Khi tôm “đòi” sự công bằng...

Khi tôm “đòi” sự công bằng...
Thời tiết khắc nghiệt, tôm chết chưa có dấu hiệu dừng và chưa xác định được nguyên nhân, vốn cạn kiệt sau nhiều vụ thất bát... đã khiến người nuôi và doanh nghiệp kiệt sức. Hơn lúc nào hết, họ đang cần được đồng cảm và tiếp sức.

Đồng tôm “trắng”

2012, thêm một năm người nuôi điêu đứng vì tôm chết hàng loạt. Đến thời điểm này, ĐBSCL đã có gần 80.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại. Trong đó, nặng nhất là các tỉnh Sóc Trăng hơn 22.700 ha, chiếm 53% tổng diện tích thả nuôi, Bạc Liêu 16.000 ha, Trà Vinh hơn 12.000 ha...

Tại Cà Mau, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp bị thiệt hại lên trên 1.500 ha, chiếm hơn 60% diện tích thả nuôi. Bạc Liêu có 10.051 ha tôm chết, trong đó, diện tích tôm sú nuôi công nghiệp và bán công nghiệp ở các huyện Giá Rai, Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu thiệt hại 100%.

Ngoài ra, Trà Vinh đến nay đã có khoảng 12.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại, trên tổng số 29.000 ha tôm nuôi, đặc biệt là các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành. Tình hình này đã khiến cả người nuôi và doanh nghiệp không còn mặn mà với con tôm, thả nuôi cầm chừng hoặc chuyển sang đối tượng nuôi khác.

 

Chính sách chưa tương xứng

Hàng năm, con tôm mang về cho đất nước lượng ngoại tệ không nhỏ, là cứu cánh cho nhiều người nông dân nghèo tại các tỉnh ven biển. Năm 2011, với trên 2,1 tỷ USD, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu con tôm lập kỷ lục về giá trị xuất khẩu, qua đó đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch trên 6,1 tỷ USD chung của ngành thủy sản. Tuy có nhiều đóng góp lớn, nhưng đến nay, những chính sách khuyến khích với con tôm lại chưa tương xứng.

Hiện chính sách cho ngành tôm chưa tương xứng với giá trị đóng góp - Ảnh: Phan Thanh Cường

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho biết, hiện nay con tôm chưa được đối xử công bằng so với cá tra, mặc dù hàng năm con tôm mang về 2 tỷ USD cho đất nước. Bởi thực tế, trong khi ngành cá tra đã liên tục nhận được các gói cứu trợ, được giãn nợ 24 tháng, hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay và tiếp tục vay mới với lãi suất thấp cho hộ nuôi và doanh nghiệp để cứu nguy cho ngành này thì con tôm chưa được hưởng chính sách nào hoặc nếu có thì thấp.

Theo những điều khoản sửa đổi, bổ sung của Chính phủ trong Quyết định 142/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 về hỗ trợ giống vật nuôi cây trồng, thủy sản để khôi phục sản xuất cho vùng thiên tai, dịch bệnh thì vẫn quá thấp so với thực tế. Diện tích nuôi trồng theo hình thức quảng canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 6.000.000 - 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 2.000.000 - 6.000.000 đồng/ha; diện tích nuôi trồng theo hình thức thâm canh hoặc nuôi công nghiệp bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 12.000.000 - 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ từ 4.000.000 - 12.000.000 đồng/ha.

Tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dành thêm trên 20.000 tỷ đồng (lãi suất 0%) để đưa vào nông nghiệp và chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong tổng số tiền này khi triển khai, con tôm liệu có phần?

Bởi theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cần có đề xuất lên Chính phủ hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản một chính sách riêng, hiện chính sách hỗ trợ vẫn áp dụng chung với các lĩnh vực nông nghiệp khác là không hợp lý.

 

Tự cứu mình trước

Trước những khó khăn dồn dập của ngành tôm và sự “nản” của người nuôi, thì đã có nhiều đề xuất giải cứu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, Bộ đã và đang tích cực vào cuộc gỡ khó cho ngành này, đã có văn bản trình Chính phủ đề xuất cho doanh nghiệp, người nuôi tôm được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi như cá tra.

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ký ban hành Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 22/5/2012 về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nuôi tôm bị thiệt hại do các dịch bệnh nguy hiểm gây ra trên địa bàn tỉnh.

Mức hỗ trợ đối với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh là 5.000.000 đồng/ha mặt nước nuôi và 2.000.000 đồng/ha đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến.

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi này vẫn xa thực tế và cũng chỉ là biện pháp tình thế. Và trong khi đợi sự hỗ trợ đến tay thì về lâu dài, người nuôi tôm phải tự cứu mình trước. Cần phải hướng đến sự phát triển bền vững, chăm sóc ao nuôi đúng quy trình, nguồn thức ăn cho tôm đảm bảo, bảo vệ môi trường ao nuôi và xung quanh...

>> Theo ngành thủy sản các tỉnh ven biển ĐBSCL, đến nay đã có 78.796 ha mặt nước nuôi tôm sú bị chết, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ tính mức thất thu thấp nhất là 75.000.000 đồng/ha thì tổng mức thất thu là gần 6.000 tỷ đồng.

 
Thủy sản việt nam