
Lê Nam |
Theo daidoanket.vn