Không để thương lái Trung Quốc "thao túng" nông sản Việt

- Chuyện thương lái Trung Quốc mua hàng với giá cao, sau đó lại đột ngột ngừng mua, trả giá bọt bèo khiến cho nông phẩm của bà con nông dân rơi vào tình trạng khốn đốn, điêu đứng đã không còn là chuyện lạ. Vì vậy, giải quyết tình trạng này một cách triệt để đang là vấn đề đặt ra đối với chính quyền Việt Nam.
Thị trường bị thao túng
Ngày 12/7, tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc ban hành các dự luật vừa được Quốc hội thông qua, báo chí đã đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về tình trạng thương lái Trung Quốc thu nhiều loại nông sản của Việt Nam.
“Những người thu mua các mặt hàng trên đều là công dân các nước khác, đặc biệt là những nước có cùng đường biên giới với nước ta. Họ sang Việt Nam dưới hình thức du lịch, nhưng khi vào họ có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dùng người Việt Nam để thu mua những mặt hàng đó”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thực tế, trong những năm gần đây, người Trung Quốc sang nước ta mua khá nhiều mặt hàng. Từ 10 năm trước, thứ mà thương lái Trung Quốc thường mua là móng trâu, móng bò, vài năm gần đây là đỉa, lá điều khô, lá vải khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, mấy tháng qua họ chuyển sang mua nhiều nhất là lá khoai mì, lá khoai lang với số lượng lớn và được thu mua với giá rất cao, sau khi nông dân ồ ạt trồng, ồ ạt bán thì thương lái lại không mua nữa.

Năm 2012, thương lái Trung Quốc từng ồ ạt thu mua lá điều khô ở Việt Nam
Cho đến thời điểm này, các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc thu mua chưa chứng minh được lợi ích về mặt ý nghĩa kinh tế, chúng ta không hiểu họ mua những sản phẩm đó để làm gì. Tuy nhiên với kiểu làm ăn mánh khóe, chiêu trò như thế đã gây ra những tác hại không hề nhỏ đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta.
Đặc biệt, hiện tượng thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Bên cạnh việc góp phần tiêu thụ, giải quyết đầu ra đối với một số hàng hóa là sản phẩm nông nghiệp, nhất là những nông sản có sản lượng lớn và thời vụ thu hoạch ngắn, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động… thì hoạt động này còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho thị trường, làm ảnh hưởng thậm chí là phá vỡ các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, gây bất ổn thị trường, đẩy giá các loại nông sản lên mức cao bất thường, gây những hệ lụy khó lường vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng lâu dài tùy ở từng mặt hàng... Việc giá biến động bất thường của giá cả sẽ làm ảnh hưởng tới mặt hàng giá tiêu dùng trong nước, sau đó ảnh hưởng tới giá thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy hải sản, khiến giá chào bán xuất khẩu mặt hàng này không ổn định.
Trước đó, trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được thống kê có mức giá sụt giảm mạnh như thịt lợn, chuối, dưa hấu… mà một trong những nguyên nhân được xác định là do thương lái Trung Quốc ngừng mua.
Lấy ví dụ giá thịt lợn, suốt tháng 3 vừa qua, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm cận và sau Tết. Ngay vào thời điểm cận Tết (giữa tháng 1), giá lợn hơi tại Đồng Nai đã ở dưới giá 26.000-30.000 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc tăng mua lợn, dẫn đến hộ nông dân tăng đàn quá nhanh, nên khi họ bất ngờ dừng mua khiến giá lợn hơi ngay lập tức giảm thê thảm.
Vì sao thương lái Trung Quốc "lừa" nhiều tại Việt Nam?
Tại Việt Nam, thương lái Trung Quốc thu mua hàng loạt nông sản giá cao với động cơ không rõ ràng sau đó mất tích. Trong khi đó, theo quan sát và nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đều khẳng định, những tình huống này không có ở các nước Lào, Campuchia, Myanmar hay Thái Lan.
"Tôi chưa nghe thấy trường hợp này ở Campuchia", Báo Đất Việt dẫn lời TS. Nguyễn Thành Văn, trưởng phòng nghiên cứu Campuchia khẳng định.
Còn TS. Trương Duy Hòa, trưởng phòng nghiên cứu Lào nói: "Ở Lào không có tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua các loại nông sản như ở Việt Nam. Theo tôi, thương lái Trung Quốc sang đây mua nông sản của Việt Nam đều mang động cơ tiêu cực, và chỉ hướng vào Việt Nam". 
Về phía TS. Nguyễn Hồng Quang, trưởng phòng nghiên cứu Thái Lan - Myanmar, thì tại Thái Lan cũng không diễn ra tình trạng như Việt Nam. 

Nông dân chặt hết vườn chuối xanh đem bán cho thương lái Trung Quốc
TS. Nguyễn Hồng Quang lý giải, do Thái Lan có chính sách về nông nghiệp rất rõ ràng, chặt chẽ, họ đến từng thôn, xã giao từng sản phẩm, định hướng rõ từng sản phẩm, không có tình trạng sản xuất ồ ạt như ở Việt Nam và cũng không có chuyện người nước ngoài vào kinh doanh một cách dễ dàng như ở Việt Nam. 
"Tôi không hiểu vì sao Việt Nam lại để thương lái vào và làm những việc như vậy? Tại sao để họ vào tận khu vực thu mua, không có chính ngạch, hay hợp đồng ký kết?", TS. Nguyễn Hồng Quang đặt câu hỏi.
Trước thực trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản Việt Nam như chuối xanh chưa già, cây khoai lang, cây culi và mầm thảo quả... với động cơ không rõ ràng, Bộ Công Thương đã liên hệ với các sở Công thương và các sở chức năng tại các địa phương, chi cục Quản lý thị trường và cán bộ các Sở Công Thương đã trao đổi trực tiếp với nông dân các vùng miền. Theo đó, yêu cầu việc mua đi bán lại với các thương lái phải có địa chỉ rõ ràng, có hợp đồng mua bán khi diễn ra việc mua nông sản, nhiều trường hợp khi được yêu cầu có đủ các điều kiện này, đã "lặn mất tăm".
Tuy vậy, phản ứng của các, bộ ngành trước những chiêu trò kỳ quái của thương lái Trung Quốc còn chậm và chưa quyết liệt. Chính vì vậy thương lái Trung Quốc mới có cơ hội diễn đi diễn lại những chiêu trò cũ và người nông dân vẫn bị lừa như thường.
Giải quyết vấn đề từ gốc
Để khắc phục tình trạng trên, tại phiên thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, VOV dẫn lời đại biểu quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang)  kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan chủ trì cùng các địa phương sớm có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện nghiên cứu thị trường, thực hiện quy hoạch, có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, quan tâm đúng mức vị trí của thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, khắc phục tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường dễ tính để việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời gian tới diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn...
Để có sức thuyết phục người nông dân về tác hại của thủ thuật mua nông sản đang gây hoang mang trong xã hội, phải có một chương trình điều tra, nghiên cứu thấu đáo đúc kết từ thực tế của các địa phương có quan hệ làm ăn bất bình thường với thương lái Trung Quốc.
Trong khi chờ đợi một cuộc điều tra như vậy, thì vai trò của bộ phận khuyến nông phải đi sát hơn nữa với nông dân, giúp họ chọn lựa phương án sản xuất nào có tính ổn định nhất, hơn là phải chạy theo “cầu ảo – giá ảo” mà bỏ ruộng vườn chạy theo thương lái Trung Quốc.
“Phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là một nhiệm vụ không thể trì hoãn” - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế của vùng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là các vùng trọng điểm đang bị tác động kép bởi biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Ngoài ra, cải cách mạnh mẽ việc tổ chức sản xuất. Hiện tại nước ta có 12 triệu hộ nông dân, trong đó hình thức sản xuất tập trung rất ít, chỉ có 29.600 trang trại, tương đương với 29.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chỉ có 1.000 hợp tác xã kiểu mới trong tổng số 9.000 hợp tác xã còn tồn tại trước đây. Hầu như không có doanh nghiệp trụ cột trong chuỗi liên kết với nông dân qua tổ chức hợp tác xã thì rất khó hình thành vùng sản xuất lớn tập trung.
Vì vậy, chính phủ cần tiến hành tổng kết, đánh giá ngay việc thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, nghiên cứu ban hành giải pháp chính sách về tích tụ ruộng đất phù hợp với đặc điểm đời sống văn hóa, tâm lý của từng vùng, từng miền, nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến hàng hóa tập trung chất lượng cao./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/trung-quoc-ngung-mua-gia-nong-san-viet-giam-manh-363966.html
http://vov.vn/kinh-te/dbqh-nong-san-viet-thuong-xuyen-bi-thuong-lai-trung-quoc-ep-gia-566005.vov
http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/thuong-lai-trung-quoc-tao-con-sot-hang-hoa-la-doi-mot-kieu-danh-pha-nen-kinh-te-67052.html
http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/vi-sao-thuong-lai-trung-quoc-chi-lua-tai-viet-nam-3003610/
Trang Trần
http://kinhtevadubao.vn/