Khó thu hút đầu tư xã hội hóa vào các chợ nông thôn

Khó thu hút đầu tư xã hội hóa vào các chợ nông thôn
Ngày 2/3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã giám sát tình hình quản lý, hoạt động của các chợ dân sinh trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Tại huyện Hoài Đức có 15 chợ hạng 3 do cấp xã quản lý, hiện tại vẫn duy trì và phát triển phục vụ nhu cầu dân sinh trong vùng. Các chợ cũng đã được quy hoạch vị trí, địa điểm, quy mô vào quy hoạch xây dựng chung  của xã, thị trấn để quản lý và có kế hoạch đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Theo lãnh đạo huyện, trước đây trên địa bàn huyện có tồn tại một số chợ tạm, chợ cóc được hình thành từ các khu dân cư tập trung, đến nay, huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng giải tỏa triệt để, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự cảnh quan đô thị.
Qua giám sát cho thấy, các chợ trên địa bàn huyện phần lớn có quy mô nhỏ, hệ thống cơ sở vật chất còn ở mức thấp, là chợ dân sinh truyền thống ở nông thôn, lượng hàng buôn bán, giao dịch nhỏ lẻ, nên việc đấu thầu, thu hút nhà đầu tư vào xây dựng, nâng cấp quy mô hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách khá khó khăn. Hiện chưa thực hiện dự án nào. Huyện cũng chưa thực hiện được việc chuyển đổi được mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ hiệu quả. Năm 2011, UBND huyện có kế hoạch triển khai thực hiện thu hút đầu tư xây dựng chợ Vân Canh và thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ nhưng gặp khó khăn trong công tác kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản còn lại của chợ. Các hộ kinh doanh trong chợ không đồng tình ủng hộ, công tác chỉ đạo của địa phương xã chưa tích cực do vậy không thực hiện được.
Với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các chợ, cũng do chưa thu hút được các DN vào đầu tư hạ tầng, nên chủ yếu là ngân sách hỗ trợ và huy động từ các thương nhân kinh doanh trong chợ để cải tạo sửa chữa và xây dựng. Từ năm 2015 đến nay có 8 chợ được đầu tư cải tạo nâng cấp. Tổng số nguồn vốn đầu tư cải tạo nâng cấp và xây mới các chợ vào khoảng 13,1 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo một số chợ, dự kiến tổng kinh phí 148,46 tỷ đồng.
Ghi nhận những nỗ lực của Hoài Đức trong việc cải tạo hệ thống chợ dân sinh thời gian qua, song đoàn giám sát cũng đề nghị huyện rà soát tổng thể quy hoạch, không chỉ hướng tới mục tiêu huyện nông thôn mới, mà còn phù hợp với định hướng là một đô thị. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai, từ bài học thất bại trong chuyển đổi mô hình quản lý ở chợ Vân Canh, huyện cần thành lập ngay tổ công tác liên ngành xây dựng phương án sắp xếp mô hình quản lý các chợ phù hợp với lộ trình, tình hình thực tế. Đoàn giám sát cũng yêu cầu huyện rất thận trọng trong việc bỏ tiền ngân sách ra đầu tư chợ, bởi trong thực tế không thiếu các chợ xây mới khang trang lại không thu hút được tiểu thương buôn bán.
Qua khảo sát thực tế tại chợ Vân Canh (xã Vân Canh), chợ Đức Thượng (xã Đức Thượng), đoàn giám sát cũng đề nghị Ban quản lý các chợ cần có bảng công khai, niêm yết về giá dịch vụ, tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP và công tác phòng cháy chữa cháy. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, chỉ rõ và xử lý nghiêm những vi phạm. Đặc biệt phải xử lý dứt điểm tình trạng trong chợ còn nhiều ô hàng trống, nhưng các hàng quán lại họp ngay ngoài cổng chợ. Trong quý II/2017 phải hoàn thành việc ký cam kết đảm bảo ATTP cho các hộ kinh doanh…            
Theo Hà Bình/kinhtedothi.vn