Khi tăng trưởng lại “nhờ” nông nghiệp

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2017 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 182 nghìn tỷ đồng, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước.

Hôm qua, 29/3, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý I/2017. Chỉ tiêu đáng chú ý nhất là tăng trưởng GDP 3 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,1%, thấp hơn con số 5,48% của quý I/2016 và càng “hụt hơi” so với mức 6,12% của năm 2015.

Bức tranh tăng trưởng chung, theo lưu ý của lãnh đạo Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) như sau: công nghiệp tăng thấp ở cả 4 lĩnh vực chủ lực; tiêu dùng cũng tăng khá thấp; xuất nhập khẩu tăng khá nhưng nhập siêu cao; riêng nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực. Câu hỏi thời sự nhất tại thời điểm tăng trưởng sụt giảm này một lần nữa lại là: Đâu là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai?

Ảnh minh họa

Ở các ngành sản xuất hàng hóa vật chất, nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận. “Quý I/2017, ngoài việc tiêu thụ một số mặt hàng gặp khó khăn, giá xuống thấp, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm ở một số địa phương... thì nói chung tình hình sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một báo cáo phát đi hồi đầu tuần này nhận định như vậy.

Về con số cụ thể, giá  trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2017 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 182 nghìn tỷ đồng, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là ấn tượng nếu so với mức giảm tương ứng 1,3% trong quý I/2016. Nhận định “mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn thì nông nghiệp lại là bệ đỡ”, giờ đây một lần nữa có thể nhìn thấy ở các chỉ tiêu kinh tế.

Bởi trong khi đó, công nghiệp lại có biểu hiện hụt hơi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng quý I/2017 chỉ đạt 4,17% và đóng góp 1,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, thấp hơn nhiều so với các con số tương ứng 6,72% và 2,33 điểm phần trăm của cùng kỳ năm trước.

“Công nghiệp sụt giảm tăng trưởng, trong đó đáng chú ý là công nghiệp chế biến chế tạo dựa vào khu vực FDI, dựa vào Samsung, nhưng trong quý I năm nay đây là lĩnh vực có biến động đáng kể”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận.

Một dẫn chứng quan trọng cho nhận định trên là sự sụt giảm lớn về kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện - lĩnh vực Samsung có vai trò chủ đạo. Theo một số nguồn tin, riêng trong quý I/2017, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Công ty Samsung đã giảm trên 800 triệu USD. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. “Rủi ro là tăng trưởng phụ thuộc vào một lĩnh vực, thậm chí một DN FDI”, ông Kiên nói thêm.

Tiêu thụ khó khăn dường như là nguyên nhân tác động đến sản xuất công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. “Nhập khẩu hàng tiêu dùng từ một số nước như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng, đi vào siêu thị thì các sản phẩm này cạnh tranh hơn hàng Việt Nam...”, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ thông tin thêm. Kết quả là cho dù sản xuất tăng trưởng chậm lại, nhưng tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang ở mức rất cao, bình quân 2 tháng đầu năm 2017 lên tới 74,3%.

Nhưng điều đáng nói là cho dù lĩnh vực chế biến, chế tạo của Việt Nam rất khó để cạnh tranh với các nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới, thì nguồn lực xã hội vẫn tiếp tục được đổ vào đây mà không phải ngành nông nghiệp. Trong quý I/2017, DN thành lập mới nói chung tăng khá mạnh cả về lượng và vốn đăng ký, trong khi riêng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số vốn đăng ký giảm 17,7% so với cùng kỳ. Theo dõi các lĩnh vực thu hút nhiều lao động cũng không thấy bóng dáng ngành nông nghiệp.

Điều đó cho thấy, dường như tăng trưởng nền kinh tế chưa theo đúng quỹ đạo bền vững, đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh và tiềm năng phát triển. “Nên cân nhắc chọn ưu tiên phát triển là công nghiệp chế tạo, hay công nghiệp chế biến với nền tảng là lợi thế nông sản của Việt Nam?”, ông Nguyễn Đức Kiên đặt vấn đề.