“Khơi nguồn cho nông sản Việt”
- Chủ nhật - 14/10/2018 04:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vẫn chủ yếu là xuất thô
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2017, xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 36,37 tỷ USD và trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt 25,7 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2018 hướng tới con số 40 tỉ USD. Hiện đã có tới 10 sản phẩm nông sản Việt Nam đạt từ 1 tỷ USD trở lên như: Lúa gạo, cà phê, tôm, cá tra, cao su, sắn, hạt điều, rau quả… Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì những tháng cuối năm này xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thuỷ sản sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn,và để đảm bảo mục tiêu kim ngạch 40 tỷ USD, đòi hỏi các ngành hàng phải rất nỗ lực rất nhiều.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Trong thời gian qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng. Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP….
Mặc dù, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như vừa nêu, nhưng ông Thào Xuân Sùng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. Nhận định này dễ chứng minh qua việc tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng còn thấp khiến đối tác nước ngoài trả lại hàng…Thêm vào đó, tình trạng nổi lên những năm gần đây là việc được mùa mất giá, các cấp, ngành và xã hội liên tục kêu gọi "giải cứu" các loại nông sản như dưa hấu, hành tây, rau xanh, thịt lợn…
Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận như “Tổng quan chợ nông sản Việt”; “Cùng nông dân đi chợ”; “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới” nhằm tìm giải pháp phát triển tiềm năng, lợi thế và đưa nông sản Việt vươn xa.
Xây dựng thương hiệu 99% từ nỗ lực của bản thân doanh nghiệp
Một vấn đề được các đại biểu quan tâm đó là xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, khi hiện nay, phần lớn nông sản Việt chủ yếu là xuất thô.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, một nông dân trẻ sinh năm 1981, thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, Tỉnh Vĩnh Phúc băn khoăn: Chúng ta cứ hô hào về việc nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản, nhưng tôi muốn hỏi làm thế nào để xây dựng một thương hiệu tốt, đáp ứng các yêu cầu của các đối tác, thị trường thế giới đặc biệt là tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Trung Đông? Cơ quan quản lý hỗ trợ gì cho chúng tôi?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Diễn đàn |
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Chúng ta đều biết các thương hiện nổi tiếng như Google, Apple không do bất kỳ Chính phủ nước nào bỏ tiền ra làm cả. 99% tới từ nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu đều phải dựa trên chất lượng sản phẩm, hàng hóa của chính doanh nghiệp cung cấp cho thị trường.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) - chia sẻ thêm: Mặc dù thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đa số các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới tên các thương hiệu nước ngoài.
Hiểu rõ điều này, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có chương trình hỗ trợ thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu ra nước ngoài. Cụ thể, chương trình Thương hiệu quốc gia tập hợp một loạt thương hiệu, nhà xuất khẩu uy tín để giới thiệu, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tới nay đã có 88 thương hiệu uy tín tham gia. Chương trình thương hiệu thực phẩm Việt Nam nhằm quảng bá thương hiệu thực phẩm chất lượng Việt Nam ra thị trường thế giới...
Ông Vũ Bá Phú cho biết, Chương trình Thương hiệu quốc gia đang hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm |
Nhắc lại lời của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh: Đề xây dựng thương hiệu thì tới 99% là do nỗ lực của doanh nghiệp. Về phía Chính phủ, sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp về vấn đề nâng cao nhận thức, vai trò của doanh nghiệp. Thứ hai, là xây dựng quản trị, phát triển thương hiệu. Thông qua các chương trình này, Bộ Công Thương và các Bộ liên quan sẽ quảng bá các thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, báo chí nước ngoài nhằm xây dựng nhận thức của thị trường nước ngoài về thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh khẳng định: Vấn đề thương hiệu là hết sức quan trọng. Bởi, hiện có rất nhiều nông sản của chúng ta đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được. Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng, đó là: Chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đáp ứng được 2 yêu cầu này, việc xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Có như thế chúng ta mới mong xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt.
Gắn chợ trong nước với chợ toàn cầu
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả đạt được của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua. Kim ngạch XK nông, lâm thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2018 gần 30 tỷ USD. Mục tiêu đạt được 40 tỷ là khả quan. Tổng nông sản đóng góp cho mặt hàng bán lẻ đạt 10%...
Rất nhiều thương hiệu nông sản Việt, cùng hàng loạt chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, đã được thiết lập như hệ thống cửa hàng tiện ích của Vinmart, chuỗi các siêu thị Big C, Saigon Co.opmart…
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn khá phổ biến tình trạng nơi thừa và nơi thiếu. Trong đó, thiếu ở những nơi không có liên kết với thị trường. Hoạt động kết nối cung cầu hiện đang là khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này lý giải, tại sao năng suất của nhiều loại nông sản của chúng ta cao nhất thế giới nhưng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu xuất dưới dạng thô, hàm lượng chế biến trong sản phẩm còn thấp, dẫn đến giá trị thu về không cao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia |
Câu hỏi tại sao 64% người dân sống nông thôn, 38% lao động cả nước là nông dân nhưng chỉ đóng góp vào GDP 15% vẫn là câu chuyện của sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Vẫn còn tình trạng người nông dân đổ xô đi trồng các loại cây, nuôi các loại con không theo quy hoạch, dẫn đến việc tồn đọng sản phẩm; chất lượng nông sản, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm chưa thực sự được coi trọng. Hàng triệu nông dân là người bán hàng nên bị thương lái ép giá.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải quyết bất cân xứng đầu vào và đầu ra, cần vai trò của kinh tế hợp tác. Việc phát triển thị trường ở đây không còn là thị trường trong nước, cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam mà còn cho 7 tỷ dân thế giới. Như vậy, vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất, khai thác lợi thế của địa phương, đi đôi với phát triển thị trường trong nước và thế giới. Gắn chợ trong nước với chợ toàn cầu.
Về mặt thương mại, vấn đề mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu nông sản nước ta hiện nay đang có nhiều thay đổi và tác động từ các chính sách bên ngoài như việc ký kết hàng loạt các hiệp định tự do thương mại FTA. Thực tế đó, đòi hỏi chúng ta phải có các chính sách phù hợp, từ khâu sản xuất- kinh doanh-phân phối đến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc mở ra chợ toàn cầu giúp cho nông sản Việt có cơ hội thị trường rất lớn. Tuy nhiên, việc này cũng sẽ tạo sức ép trở lại đối với thị trường trong nước, trong đó, nông nghiệp mà đặc biệt là chăn nuôi chịu sức ép lớn lớn. Nếu không có những giải pháp đồng bộ thì nguy cơ chúng ta sẽ thua ngay “sân nhà”.
Để phát triển khơi thông nông sản Việt tại thị trường trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cốt lõi vấn phải tái cơ cấu ngành nông nhiệp theo 2 đột phá: ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tổ chức lại sản xuất. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của kinh tế hợp tác.
https://congthuong.vn