Không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản

Không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), nhất là công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã vượt quá "túi tiền" và khả năng đối ứng của một số địa phương ngoại thành Hà Nội. Xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng là trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở, từ đó tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp và áp lực cho ngân sách nhà nước.
Xã Mai Đình được thành phố chọn làm xã điểm xây dựng NTM của huyện Sóc Sơn. Sau một thời gian quyết liệt triển khai, Mai Đình đã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2013. Để trở thành xã NTM, trong giai đoạn 2010-2014, xã triển khai thực hiện 50 dự án XDCB. 

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Sóc Sơn cho biết, ngay sau khi dự án triển khai, thành phố và huyện cân đối bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ theo quy định cho địa phương. Xã Mai Đình cũng tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM nhưng nguồn thu gặp khó khăn dẫn đến nợ đọng kéo dài, khoảng 27 tỷ đồng. Theo ông Mẫn, ngoài nguồn lực huy động tại chỗ, để tạo vốn xây dựng NTM, thành phố đã có cơ chế cho xã Mai Đình đấu giá một số khu đất xen kẹt tạo nguồn thu. Thế nhưng, thủ tục hành chính thời kỳ trước rườm rà, qua nhiều công đoạn, quá trình thẩm định của sở, ngành chức năng chậm làm mất cơ hội đấu giá ở thời điểm đất đang có giá nên đã xảy ra tình trạng nợ đọng XDCB. 
 
Nhờ làm tốt công tác quản lý xây dựng cơ bản, diện mạo nông thôn mới xã Song Phượng (Đan Phượng) đã khởi sắc. Ảnh: Thái Hiền
Nhờ làm tốt công tác quản lý xây dựng cơ bản, diện mạo nông thôn mới xã Song Phượng (Đan Phượng) đã khởi sắc. Ảnh: Thái Hiền

Tại huyện Mê Linh, sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo các xã thay đổi rõ rệt, hạ tầng kinh tế, xã hội có bước phát triển, nhất là hệ thống giao thông nông thôn và công trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, tính đến ngày 31-12-2014, số nợ XDCB của huyện Mê Linh lên đến 81,8 tỷ đồng, chủ yếu thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp xã để xây dựng NTM… 

Theo ông Đỗ Đăng Toản, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mê Linh, nợ XDCB có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do nguồn thu trên địa bàn những năm qua chưa bảo đảm cho nhiệm vụ chi, do đó chưa có vốn đối ứng cho các dự án. Cảnh ngộ này cũng xảy ra tại Thụy Hương (Chương Mỹ), xã điểm xây dựng NTM của cả nước. Để đạt các tiêu chí về xây dựng NTM, Thụy Hương đã đồng loạt triển khai hàng trăm dự án lớn nhỏ nhưng nguồn vốn huy động không đạt được mục tiêu đề ra khiến nợ đọng XDCB kéo dài. 

Còn tại huyện Phúc Thọ, nguyên nhân dẫn đến nợ XDCB do số thu ngân sách nhà nước địa phương hằng năm thấp, chủ yếu từ nguồn bổ sung ngân sách thành phố, trong khi đó nhu cầu đầu tư xây dựng trường học, giao thông, công trình phúc lợi công cộng gắn với xây dựng NTM khá nhiều. Mặt khác, việc bố trí kế hoạch vốn cho các công trình vừa thiếu vừa dàn trải, có công trình đã hoàn thành còn thiếu vốn nhưng năm sau không được bố trí thanh toán cho khối lượng thực hiện…

Để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng và xử lý nợ đọng XDCB, ngoài rà soát nợ đọng, các địa phương đã chỉ đạo dừng, giãn, hoãn tiến độ, cắt giảm quy mô các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết, không khởi công xây dựng công trình mới, kiên quyết không để phát sinh thêm nợ đọng. Đồng thời, nhiều huyện đã đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn tập trung trả nợ XDCB và bố trí cho xây dựng NTM. Tại huyện Quốc Oai, để giải quyết nợ đọng XDCB, ngoài nguồn phân cấp 70 tỷ đồng dùng vào việc trả nợ, huyện tập trung chỉ đạo đấu giá quyền sử dụng đất. Theo kế hoạch, trong quý II, Quốc Oai thu khoảng 50 tỷ đồng đấu giá đất tại thị trấn Quốc Oai và các xã Sài Sơn, Thạch Thán, Tân Phú... Mới đây, huyện được thành phố chấp thuận cho phép triển khai đấu giá khu đất phía nam thị trấn Quốc Oai dự kiến thu 300-400 tỷ đồng trong năm 2015...

Từ thực tế cho thấy, nợ đọng XDCB ảnh hưởng lớn đến chương trình xây dựng NTM, vì vậy, đi đôi với tập trung trả nợ cũ, không để phát sinh nợ mới, cần phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB thời gian qua. Các địa phương cần đánh giá cơ chế huy động vốn cho XDCB, xác định nhu cầu vốn về tổng mức đầu tư, cơ cấu và chi tiết cho nhiệm vụ chi các năm tiếp theo. Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, các địa phương cần lựa chọn các dự án cấp thiết để ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến nợ đọng trong XDCB. Các sở, ngành liên quan cần rà soát, từ đó đề nghị thành phố xem xét cân đối phân bổ, hỗ trợ cho các huyện thực hiện công tác xây dựng thủy lợi, giao thông nội đồng, đường làng, ngõ xóm, gắn với xây dựng NTM.
Nguồn: hanoimoi.com.vn