Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc đã triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Từ phong trào này, những ngôi nhà kiên cố, khang trang, những con đường liên thôn, liên xóm được đổ bê-tông xuất hiện ngày càng nhiều.

Xây dựng kênh mương nội đồng ở xã Ðồng Cương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc).

Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều thuận lợi khi triển khai chương trình xây dựng NTM như cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông dân nông thôn, trong đó có hệ thống kênh mương đã được đầu tư và gần hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa. Ðồng thời, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ miễn giảm thủy lợi phí, là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện miễn, giảm thuỷ lợi cho nông dân đến mặt ruộng. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn cơ bản được hoàn thành mục tiêu nâng cấp theo hướng cứng hóa, nhằm phục vụ nhân dân sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Nghị quyết 03, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM, nhất là hỗ trợ cho vùng đồng bào các DTTS. Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện, đến các xã, nhất là xã có đông đồng bào DTTS sinh sống đã vận dụng vào thực tiễn nhiệm vụ của địa phương. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Ðảo Ngô Hữu Mai cho biết: "Theo tinh thần Nghị quyết 03 của BCH Ðảng bộ tỉnh, thị trấn Tam Ðảo đã có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nông dân học các lớp nâng cao kiến thức kết hợp với đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho đồng bào DTTS gắn với phát triển kinh tế...".

Tam Ðảo là huyện có 45% số dân là đồng bào DTTS, đời sống kinh tế của người dân chưa cao nhưng từ khi có chủ trương xây dựng NTM, nhân dân trong huyện đã tích cực tham gia hiến đất, ủng hộ tiền, vật liệu và ngày công để xây dựng hệ thống giao thông, rãnh thoát nước, nhất là giao thông nội đồng... Thành công trong xây dựng NTM ở các xã trong huyện có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các đoàn thể. Theo đó, các xã đã giao nhiệm vụ cho Hội Cựu chiến binh chăm lo việc chỉnh trang nhà ở; Chi hội phụ nữ duy trì công tác vệ sinh hằng tuần; Hội Nông dân có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập cho người dân… Việc gắn trách nhiệm đó đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi nơi đây, thu nhập đầu người ước tính đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch UBND huyện Tam Ðảo Lưu Ðức Long cho biết: "Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Tiến độ xây dựng NTM được đẩy nhanh nhờ huyện đã hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách cho từng tiêu chí và công khai, minh bạch đến từng xã, từng người dân…".

Trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết 03, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chương trình xây dựng NTM của Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được kết quả quan trọng. Ðến hết năm 2016, các huyện: Yên Lạc, Bình Xuyên và Tam Ðảo có 69 trong số 112 xã đạt chuẩn NTM. So với cả nước, Vĩnh Phúc đứng thứ sáu về tỷ lệ số huyện và đứng thứ ba về số xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến trong năm 2017, Vĩnh Phúc có thêm 20 xã đạt tất cả 19 tiêu chí.

Phong trào thi đua xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", thật sự tạo ra khí thế thi đua mạnh mẽ, rộng khắp. Trong quá trình xây dựng NTM, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ xóa gần 5.350 nhà tạm cho hộ nghèo, gần 15 nghìn nhà ở được xây mới, cải tạo nâng cấp… Ðến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là cuộc sống vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo: Nguyễn Trọng/nhandan.com.vn