Khó khăn trong tích tụ ruộng đất: Doanh nghiệp ngại đầu tư

Khó khăn trong tích tụ ruộng đất, ô nhiễm môi trường làng nghề... là những hạn chế được các địa phương thẳng thắn bày tỏ trong Hội nghị giao ban quý I/2017 của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình số 02-Ctr/Tr/TU về “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” của Thành ủy Hà Nội.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. 

Những khó khăn cần tháo gỡ  

Đánh giá về kết quả thực hiện chương trình, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều khẳng định: chương trình nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân và xã hội, tạo bước đột phá lớn, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Trong quý I/2017, tuy gặp khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường nhưng vụ xuân đạt kết quả tốt. Nhiều mô hình ứng dụng NNCNC được triển khai, cho hiệu quả kinh tế cao. Ban chỉ đạo các huyện đã chỉ đạo duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Năm nay, 12 quận đăng ký hỗ trợ gần 150 tỷ đồng chung sức cùng các huyện XDNTM. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, thừa nhận: Huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đã cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng sau dồn đổi vẫn chưa có nhiều mô hình tiêu biểu.

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phương, Bí thư Huyện ủy huyện Sóc Sơn lại chỉ ra những bất cập trong phân cấp quản lý thủy lợi nội đồng. “Theo Quyết định 41 của thành phố thì lĩnh vực thủy lợi do Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý đầu tư, nhưng hoàn thiện hệ thống thủy lợi cũng là một tiêu chí NTM nên rất mong thành phố xem xét lại phân cấp này, vì hệ thống thủy lợi còn xuống tận chân ruộng, trong khi Sóc Sơn có nhiều loại địa hình, trũng, thoải, cao, việc điều tiết nước khó khăn”, ông Phương nói. 

Đại diện các sở ban ngành Hà Nội chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Ngoài ra, ông Phương cũng đề cập đến những bức xúc, hạn chế trong tích tụ ruộng đất để làm NNCNC. Ông Phương nói: “Khi một số doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư, cần 100 - 150ha đất để có đủ diện tích là rất khó. Cụ thể, một đơn vị của Bộ Công an đăng ký vùng chuyên canh 30 – 35ha để trồng dược liệu nhưng trong 3 tháng “cần mẫn” vẫn không tích tụ đủ 35ha, trong khi trên địa bàn các xã sát Bắc Giang, Bắc Ninh, ruộng đất bị bỏ hoang, rất lãng phí”. Ông Phương đề nghị, cần sớm ban hành cơ chế về tích tụ ruộng đất.

Từ thực tiễn địa phương, ông Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng nêu ra những hạn chế do ô nhiễm môi trường. Hiện, Đan Phượng đã chuyển đổi 3.000ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nguồn nước chủ yếu từ sông Nhuệ nhưng hiện nay con sông này bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. “Đề nghị thành phố quan tâm cải tạo hệ thống thủy lợi, lấy nguồn nước sạch phục vụ sản xuất, đưa nước từ sông Đáy, qua trạm bơm Vân Đình về khu Cháy”, ông Thắng kiến nghị.

Rác thải, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải làng nghề cũng là những vấn đề bức xúc hiện nay. Ngoài ra, việc thu ngân sách khó khăn cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các tiêu chí của các địa phương. 

Khuyến khích ứng dụng NNCNC

Phát biểu tại hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương  Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo chương trình, nhấn mạnh: Bản chất của NTM là nâng cao đời sống của người nông dân cả về vật chất và tinh thần nên các địa phương phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng chỉ ra những tồn tại khi triển khai Chương trình 02 là ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, Hà Nội chưa có mô hình NNCNC thực sự tiêu biểu. Trong quý II phải khắc phục hạn chế về hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, hoàn thành dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa ở các địa phương chưa hoàn thành.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo phối hợp với các địa phương thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất đi đôi với xây dựng thương hiệu nông sản Thủ đô; tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích mỗi huyện có một điểm ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp; giao cho các đơn vị nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.

Tiếp tục nâng cao tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn, chỉ đạo 51 xã đăng ký và có ít nhất 22 xã về đích, hai huyện đạt danh hiệu NTM. Triển khai quyết liệt tiêu chí không cần nhiều kinh phí, mở các lớp đào tạo cán bộ NTM; quy hoạch tích hợp với phát triển đô thị, nhất là các huyện ven đô như Gia Lâm, Thanh Oai, Đông Anh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, y tế, giảm nghèo, tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số kế hoạch hóa gia đình, năm kỷ cương hành chính, bộ quy tắc ứng xử, tăng cường đẩy nhanh tiến độ chương trình giảm nghèo, thi đua nâng cao chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Bà Hằng đề nghị các địa phương chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, vào cuộc tích cực toàn diện, tăng cường kiểm tra hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn để hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình.               

 

Theo: kinhtenongthon.com.vn