Khơi thông nguồn vốn cho tam nông

Khơi thông nguồn vốn cho tam nông
Nhờ có nguồn vốn vay ngân hàng, đến nay, người nông dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiệp. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng: Việc tiếp cận tín dụng vẫn còn khó khăn, gây cản trở đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực này.
Tín dụng nông nghiệp tăng 9,6%
 
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/9, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 925.000 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái. “Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực trên giai đoạn 2010 - 2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. 
 
Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 18%, tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6 - 8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường”, ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp, Vụ Tín dụng của ngành kinh tế (NHNN) nói.
Theo ông Tần, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 đã phản ánh nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên này. Sau 2 năm triển khai, Chương trình thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã đạt được những kết quả tích cực. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giải ngân cho vay 22/28 doanh nghiệp để thực hiện 22/31 dự án sản xuất nông nghiệp theo chương trình với số tiền đạt 7.333,73 tỷ đồng.
 

Doanh nghiệp đóng gói hải sản mang đi tiêu thụ tại cảng Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn). Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Qua đó, các doanh nghiệp đầu mối tham gia liên kết, ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định về nguồn nguyên liệu, thị trường và lợi nhuận; được xem xét vay vốn không cần tài sản bảo đảm với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường. Các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được đầu tư khoa học công nghệ để hình thành những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP giúp giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh.
 
Không chỉ là giảm lãi suất
 
“Gia đình tôi làm kinh tế theo mô hình hợp tác xã. Mặc dù các ngân hàng tạo điều kiện vay nhưng để có nguồn vốn dài hạn đầu tư là rất khó. Nông dân phải có tài sản thế chấp mới được vay, trong khi đó, đất đai ở nông thôn giá trị không cao. Nhà xưởng, máy móc có thế có trị giá vài tỷ đồng nhưng chính sách lại không cho thế chấp dẫn đến việc nông dân không thể vay được thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Phạm Đức Thắng - nông dân đến từ huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) than thở.
 
 Đồng tình quan điểm này, bà Trịnh Thị Mý (Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), kinh doanh về lĩnh vực chăn nuôi nói: “Tháng 9 vừa qua, chúng tôi đầu tư hơn 20 tỷ đồng trên diện tích 7 ha nhưng cũng chỉ vay được ngân hàng 2,5 tỷ đồng”. Gia đình bà Mý cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Vì vậy, để vay thế chấp, bà Mý đã phải sử dụng 6 sổ đỏ, diện tích 4.200 m2 và có cả nhà kiên cố trên đất mới có thể được vay vốn.
 
Chính sách hỗ trợ vốn cho nông nghiệp đã có nhưng lại không dễ đi được vào cuộc sống, ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương (Hưng Yên) chia sẻ. Theo ông Thành, doanh nghiệp Thái Dương có 2 nhà máy thức ăn gia súc, có 8.000 con lợn nái, 7 trại giống, liên kết 20 trạm ở các tỉnh để sản xuất và cung cấp giống. Tổng tài sản trị giá 600 tỷ đồng nhưng chỉ vay được ngân hàng 100 tỷ đồng. “Ở các nước cho vay chăn nuôi 30 năm, còn Việt Nam chỉ vay 3 năm và nhiều nhất là 7 năm thì không thể nào doanh nghiệp có đủ tiền trả cho ngân hàng”, lãnh đạo Thái Dương trăn trở. 
 
“Cách tiếp cận cho tín dụng đối với nông nghiệp vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin - cho. Trong khi nông dân và doanh nghiệp cần nhất là tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu vốn và chu kỳ sản xuất kinh doanh; nhiều quy định về đảm bảo an toàn vốn hoặc nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng trở nên thiếu hoặc bất cập so với yêu cầu của thị trường tài chính hiện đại; thủ tục tiếp cận tín dụng còn khó khăn, ví dụ thủ tục xin giấy chứng nhận sở hữu tài sản cho nhà lưới, nhà kính hoặc các vườn cây lâu năm rất gian nan và chưa được quy định rõ ràng trong văn bản pháp quy”, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho biết.
 
Theo TS Cấn Văn Lực, cần phải thay đổi tư duy cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để hướng đến thị trường hơn. “Lâu nay, chúng ta nghĩ rằng cho vay nông nghiệp là cơ chế trợ cấp, xin cho. Chúng ta phải đi đến tính chất thị trường hơn. Đồng thời, cũng cần hướng dẫn cho người nông dân về kỹ năng sử dụng vốn vay để họ chủ động tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thay vì hiện nay chúng ta chỉ tập trung vào việc giảm lãi suất”, ông Lực nói.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho hay, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương. Đồng thời, tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách có ưu đãi một cách phù hợp, ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. NHNN cũng sẽ tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu giảm nghèo quốc gia...
Nguồn: baotintuc.vn