Khởi nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Thứ sáu - 30/09/2016 10:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa. |
Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tại Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát động phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020 ngày 30/9.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đóng góp của dân, doanh nghiệp (DN) cho xây dựng NTM ở Lâm Đồng trong 5 năm qua là rất nhiều, chiếm tới 85% tổng nguồn lực để thực hiện Chương trình (bao gồm nguồn lực từ vốn tín dụng).
Ông Phạm S nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn là nơi khởi nghiệp rất tốt. Trong 9 tháng đầu năm 2016, cả tỉnh đã phát triển 625 DN, trong đó 25% là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ở địa bàn nông thôn.
Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, có những bạn trẻ đang làm việc, có thu nhập cao ở TPHCM nhưng đã quay về Lâm Đồng để trở thành ông chủ, chỉ với 2-3 ha đất canh tác nông, lâm nghiệp đã có thể tự trả lương cho mình từ 50 triệu đồng/tháng và cho nhiều lao động khác.
Từ thực tiễn đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Chính phủ cần có chính sách hiệu quả hơn, thu hút nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp, địa bàn nông thôn để lực lượng này đóng góp hiệu quả hơn nữa cho Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho rằng thông tin từ Lâm Đồng là một tin vui trong bối cảnh số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít, chỉ chiếm 1% tổng số DN của cả nước, với gần 3% tổng số vốn của các DN.
“Với 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiềm năng lợi thế của đất đai, khí hậu của nước ta là môi trường tốt để hoạt động khởi nghiệp nảy nở, phát triển, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang cổ vũ phong trào khởi nghiệp, phát triển DN và quan tâm đầu tư tới khu vực nông thôn, vì sự phát triển bền vững”, ông Tuấn chia sẻ.
Những lợi thế về đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam còn được các chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản, Israel - những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại - đánh giá cao trong các hội thảo về khởi nghiệp tổ chức tại Việt Nam gần đây.
Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cũng cho biết: “Ở một đất nước mà 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan, các bạn không thể cầm cự nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp.
Theo bà Shahar, thế giới đang tiến đến giai đoạn cần phải sản xuất nhiều hơn trong điều kiện tài nguyên ít hơn do sự gia tăng dân số toàn cầu, điều đó đòi hỏi sự chính xác cao trong nông nghiệp, hay nói cách khác chính là cần công nghệ và sự đổi mới trong công nghệ.
Mới đây, tại hội thảo quốc tế về khởi nghiệp tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cũng khẳng định nước ta có nhiều tiềm năng về khởi nghiệp, trong đó không loại trừ lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình khởi nghiệp trong nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật đã ra đời và phát triển mạnh mẽ như ở tỉnh Lâm Đồng.
Để phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S bày tỏ kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương hỗ trợ địa phương này cơ chế, chính sách làm đô thị xanh thân thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu, sau đó nhân rộng phạm vi cả nước.
Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng NTM. Tới cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân đạt khoảng 15 tiêu chí/xã. Huyện Đơn Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chung NTM được phê duyệt, 59 xã đã hoàn thành công tác cắm mốc chỉ giới quy hoạch và quy chế quản lý quy hoạch.
Theo Thành Chung/baochinhphu.vn