Khơi dậy tinh thần chung sức ở An Sinh

Khơi dậy tinh thần chung sức ở An Sinh
An Sinh là xã miền núi nghèo của huyện Đông Triều, nằm xa trung tâm, địa hình đồi núi phức tạp lại giáp ranh với nhiều xã thuộc các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang. Với những khó khăn ấy tưởng chừng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện Đông Triều, xã An Sinh sẽ khó có thể “ngồi cùng mâm” với các xã khác vốn có điều kiện tốt hơn.

Thế nhưng đến thời điểm này, xã An Sinh đã có được những kết quả rất đáng mừng, đạt 14/19 tiêu chí; 30/39 chỉ tiêu nông thôn mới, tương đương với nhóm xã được đặt kỳ vọng về đích nông thôn mới sớm của huyện. Đặc biệt chỉ sau 2 năm, mức thu nhập bình quân trên đầu người của xã đã tăng gần 150%, từ trên 8 triệu đồng lên trên 20 triệu đồng/người/ năm. Đáng mừng hơn là hầu hết các tiêu chí mà xã chưa đạt được đều đang được khắc phục, bổ sung một cách khẩn trương, hiệu quả. Bởi vậy chắc chắn An Sinh sẽ về đích nông thôn mới chậm nhất là vào năm 2014, nhanh hơn 1 năm so với yêu cầu của huyện.

Người dân thôn Suối Găng, xã An Sinh tháo hàng rào, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn Suối Găng, xã An Sinh tháo hàng rào, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Để có được kết quả trên, An Sinh đã mạnh dạn phân cấp quản lý cho các thôn. Đồng chí Phạm Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã An Sinh khẳng định: “Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới tới nay, tất cả các công trình, phần việc, kế hoạch phân bổ vốn… đều được xã An Sinh công khai, có sự thống nhất của các thôn. Công trình, phần việc thuộc địa phận thôn nào xã sẽ xem xét giao cho thôn đó đảm nhiệm. Lãnh đạo xã chỉ thực hiện tư vấn, hướng dẫn còn các công việc cụ thể khác từ quản lý, thi công, giám sát, đánh giá hiệu quả công trình… đều do đội ngũ cán bộ thôn, các đoàn thể và các hộ dân trong thôn thực hiện. Chính điều này đã tạo cho các thôn tâm lý thoả mái, tự hào, từ đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm và sự chung tay chung sức của toàn dân”. Có thể thấy trong thời gian qua, tại xã An Sinh, từ cá nhân cho đến các đoàn thể, từ mỗi hộ gia đình, dòng họ cho đến các cộng đồng dân cư đều sôi nổi khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới. Người dân ngoài đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động, còn hiến đất, tháo dỡ công trình để làm nhà văn hoá, làm đường; tự bỏ kinh phí để đổ bê tông từ ngõ nhà mình nối với đường thôn; đường thôn làm đến đâu dân hỗ trợ điện nước đến đó; tự bỏ vốn tham gia các mô hình phát triển kinh tế… Anh Nguyễn Văn Bình, thôn Đìa Sen tâm sự: “Các công trình, mô hình xây dựng nông thôn mới cuối cùng cũng do chúng tôi quản lý, thực hiện và nhằm mục đích phục vụ cuộc sống sinh hoạt sản xuất của mình. Bởi vậy mà chúng tôi sẵn sàng đóng góp để làm cho nó đẹp hơn, to hơn, vững chắc hơn”. 

Đến thời điểm này, mức huy động xã hội hoá trong dân để đầu tư xây dựng nông thôn mới của An Sinh chiếm đến trên 50% tổng giá trị đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn. Nhờ đó các công trình được triển khai đạt tiến độ nhanh hơn, chất lượng tốt hơn và quy mô to hơn so với yêu cầu. Theo thống kê của xã, chỉ tính các công trình đường giao thông nông thôn, các thôn đều thực hiện đạt gấp 2 hoặc gấp 3 lần so với yêu cầu. Ví dụ như thôn Đìa Sen, nếu như với kinh phí được cấp chỉ đủ làm 300m đường thì đã thực hiện được đến 630m; thôn Trại Lốc kinh phí được cấp làm 200m đường nhưng thực hiện 600m; 3 thôn Nghĩa Hưng, Trại Lốc, Bãi Dài 2 được cấp kinh phí đủ làm 250m đường đã thực hiện được 660m. Có thể thấy việc phân cấp quản lý đến cấp thôn ở xã An Sinh đã tạo nên sức mạnh toàn dân một cách mạnh mẽ và bền vững. Đây là cơ sở giúp xã nghèo này vươn lên hoàn thành nhiều chỉ tiêu, tiêu chí quan trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Việt Hoa
Nguồn: baoquangninh.com.vn