Khơi thông chính sách hỗ trợ

Khơi thông chính sách hỗ trợ
Để tiếp sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), HĐND, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó ưu tiên đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Tuy nhiên, thực tế chính sách đi vào cuộc sống vẫn còn những hạn chế nhất định.
Ứng dụng mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Ứng dụng mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Thiện
Chậm đi vào cuộc sống
Trong thời gian qua, nhiều chính sách lớn nhằm hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đã được ban hành, đáng chú ý là Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND TP về chính sách phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014 – 2020; Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP Hà Nội; Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn TP Hà Nội... Có thể nói, những chính sách này được coi như một động lực quan trọng nhằm giải quyết nhiều khó khăn cho phát triển sản xuất, xây dựng NTM trên địa bàn TP. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng chính sách vào thực tiễn còn khá chậm và gặp nhiều vướng mắc.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc chia sẻ, sau khi có Nghị quyết 25 của HĐND TP, huyện đã chủ động phối hợp với các trung tâm, đơn vị của ngành nông nghiệp để triển khai. Tuy nhiên, năm 2015, hầu như các địa phương chưa triển khai được chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết, nhất là với sản xuất lúa hàng hóa do kinh phí hỗ trợ cấp về địa phương quá muộn, không phù hợp với thời vụ gieo trồng. Còn theo bà Hoàng Thị Tuyết – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, mức hỗ trợ giống cây trồng một lần 50% chi phí mua lần đầu hiện nay không khuyến khích được nông dân tham gia. Bà Tuyết dẫn chứng, để đạt được mức độ 100% nông dân che phủ nilon chống rét cho mạ như hiện nay, địa phương đã mất tới cả chục năm. Do đó, nếu chỉ hỗ trợ giống một vụ thì rất khó khuyến khích nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung.
Đại diện một số huyện, thị xã khác cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Nghị quyết 25. Chẳng hạn, trong Nghị quyết có chính sách hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tuy nhiên các địa phương chưa được hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, hồ sơ.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Tính đến nay, toàn TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 76.551ha, đạt 100,9% kế hoạch. Một số huyện thực hiện dồn điền đổi thửa vượt kế hoạch UBND TP giao như Ba Vì, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thạch Thất… Đây là điều kiện quan trọng giúp các địa phương triển khai các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu NTM. Hiện nay, tiêu chí thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất cũng là một trong những tiêu chí mà nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong hành trình về đích NTM. Bởi vậy, việc tháo gỡ những vướng mắc để chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 25 đặt ra kỳ vọng xây dựng quy mô vùng sản xuất quá lớn. Huyện Thạch Thất chỉ được thụ hưởng một chương trình là hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật cho vùng sản xuất rau an toàn với tổng số tiền 81 triệu đồng trong năm 2015, quá ít so với thực tế. Do đó, ông Lượng đề xuất cần có sự xem xét, điều chỉnh quy mô để nhiều địa phương tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Hơn nữa, cho tới cuối tháng 5/2015, UBND TP mới ban hành Kế hoạch 116 về một số chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung do cấp huyện thực hiện năm 2015 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 25 với tổng số vốn 64 tỷ đồng. Kế hoạch này được đánh giá là khá chậm so với thời vụ sản xuất. Chính vì vậy, các địa phương đề nghị việc ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện những năm tới cần sớm hơn để đảm bảo thời vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Ngoạn - Trưởng phòng Tài chính Kế toán (Sở NN&PTNT), hiện nay, việc triển khai Nghị quyết 25 trong lĩnh vực chăn nuôi tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực trồng trọt có vướng mắc do tác động của tính mùa vụ. Hơn nữa, cơ chế hỗ trợ chi phí giống 50% đối với trồng trọt là khó thực hiện bởi tâm lý người nông dân lâu nay vẫn quen với việc được “bao cấp” 100% giống và 30% vật tư. Bên cạnh đó, chất lượng giống cây trồng được hỗ trợ cũng chưa thực sự hấp dẫn người dân. Theo ông Ngoạn, thời gian tới, các đơn vị của Sở NN&PTNT cũng như các huyện, thị xã cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn nữa để chính sách đi vào cuộc sống.
Thiên Tú
Nguồn: ktdt.vn