Khó thờ ơ với cách mạng 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi sâu rộng đời sống xã hội và đặc biệt là phương thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu “lạc nhịp” với cuộc cách mạng này.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tổ chức tại Việt Nam trung tuần tháng 9, một thông điệp được GS. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhấn mạnh nhiều lần, đó là: “Nếu quốc gia nào bỏ lỡ chuyến tàu CMCN 4.0, quốc gia đó sẽ bỏ lỡ sự phát triển thịnh vượng của mình”.

Cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất trên thế giới, giúp tăng cường kết nối các quốc gia trên tất cả các phương diện, từ thể chế nhà nước đến kinh tế - xã hội, môi trường. Nhiều quốc gia đã nhanh chóng có các chiến lược cụ thể để tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc CMCN 4.0, ví dụ nước Đức có Industrie 4.0, nước Mỹ với Liên minh Internet công nghiệp, Trung Quốc cũng có chiến lược Made in China 2025…

Nữ doanh nhân Đoàn Thu Nga (giữa) ngồi ở vị trí CEO tuần này
Nữ doanh nhân Đoàn Thu Nga (giữa) ngồi ở vị trí CEO tuần này

Theo GS. Klaus Schwab, để có thể làm chủ cuộc cách mạng này, không chỉ Chính phủ, mà cả doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy để chuẩn bị cho sự chuyển đổi.

Nhận định về thực tế tiếp cận CMCN 4.0 hiện nay tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn EDX, chuyên hoạt động lĩnh vực đào tạo khởi nghiệp, kinh doanh thương mại điện tử cho rằng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam còn rất mơ hồ về cuộc cách mạng này và không biết phải bắt đầu từ đâu, ứng dụng ra sao. Câu chuyện về doanh nghiệp dưới đây là điển hình cho đánh giá của ông Hùng.

Đây là một doanh nghiệp sản xuất và phân phối hàng gia dụng có tên tuổi trên thị trường. 18 năm qua, doanh nghiệp luôn phân phối sản phẩm qua kênh truyền thống là các đại lý trải dài trên toàn quốc. Vừa qua, do tuổi cao nên Chủ tịch HĐQT đã rời vị trí điều hành và mời về một giám đốc điều hành mới, vốn là CEO của một tập đoàn bán lẻ có phương thức bán hàng qua kênh truyền thống và online.

Sau khi tiếp quản và điều hành doanh nghiệp, CEO nhận thấy việc phân phối qua các đại lý theo cách truyền thống chưa thực sự hiệu quả vì doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, mất thời gian và yếu trong khâu kiểm soát. Do vậy, CEO đề xuất đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá vào hoạt động của doanh nghiệp. Hoạt động đầu tư này sẽ giúp doanh nghiệp quản lý hàng tồn kho và tối ưu hoá vận chuyển. Ngoài ra có thể cập nhật liên tục lượng tiêu thụ của các mặt hàng, từ đó sẽ nắm bắt được tâm lý khách hàng và xu hướng tiêu dùng.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị HĐQT phản đối. Các thành viên HĐQT cho rằng, doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ dây chuyền lắp ráp và hệ thống thông tin kế toán. Việc đầu tư cho số hoá như đề xuất của CEO sẽ dẫn đến tốn kém, không phù hợp với thị trường trong nước. Đồng thời, thay đổi công nghệ có thể khiến các đại lý gặp khó khăn và họ sẽ không sử dụng các phần mềm mà doanh nghiệp đưa ra, do cơ chế bảo mật của đại lý với các sản phẩm khác mà họ phân phối.

Bảo vệ quan điểm của mình, CEO lập luận rằng, việc ứng dụng công nghệ và số hoá mặc dù phải đầu tư nhiều trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài sẽ giải quyết tối đa bài toán về nhân sự và chi phí hoạt động. Việc thay đổi công nghệ cũng sẽ được tính toán và cập nhật liên tục thông qua thoả thuận và ký kết với đơn vị cung cấp.

HĐQT vẫn không bỏ phiếu thuận cho đề xuất của CEO vì cho rằng, việc số hoá dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm nhân sự. Đây là việc làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt các nhà quản lý, đối tác và khách hàng.

Vậy đâu mới là lời giải thoả đáng cho doanh nghiệp? Đây là một tình huống khó mà Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này đặt ra cho bà Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty luật Lawpro. Nữ doanh nhân Đoàn Thu Nga sẽ phải thuyết phục thế nào để có được sự đồng thuận của các cổ đông. Câu trả lời sẽ có trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này với chủ đề “Doanh nghiệp 4.0: Cách mạng số hóa”.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội Các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (VCCI).

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (30/9) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (1/10) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - Chìa khóa thành công của Youtube.
Thanh Huyền
https://baodautu.vn/