Khơi thông dòng chảy nông sản

Phát triển thị trường nông sản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ...

Mở rộng "sân chơi"

Theo Bộ Công Thương, mặc dù quá trình đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại đối với từng mặt hàng gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (thường từ 5-7 năm/mặt hàng), tuy nhiên, tính đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường, tạo thêm "sân chơi" cho các mặt hàng nông, thủy sản.

khoi thong dong chay nong san
Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản

Đến nay, Việt Nam đang thực thi 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, tạo ra một khu vực sân chơi rộng lớn cho nông sản Việt Nam. Nông sản Việt đã có mặt tại gần 200 nước và vùng lãnh thổ.

Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết...

Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, trong giai đoạn 2013 - 2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) bình quân nhóm nông sản đạt 22,1 tỷ USD/năm, thì đến năm 2017, đã đạt 25,86 tỷ USD. Số liệu thống kê cũng cho thấy, các DN Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội do FTA đem lại.

Xét giai đoạn 2010 - 2017, sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia- New Zealand (AANZFTA), Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), ASEAN-Ấn Độ (AIFTA) cùng có hiệu lực năm 2010, XK sang Australia tăng trưởng bình quân 12,9%/năm đối với hạt điều, thủy sản đạt 6,9%/năm; XK sang Nhật Bản đã tăng trưởng 12,8%/năm đối với hồ tiêu, cà phê tăng 8%/năm; XK sang Ấn Độ tăng 14,3%/năm đối với mặt hàng hồ tiêu, thủy sản tăng 12,3%/năm.

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) có hiệu lực tháng 10/2016, XK điều sang Liên bang Nga năm 2017 tăng 59,6%/năm, rau, quả tăng 19,9%/năm...

Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã phê duyệt 656 đề án với tổng kinh phí là 143,15 tỷ đồng; 60 đề án hội chợ vùng với kinh phí 76,24 tỷ đồng và gần 600 đề án Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo với kinh phí 76,93 tỷ đồng.

Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, phát triển thị trường nông sản vẫn chưa tương xứng với với tiềm năng, lợi thế sản phẩm nông nghiệp của từng vùng, miền trên cả nước. Hoạt động bao tiêu, cung ứng sản phẩm trong tiêu thụ nông sản vẫn còn mang tính tự phát, mối liên kết giữa các thành viên trong kênh phân phối còn lỏng lẻo; giải quyết đầu ra cho sản phẩm tại nông thôn trong chuỗi hệ thống phân phối, tiêu thụ còn nhiều bất cập…

Để phát triển thị trường nông sản trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai hiệu quả 3 nhóm vấn đề chính trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và XK nông sản: Đảm bảo nguồn hàng chất lượng; phát triển thị trường; tổ chức XK.

Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đàm phán, mở cửa thị trường thông qua các FTA đang triển khai như: Việt Nam - Cu Ba, Việt Nam - Israel, Việt Nam - EFTA, RCEP để tạo thuận lợi về thuế quan, quy tắc xuất xứ... cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh XK và nâng cao hiệu quả XK hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Hoàn thiện khung pháp lý kiến tạo, đồng bộ thông qua triển khai hiệu quả Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quảng bá nông sản Việt Nam ở thị trường nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm...

Số lượng thị trường 1 tỷ USD đã tăng từ 19 thị trường năm 2011 lên hơn 30 thị trường năm 2017 với các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hàng rau, quả, chè, cao su, hạt tiêu, sắn, hạt điều…

Thanh Hà/https://congthuong.vn