Khơi dòng vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cùng với các cơ chế khuyến khích, ưu tiên của Nhà nước, chính sách đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được hệ thống ngân hàng đặc biệt quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, dòng vốn vẫn chưa thông suốt khi thực tế ở Lâm Đồng cho thấy người dân và doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực này còn gặp không ít rào cản, vướng mắc.
Trang trại trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Langbiang Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng).

Hướng mở nông nghiệp công nghệ cao

Trong khi nhiều nước đã ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp và gặt hái được nhiều thành công thì ở Việt Nam, với hơn 70% dân số gắn bó với nông nghiệp, và tỷ trọng nông nghiệp đóng góp vào GDP là khoảng 20%, nền nông nghiệp vẫn phát triển khá manh mún, lạc hậu. Một trong những nguyên nhân khiến nền nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có chính là việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực này còn chậm, dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Các DN còn khá e dè, chưa dám mạo hiểm đầu tư bởi đây là ngành có nhiều rủi ro (phụ thuộc nhiều vào tự nhiên), suất vốn đầu tư lớn trong khi thu hồi chậm,... Chính vì vậy, việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được coi như một giải pháp đột phá nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành và phát triển kinh tế nông thôn.

Nhiều năm qua, Lâm Đồng được mệnh danh như "thủ phủ" rau, hoa của cả nước. Được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh xác định một hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp là tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương trong những năm qua đã bước đầu được thực hiện thành công. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 39 nghìn ha đất trồng các loại cây nằm trong diện sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhiều diện tích nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại thu nhập khá cao so với bình quân chung của cả nước, với doanh thu bình quân hằng năm từ một đến hai tỷ đồng, trong đó có những diện tích mang lại thu nhập từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm.

Doanh nghiệp của ông Trần Huy Đường có trụ sở chính tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là một trong những đơn vị có thu nhập cao từ những diện tích ứng dụng công nghệ cao như vậy. Ngay từ khi thành lập, Công ty TNHH Langbiang Farm của ông Đường đã xác định đầu tư theo hướng công nghệ cao. Từ quy mô nhỏ ban đầu, dần dần các trang trại của DN được đầu tư mở rộng và đến nay, tổng quy mô đầu tư của ba trang trại khoảng 100 tỷ đồng với tổng diện tích gần 27 ha. Hiện các sản phẩm hoa cao cấp, dâu tây của DN đã được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ngoài Langbiang Farm, hiện ở Lâm Đồng cũng có rất nhiều DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cho biết, toàn tỉnh có khoảng 110 doanh nghiệp FDI, trong đó 2/3 là các DN sản xuất nông nghiệp. Nhằm kêu gọi các DN đến đầu tư ở địa phương, Lâm Đồng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ các DN như tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, giải quyết vấn đề đất đai,... đồng thời xem xét áp dụng tất cả các chính sách ưu đãi của Nhà nước với mức cao nhất cho các DN đầu tư vào nông nghiệp.

Khơi thông nguồn vốn

Việc xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là một hướng đi đúng. Nhưng để thực hiện được điều này, một yếu tố không thể thiếu đó là nguồn vốn, trong đó vốn từ hệ thống ngân hàng là một trong những vấn đề then chốt. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ vốn từ các chính sách ưu tiên của Nhà nước.

Theo ông Trần Huy Đường, điều kiện đầu tiên để DN sản xuất nông nghiệp áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao là cần phải có đủ hạ tầng cơ sở. Muốn vậy, DN cần một nguồn vốn đầu tư khá lớn. Lấy thí dụ ngay từ việc xây dựng các trang trại của mình, ông Đường cho biết: Trang trại của Langbiang Farm với mỗi một ha đất trồng dâu tây sạch phải đầu tư tới 8 tỷ đồng, còn với mỗi ha trồng hoa cao cấp là hơn 2 tỷ đồng. "Như vậy để có được quy mô gần 27 ha, DN đã phải đầu tư mất gần trăm tỷ đồng. Dù số vốn đầu tư khá cao nhưng chúng tôi vẫn phải đầu tư đồng bộ, từ đường sá, điện nước, nhà kính, bảo quản kho,... để sản phẩm đạt được yêu cầu chất lượng cao", ông Đường chia sẻ.

Với suất đầu tư lớn như vậy, DN phải dựa vào nội lực của mình là chính, bên cạnh đó là sự chung tay góp sức của ngân hàng thương mại. Hiện DN Langbiang Farm đang vay vốn trung hạn hơn 10 tỷ đồng tại Agribank Lâm Đồng với lãi suất khá ưu đãi là 8,5%/năm. "Sở dĩ tôi được vay một nguồn vốn lớn như vậy là bởi Agribank Lâm Đồng đã chấp thuận cho phép chúng tôi được sử dụng nhà kính làm tài sản thế chấp để vay vốn. Đây là điểm mới của ngân hàng này và hầu như chưa có ngân hàng nào thực hiện như vậy", ông Đường nói thêm.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cũng cho rằng vốn là một vấn đề rất quan trọng khi đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Để có một ha nhà kính với các thiết bị công nghệ khác làm đúng tiêu chuẩn châu Ấu thì cần từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn theo công nghệ Việt Nam thì từ 3 đến 5 tỷ đồng. "Như vậy nhu cầu vốn là rất lớn và để đáp ứng được phải có sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại. Tỉnh đã làm việc với các ngân hàng và các đơn vị này đều rất hào hứng tham gia chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Theo đánh giá bước đầu của chúng tôi thì đây là chương trình tốt, các DN cơ bản làm ăn không bị lỗ, bảo đảm được nguồn tiền vay không bị mất và góp phần giúp phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhân dân", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh, giải quyết tốt vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp chính là hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, từng bước nâng cao đời sống nông dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Agribank đã ban hành văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện tiếp cận cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo chủ DN Langbiang Farm thì do DN đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp rất cần nguồn vốn lớn nên nếu chỉ vay vốn ưu đãi ngân hàng không thôi thì chưa đủ, mà DN còn cần sự hỗ trợ lớn hơn từ phía Nhà nước. Cụ thể, để khuyến khích DN tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thì riêng với vấn đề xây dựng nhà kính không thể giống như nhà ở thông thường được, mà cần phải coi là mã hàng hóa được ưu đãi. "Song, thực tế không hẳn như vậy. Do các nhà kính ở Việt Nam sản xuất không đạt tiêu chuẩn như mong muốn nên tôi và nhiều DN khác phải nhập khẩu nhà kính từ châu Ấu và phải chịu thuế suất nhập khẩu 16%, cộng thêm 10% thuế VAT nữa,... Như vậy chi phí bị đội lên rất nhiều. Đây là những rào cản rất lớn đối với DN muốn đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh", ông Trần Huy Đường băn khoăn. Vì vậy, DN này cũng đưa ra kiến nghị cần có một quy định về nhà kính nhập khẩu với nhà kính trong nước rõ ràng hơn, có ba - rem biểu mẫu.

Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Lâm Đồng Nguyễn Văn Chiểu, mặc dù xác định cho vay nông nghiệp công nghệ cao đang mở ra một tiềm năng rất lớn nhưng đây cũng là một khó khăn không nhỏ đối với ngân hàng. Bởi lẽ, nó hướng đến đối tượng giống cây trồng, vật nuôi mới lạ mà nếu các cán bộ tín dụng không có sự tìm hiểu kỹ càng sẽ rất khó có cơ sở để thẩm định. Bên cạnh đó, do đầu tư cho lĩnh vực này đòi hỏi suất đầu tư rất lớn nên ngân hàng thường vướng ở tài sản thế chấp vì nếu tính giá trị của đất, nhà, cây trồng,... thì những giá trị này chưa đủ bảo đảm cho số tiền người dân, DN dự kiến vay. Trong khi đó, chính nhà kính, nhà lưới, nhà ni-lông dù có giá trị đầu tư rất lớn nhưng lại chưa đủ hồ sơ chính thức để được tính vào giá trị tài sản thế chấp. "Vướng mắc hiện nay là loại tài sản này không có chứng thư sở hữu hay hồ sơ nào xác định quyền sở hữu của chủ hộ đối với tài sản đó. Hiện Agribank đang phải vận dụng linh hoạt tính cả giá trị của công trình trên đất đó vào trong giá trị chung. Nhưng để yên tâm hơn cho ngân hàng thì những nhà kính, nhà lưới, nhà ni-lông cần phải có một cơ quan có thẩm quyền cấp chứng thư sở hữu", ông Chiểu nêu kiến nghị.

Xác định đối tượng nông nghiệp nông thôn và nông dân là trọng tâm nên nhiều năm qua, Agribank Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực này. Tính đến ngày 31-3-2015, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh chiếm tỷ trọng hơn 90% trong tổng dư nợ cho vay, cao hơn nhiều so bình quân chung của toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt gần 1.200 tỷ đồng với hơn 6.100 khách hàng còn dư nợ.

 

BÀI VÀ ẢNH: HỒNG ANH
theo nhandan