Khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới

Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) trung ương cho biết, sau hơn hai năm xây dựng NTM, đến nay trong tổng số 7.524 xã của cả nước, mới có 34 xã đạt chuẩn cả 19 tiêu chí (chiếm 0,4%); 276 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí (3,2%); số xã đạt từ 8 tiêu chí trở xuống còn hơn 6.500 xã (76,4%).
Ảnh minh họa từ Internet

Cá biệt, cả nước hiện còn 52  xã chưa đạt tiêu chí nào. Vì sao việc xây dựng NTM đạt kết quả chưa cao?

 Những con số chưa vui

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối, Ban Chỉ đạo trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến cuối năm 2012, bình quân các xã trong cả nước mới đạt 6,41 tiêu chí/xã. Ðáng chú ý là bên cạnh một số tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn hơn 50% như: các tiêu chí về quy hoạch chung, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống tổ chức chính trị xã hội... vẫn còn một số tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn rất thấp (dưới 10%), như các tiêu chí giao thông, trường học, chợ nông thôn, thu nhập, cơ cấu lao động.

 Sở dĩ số xã đạt chuẩn NTM chưa nhiều, một phần do hoạt động của các Ban Chỉ đạo xây dựng NTM ở nhiều tỉnh như: Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Phú Yên... còn hạn chế. Nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo cấp huyện chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm của phòng kinh tế, hoặc phòng hạ tầng cấp huyện. Cán bộ xã vừa thiếu, vừa yếu, nhất là các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó công tác tuyên truyền xây dựng NTM chưa được thường xuyên, liên tục. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, cán bộ và người dân ở nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh. Khi triển khai thì nặng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhẹ về nội dung văn hóa, xã hội, môi trường. Những cách làm hay, sáng tạo về xây dựng NTM ở các xã điểm, tỉnh trọng điểm chưa được quan tâm giới thiệu và quảng bá nhân rộng.

Chất lượng công tác quy hoạch - một nhiệm vụ quan trọng của NTM lại chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là quy hoạch nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn xã thiếu tính kết nối vùng, nội dung còn dàn trải. Do đó chưa hình thành được nhiều vùng hàng hóa tập trung. Tính đến cuối năm 2012 cả nước có 83,5% số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM. Tuy vậy, vẫn còn ba địa phương có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch thấp gồm Ðiện Biên, Bình Phước 3%, TP Hồ Chí Minh 11%; và còn 139 xã của vùng miền núi phía bắc và Ðông Nam Bộ chưa triển khai công tác quy hoạch. Nhiều địa phương quy hoạch hạ tầng xong nhưng chậm cắm mốc chỉ giới và phổ biến rộng rãi đến nhân dân nên đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, xây dựng cả vào phần đất đã quy hoạch. Về lập đề án NTM, đến nay cả nước có hơn 5.440 xã chiếm 60,4% đã phê duyệt xong, 865 xã đã hoàn thành thẩm định và đang chờ thủ tục phê duyệt. Ðáng chú ý, các xã thuộc bảy tỉnh Bắc Cạn, Ðiện Biên, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ phê duyệt đề án thấp dưới 20%, trong đó Bắc Cạn, Ðiện Biên, Ninh Thuận mới đạt dưới 5%. Nhiều đề án chưa bám sát quy hoạch của xã, nặng về tính toán đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải pháp thực hiện còn thiếu tính thực tiễn. Một số công trình hạ tầng sau khi đưa vào sử dụng thiếu quản lý, duy tu và bảo dưỡng cho nên xuống cấp nhanh. Trong khi việc tuyên truyền, vận động sự tham gia, đóng góp của người dân còn khó khăn. Việc quy hoạch phát triển sản xuất ở cấp xã chưa gắn kết với quy hoạch vùng dẫn đến cơ cấu sản xuất ở nhiều xã còn mang nặng tính tự phát, chưa tạo ra nhiều mô hình sản xuất có giá trị cao.

 Những khó khăn, vướng mắc

 Lý giải về sự chậm chạp trong xây dựng NTM, Chi cục trưởng Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) Trần Khắc Ðoan cho rằng, quá trình triển khai xây dựng NTM còn nhiều bất cập do: số tiêu chí xây dựng NTM nhiều; mục tiêu của tiêu chí lớn; thời gian để hoàn thành ngắn; một số tiêu chí khó thực hiện (như thu nhập, chợ nông thôn, cơ cấu lao động, hộ nghèo). Trong khi văn bản hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời và thông tin, tuyền truyền một cách đầy đủ, dẫn đến nhiều nơi cán bộ và nhân dân hiểu sai mục đích, ý nghĩa của chương trình.

Thí dụ như trong điểm a phần 3 mục IV của Quyết định số 800/QÐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình xây dựng NTM có ghi: "Hỗ trợ 100% vốn từ ngân sách Trung ương cho: Công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về NTM cho cán bộ xã, cán bộ HTX, cán bộ thôn, bản". Nếu căn cứ vào quyết định này thì cán bộ và nhân dân các địa phương sẽ chờ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng NTM. Thậm chí có ý nghĩ Trung ương, tỉnh, huyện làm hết cho, còn người dân thì hưởng thụ. Nhưng đến ngày 8-6-2012 Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định  số 695/QÐ-TTg về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó tại Ðiều 1, điểm a: "Ðối với tất cả các xã, hỗ trợ 100% từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ xã, cán bộ thôn, bản, cán bộ HTX". Chính vì vậy giai đoạn đầu, nhiều xã triển khai xây dựng NTM theo kiểu vừa làm, vừa nghe.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ địa phương khi thực hiện xây dựng NTM, do trình độ hạn chế nên chưa năng động trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn làm đồ án quy hoạch. Phần lớn lãnh đạo các xã còn ỷ lại, phó thác cho đơn vị tư vấn. Nhiều xã chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới. chưa huy động được nguồn vốn tín dụng, và phát huy nội lực của địa phương về tạo nguồn vốn xây dựng NTM. Một số xã, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, sâu sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chương trình NTM. Có xã chưa có cán bộ chuyên trách để tổng hợp, đề xuất về lĩnh vực xây dựng NTM...

Một số văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về thực hiện tiêu chí NTM chưa có sự thống nhất. Ðơn cử như Sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM năm 2010, phần tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong quy hoạch hạ tầng nông thôn mới của xã hướng dẫn một đằng, Quyết định số 315/QÐ-BGTVT ngày 23-2-2011 "...ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020" lại yêu cầu một nẻo, đến khi địa phương triển khai thực hiện thấy vướng, mới điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi thì cũng đã trôi qua gần hai năm, khiến việc thực hiện tiêu chí giao thông gặp nhiều khó khăn, chậm so với kế hoạch đề ra.

Từ thực tế chỉ đạo xây dựng NTM ở cấp xã, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương) Dương Hữu Nội khẳng định: Ðể hoàn thành các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia, Tân Hồng cũng như nhiều xã khác cần số vốn rất lớn, lên tới hơn 150 tỷ đồng. Trong đó ngân sách xã dự kiến khoảng 74 tỷ, ngân sách đề nghị Trung ương, tỉnh hỗ trợ 28 tỷ, số còn lại là vốn huy động từ sự đóng góp của nhân dân và các nguồn khác. Song, do đời sống người dân còn thấp, cho nên việc huy động đóng góp của nhân dân trong một thời gian ngắn với số tiền lớn là rất khó. Nguồn vốn của xã chủ yếu lấy từ nguồn đấu thầu đất. Nhưng từ ngày 1-7-2012, sau khi Nghị định số 42 của Chính phủ có hiệu lực thì việc huy động vốn của xã từ nguồn này coi như bế tắc. Từ khó khăn về nguồn vốn, nên nhiều công trình cần cải tạo hoặc xây dựng mới không triển khai được. Ðặc biệt là những vướng mắc theo Thông tư hướng dẫn số 54/TT-BNN-PTNT ngày 21-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về quy định của bộ tiêu chí NTM, mặc dù sau một thời gian ban hành đã có những sửa đổi, nhưng vẫn chưa sát thực tế địa phương nên khó thực hiện. Cụ thể như các tiêu chí điện, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... Ðặc biệt theo Tiêu chí 4 quy định: Hệ thống điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Nhưng hiện nay hầu hết các xã đã bàn giao toàn bộ lưới điện cho ngành điện quản lý, việc nâng cấp, cải tạo do ngành điện đảm nhiệm, cấp xã không tự làm được. Vì vậy, nếu không có sự kết hợp đồng bộ giữa xã với ngành điện thì rất khó đạt chuẩn tiêu chí này. Hay quy định về môi trường, trong đó, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, mộ phải đặt theo hàng, xây dựng đúng diện tích và chiều cao quy định. Trong khi thực tế hiện nay hầu hết các nghĩa trang ở các thôn đều đã quy hoạch sử dụng từ lâu đời, mộ cải táng đặt không theo hàng lối, xây không theo quy định nào cả. Nếu cứ để nghĩa trang cũ thì không đạt tiêu chí, quy hoạch mới thì quỹ đất khó khăn và lại vướng vào quy định tại Nghị định 42. Do đó các tiêu chí này cũng nên có hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

 Phát huy nội lực cho NTM

Ðể thực hiện thành công xây dựng NTM trong quá trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, dưới góc nhìn của nhà khoa học, PGS, TS Nguyễn Quốc Luật (Bộ NN và PTNT) khẳng định: Việc xây dựng NTM là vì lợi ích của dân và phải do dân thực hiện, Ðảng và Nhà nước đã nhấn mạnh nguyên tắc tận dụng nguồn nội lực sẵn có của cơ sở, phải huy động được sự tham gia tích cực, tự giác của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, phải tạo ra được sự đồng thuận đối với từng hộ, từng gia đình, phải tuyên truyền, giáo dục, động viên từng người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích thiết thực của việc xây dựng NTM và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn và quyền lợi trong việc xây dựng NTM cho chính quê hương mình. Muốn người dân đồng thuận, tự giác, tự nguyện thì cần thiết và tốt nhất vẫn là phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện để người dân được bàn bạc, thảo luận công khai về các dự án và phải minh bạch trong sử dụng các nguồn đầu tư xây dựng NTM. Ngay từ khi bắt tay vào quy hoạch NTM phải hướng dẫn, khuyến khích mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến, xác định rõ tiềm năng, lợi thế về cây trồng, vật nuôi của địa phương, cũng như ngành nghề công nghiệp chế biến, bảo quản, biện pháp kỹ thuật công nghệ cần và có thể áp dụng để phát triển sản xuất; sự cần thiết và lợi ích của việc liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp với nhà nông; cũng như hiệu quả của việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp mang lại. Trên cơ sở đó tổ chức, hướng dẫn, trao đổi thảo luận rộng rãi, công khai tại các nhóm dân cư, thôn xóm để có những bổ sung, điều chỉnh cần thiết và tạo nên sự nhất trí cao từ khi cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đến lập đề án xây dựng NTM, có như vậy khi triển khai thực hiện sẽ dễ dàng, thông suốt hơn.

Sau khi đã có sự nhất trí cao về quy hoạch, vấn đề đặt ra là nhân lực. Căn cứ vào yêu cầu về khoa học công nghệ mới cần áp dụng, nhân công cần thiết phải đáp ứng cho xây dựng các cơ sở kinh doanh, cần mở các lớp đào tạo ngắn hạn ngay trên đồng ruộng, ngay ở cơ sở, vừa học vừa làm, cầm tay chỉ việc trực tiếp để có thể thực hiện ngay được nhu cầu cần thiết trước mắt. Về lâu về dài cần có quy hoạch đào tạo trong ba năm, năm năm, mười năm và dài hơn, một số học sinh, con em địa phương vào các lớp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, dạy nghề, tạo nên một đội ngũ có tay nghề, có kiến thức cơ bản để đảm nhiệm công việc, đủ kiến thức về quản lý kinh tế,  văn hóa - xã hội, quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài chính và hành chính; có năng lực điều hành một cách có hiệu quả các mặt của đời sống nông thôn hiện đại.

Ðặc biệt trong bối cảnh hiện nay, xây dựng NTM không thể nóng vội, chạy theo phong trào, địa phương này có mô hình, thì nơi kia cũng phải có xã điểm. Cũng không chỉ là thực hiện các đề án NTM để phô trương, quảng cáo chứng tỏ đã xây được mô hình "hoành tráng", khang trang, đẹp đẽ mà cần phải xem xét kỹ lại xem có đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội, có đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân, tạo ra sự hòa hợp, đoàn kết trong thôn xóm, sự giàu đẹp cho quê hương hay không.

LAM NGỌC VÀ PHƯỚC DŨNG
Theo nhandan.org.vn