Khó khăn trong thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM

Khó khăn trong thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM
Bị hạn hẹp về quỹ đất, nguồn vốn, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa( tiêu chí số 6) trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhu cầu thực tế của người dân không phải ở đâu cũng cần những cơ sở hạ tầng có quy mô lớn như theo quy định. Cần thiết phải đặt câu hỏi: có cần phải thêm một vài hạ tầng trăm triệu hay tiền tỉ không. Nếu cần, mà chỉ để đủ tiêu chí theo quy định, có thể sẽ lãng phí!...
Không phải cứ muốn hiến đất là được..
Quán nước của chị Lâm Thị Tha trong nhiều năm là điểm họp dân ở ấp Tân Thành A, xã Vĩnh Hiệp. 10m2 là đủ cho nhu cầu kinh doanh của gia đình chị Lâm Thị Tha, người bỏ tiền xây quán. Nhưng với sinh hoạt tập thể, địa chỉ này chỉ có sức chứa tối đa 20 người! Với nhiều cuộc họp quan trọng, người dân muốn dự nghe thì phải đứng ở ngoài đường.
                                         
                                        Buổi họp dân của ấp Tân Thành A tại quán nước của chị Tha

Từ những bất tiện đó, khi chính quyền xã vận động hiến đất xây dựng nhà văn hóa ấp, gia đình chị Lâm Thị Tha đã tình nguyện hiến phần ao của nhà. “Mình muốn hiến cái đất đó một phần để họp cho nó dễ, bà con họp nó ko có chật chội.”, chị Tha nói.
Cán bộ địa chính xã đã tiến hành khảo sát đo đạc. Tuy nhiên, phần đất này không thể sử dụng, do diện tích chỉ đạt hơn 400 m2, trong khi đó diện tích nhà văn hóa thôn, ấp theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ( VHTT&DL) phải là 500 m2.
Bên cạnh chị Tha, cũng đã có một vài hộ đồng ý hiến đất. Tuy nhiên, lãnh đạo ấp chưa chọn được khu đất có vị trí và diện tích thích hợp.
Theo ước tính của chính quyền xã Vĩnh Hiệp, để hoàn thành tiêu chí số 6, xã cần phải dành ra một diện tích khoảng 35.000 m2 để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xã, trong đó diện tích cho cơ sở vật chất văn hóa tại ấp là khoảng 23.000 m2.
Toàn bộ diện tích đất công hơn 540ha đều đã được sử dụng hết. Do đó, việc xây dựng cở sở vật chất văn hóa ở cơ sở đang phụ thuộc trước hết vào sự tình nguyện của người dân. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, còn đến 4 ấp chưa tìm được địa điểm xây nhà văn hóa. Còn địa điểm để xây dựng khu thể thao ấp thì càng chưa được tính tới.
Chính quyền xã đã tính tới phương án xây nhà văn hóa liên ấp, tuy nhiên như vậy sẽ không đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới là mỗi ấp một nhà văn hóa.
Chị Trần Thị Ngọc Thuyền, PCT UBND xã Vĩnh Hiệp cho biết: “Cái điều kiện của mình nếu như ấp được liền ấp thì mình xây dựng 1 cái nhà văn hóa để phục vụ cho 2 ấp cận bên thì nó đảm bảo hơn, để xây làm chi 2 cái thì nó phí đi. Đề xuất lên trên rồi nhưng chưa được phê duyệt.”
Việc thực hiện tiêu chí số 6 trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới của chính quyền xã Vĩnh Hiệp, đang rơi vào thế quẩn quanh mà chưa tìm ra được giải pháp tháo gỡ.
Vốn không biết lấy ở đâu...
Thuận lợi hơn xã Vĩnh Hiệp, xã Hòa Tú 2 đã xây dựng xong nhà văn hóa xã và nhà văn hóa ấp (thực chất là nhà sinh hoạt cộng đồng) coi như đạt chuẩn. Nhưng khu thể thao xã và ấp thì hoàn toàn chưa được thực hiện, do thiếu vốn.
Với ước tính của chính quyền xã, để cải tạo 11 nhà sinh hoạt cộng đồng ấp theo tiêu chí nông thôn mới và xây mới 12 khu thể thao thì cần nguồn vốn lên tới hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính quyền xã Hòa Tú 2 cho biết, đến nay, vốn từ ngân sách Nhà nước mà xã Vĩnh Hiệp nhận được cho lĩnh vực cơ sở vật chất văn hóa mới chỉ ở mức san lấp khu thể thao.
Theo Quyết định số 695/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 thì Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho việc xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao xã, ấp, còn lại là nguồn lực của địa phương.  
Tuy nhiên, với thu nhập bình quân của người dân trong xã chỉ đạt 17 triệu đồng/ năm, xã Hòa Tú 2 hiện đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn.
Toàn xã có hơn 2500 hộ dân, ước tính mức huy động trong 1 năm cũng chỉ đạt từ 600 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng. Con số này là rất nhỏ so với tổng mức kinh phí đầu tư các công trình công cộng trong 1 năm.“Người dân chỉ có tài sản là đất, cây thì bà con hiến thôi, chứ tiền thì hầu như công tác vận động tiền cũng rất khó, vận động 5-10 triệu ở nông thôn khó lắm”, Ông Lê Văn Khải – Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 2 nói.
Việc vận động bà con hiến đất cũng đã bắt đầu gặp khó khăn, do giá trị đất ngày càng tăng theo từng năm, và người dân buộc phải có những tính toán về lợi ích kinh tế cho gia đình …
Nguồn huy động vốn thứ 2 được chính quyền xã Hòa Tú 2 thực hiện là doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động, kinh doanh trên địa bàn xã, huyện. Tuy nhiên, trên thực tế, dù tiếp cận được các doanh nghiệp trên địa bàn xã thì mức đóng góp của các doanh nghiệp này cũng không lớn.
Cả 4 doanh nghiệp thu mua tôm sú trên địa bàn xã Hòa Tú 2 cũng chỉ có mức doanh thu trung bình từ 1-2 tỷ đồng. Mức đóng góp cao nhất của các doanh nghiệp này từ trước đến nay cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Còn việc vận động các doanh nghiệp ngoài địa bàn cho tới nay chưa có hiệu quả.
Ngân sách không thể đáp ứng nhiều hơn, trong khi nội lực huy động của xã thì hạn chế, nỗ lực hoàn thiện tiêu chí số 6 về nông thôn mới của xã Hòa Tú cũng đang ở thế quẩn quanh và rất có thể dừng bước giữa đường.
Khi chùa đóng vai trò như nhà văn hóa…
Chùa Prek Ping Trung hàng chục năm nay, là nơi hội họp của bà con ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú.
Trung bình mỗi năm ấp tổ chức 10 cuộc họp tại sala hội họp của các sư trong chùa, tuyên truyền các nội dung như: phòng chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường, vv… Với diện tích sala rộng 200m2, những cuộc họp toàn dân với số lượng người lên tới hàng trăm cũng đều được đáp ứng..
Ông Lý Quảng, Chi Hội trưởng Hội nông dân ấp Bét Tôn cho biết: “Đủ chứ. Điểm sa la cho bà con đến họp là rất đủ, cũng tạo điều kiện không khí thoải mái cho bà con trong các buổi hội họp.”
                                       
                                                  Hàng tuần, các trẻ em đến học đàn tại chùa Prek Ping

Chùa Prek Ping Trung được xây dựng cách đây hơn 100 năm, là biểu tượng văn hóa của người Khmer ấp Bét Tôn.  Ấp có gần 450 hộ dân, trong đó 84% là hộ Khmer. Đây là dân tộc gắn bó với Phật giáo Nam tông hệ phái Mahanikaya, nên dễ hiểu là từ bao đời nay, các hoạt động sinh hoạt văn hóa tôn giáo đều được ấp tổ chức tại chùa …
Việc xây dựng một nhà văn hóa tại ấp theo tiêu chuẩn nông thôn mới đang đứng trước nguy cơ bị lãng phí khi người dân đều có thói quen đến chùa sinh hoạt, họp hành …
Tỳ kheo Đa Ra chùa Prek Ping Trung chia sẻ: “Chùa chiền là truyền thống lâu đời trong dạy và học hay sinh hoạt cộng đồng nên có thể nói chùa chiền là nơi không thể tách riêng cho cộng đồng (cả chư tăng và phật tử).”
Xã Phú Mỹ là xã có tỷ lệ người Khmer chiếm tới 95% dân số, do đó cũng giống như ấp Bét Tôn, người dân trong xã đều có thói quen sinh hoạt văn hóa tại chùa.
Toàn xã hiện có 4 ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng, diện tích khoảng 50m2. Theo tiêu chí số 6 thì chưa đạt chuẩn của Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên, trên thực tế, khi sinh hoạt văn hóa được người dân tổ chức tại chùa thì những nhà cộng đồng chỉ phục vụ cho việc hội họp là chủ yếu.
Và với diện tích như hiện tại thì cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguyện vọng của người dân và chính quyền, là chỉ cần mở rộng ra khoảng 100 m2 - 200 m2, chứ không cần 500 m2 như quy định.
Sóc Trăng là địa phương có số người Khmer cư trú đông nhất tại Việt Nam: gần 400.000 người, chiếm gần 31% dân số toàn tỉnh và hơn 31%  tổng số người Khmer của cả nước. Do đó, việc xây nhà văn hóa như thế nào cho phù hợp tập quán và tránh lãng phí là điều cần tính đến tại địa phương này.
Cần thực hiện tiêu chí linh hoạt ở từng địa phương
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hiện tại, toàn tỉnh có 83 nhà văn hóa xã và 368 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, hầu hết đều chưa đạt chuẩn của Bộ VHTTDL do không đủ điều kiện về diện tích, các phòng chức năng, …
Mục tiêu của tỉnh đề ra là phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 22 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, tức đạt 26,5%. Tuy nhiên, cả 22 xã điểm này đều đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí số 6, mà quỹ đất và nguồn vốn vẫn là 2 khó khăn chính.
Cũng vì vậy, ông Nguyễn Tánh – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Mặc dù là với phân tầng trách nhiệm ,cố gắng quyết liệt nhưng mà theo tôi đến 2015 thì cơ bản về cơ sở vật chất văn hóa chắc là không đạt được.”
Từ những thực tế đã chỉ ra, điều có thể thấy là cần thực hiện bộ tiêu chí mềm dẻo, linh hoạt ở từng địa phương, phù hợp với đặc thù bản địa.
Bất cập trong việc xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao đã được nhắc đến từ lâu, và nhiều địa phương đã kiến nghị sửa đổi là không nên quy định cứng nhắc. Tuy nhiên, trong 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà ngành chức năng kiến nghị sửa đổi vừa qua vẫn không có tiêu chí số 6. Điều này thực sự đang gây ra khó khăn lớn cho nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, mà Sóc Trăng là một ví dụ.
Thực hiện: Thu Hoa
Ảnh: Lý Sơn
Nguồn:vtc16.vn