Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Huyện Từ Liêm là một trong những địa phương được đánh giá là thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền và đề ra các quy chuẩn cụ thể, sức dân đã được khơi dậy đem lại những hiệu quả thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.
 

NHỮNG năm trước, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Từ Liêm gặp nhiều khó khăn, do không huy động được sự tham gia đóng góp của nhân dân. Việc xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách. Theo Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư thì khó khăn nhất của huyện là công tác quy hoạch và dồn điền đổi thửa. Do đất chật, người đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, cho nên phần lớn người dân muốn giữ đất, gây khó khăn cho chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ nêu trên. Các xã làm điểm trong xây dựng nông thôn mới như Tây Tựu, Ðông Ngạc, Xuân Ðỉnh đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn và công sức đóng góp của người dân; nhiều tệ nạn, hủ tục tồn tại do nhận thức của người dân còn thấp, chưa có sự nhiệt tình, đồng lòng trong quá trình xây dựng nông thôn mới...

Vậy mà đến cuối năm 2012, Từ Liêm đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại ba xã: Tây Tựu, Ðông Ngạc, Xuân Ðỉnh. Công tác xây dựng nông thôn mới ở các xã khác cũng đang tiến triển khá tốt. Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, huyện còn chỉ đạo các xã tập trung thực hiện những tiêu chí khó như: công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội; vệ sinh môi trường; trật tự giao thông đô thị; xây dựng trường học, cơ sở văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Ðạt được kết quả ấy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Ðình Tứ khẳng định: Huyện đã có những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đưa hoạt động này đi vào chiều sâu, gắn với đời sống thực tiễn cũng như nhiệm vụ chính trị của địa phương. Không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, người dân, huyện ủy còn đề ra những mục tiêu cụ thể ở từng địa bàn, đồng thời tạo ra không khí hưởng ứng, thi đua sôi nổi. Nhờ vậy đã tạo được sự quan tâm của người dân, từng bước đưa người nông dân vào cuộc, nhiệt tình tham gia xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, hầu hết mọi người đã nhận thức, tự giác tham gia xây dựng quê hương.

Xã Tây Tựu vốn là xã thuần nông, còn nhiều hủ tục lạc hậu, lại là địa bàn khá phức tạp về an ninh trật tự. Sau hai năm xây dựng nông thôn mới đã thay đổi đáng kể về diện mạo và có những bứt phá trong xây dựng nếp sống văn hóa. Qua công tác vận động, hơn 100 hộ dân đã tự nguyện đổi đất, hiến đất, di dời nhà cửa để mở rộng đường liên thôn, liên xã (từ 2,5 m thành 6 m). Người dân tự bỏ tiền mua hơn 300 bóng đèn chiếu sáng các trục đường làng, ngõ xóm; đồng thời quyên góp được 300 triệu đồng  ủng hộ phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, góp công sức tu sửa 3,5 km đường làng, ngõ xóm... Về xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, một tiêu chí rất khó, nhưng nhờ biết cách thực hiện, xã cũng đã thành công. Các chi bộ trong xã đều có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này và yêu cầu các đảng viên tiên phong thực hiện, tự giác tổ chức việc tang lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường; vừa làm vừa vận động nhân dân cùng thực hiện. Qua đó, 100% đám tang ở xã không còn tổ chức theo lối ăn uống linh đình, nhiều hủ tục được xóa bỏ, tệ nạn xã hội cũng giảm rõ rệt, không phát sinh người nghiện mới... Xã Ðông Ngạc nhờ tập trung tuyên truyền nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xã đã huy động được nhân dân, các cơ quan, đơn vị đóng góp hơn 14,5 tỷ đồng để cải tạo đường làng, hệ thống thoát nước và xây dựng các công trình văn hóa như nhà hội họp, sân thể thao...

Thực tế trên cho thấy, xây dựng nông thôn mới không chỉ đơn thuần là kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Nếu không biết lồng ghép chương trình này với việc học tập và làm theo Bác; các cán bộ, đảng viên không tự giác thực hiện, làm mẫu cho nhân dân theo thì khó có thể hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Từ Liêm còn chọn các lĩnh vực công tác khác làm điểm trong thực hiện Chỉ thị 03 là cải cách hành chính; kiềm chế, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; tăng cường giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ... Từ các lĩnh vực này, huyện chọn ra sáu đơn vị làm điểm; trong đó mỗi đơn vị đều được xác định rõ những đặc thù công tác để xây dựng chuẩn mực đạo đức và hành động. Ðảng bộ cơ quan hành chính huyện, Ðảng bộ cơ quan dân đảng huyện xây dựng các chuẩn mực theo chủ đề "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Viện Kiểm sát nhân dân huyện xây dựng chuẩn mực đạo đức gắn với năm tiêu chí "công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Các chi bộ nhà trường thực hiện tiêu chí "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, tự sáng tạo"... Trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức đã được xây dựng, Huyện ủy yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên đăng ký thực hiện và coi đây là nội dung để đánh giá thi đua, khen thưởng cuối năm. Kết quả cho thấy, các mặt nhiệm vụ công tác ở các cơ quan, đơn vị nói trên đều đã có những chuyển biến.

CÓ thể nói, với việc triển khai bài bản, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ với tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị, huyện Từ Liêm đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mong rằng trong thời gian tới, huyện tiếp tục có những mô hình mới, cách làm hay trong lĩnh vực này để các địa phương khác học tập, đồng thời từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng Từ Liêm thành huyện giàu mạnh ở cửa ngõ phía tây Thủ đô.

 

HẠNH NGUYÊN
Theo nhandan.org.vn