Không huy động quá sức dân
- Chủ nhật - 13/11/2016 10:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ xác định rõ trọng tâm
Điểm đặc biệt trong xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ chính là đã tạo được bước đột phá trong xây dựng niềm tin của nhân dân với chính quyền. Từ niềm tin của nhân dân, với cách làm khoa học và sáng tạo nên Phúc Thọ đã vững vàng xây dựng thành công nhiều chỉ tiêu về NTM trong thời gian ngắn.
Học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác về xây dựng NTM, huyện ủy, UBND đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của huyện phân chia quản lý từng xã, phải xuống tận từng thôn, xóm vừa để chỉ đạo, vừa để kiểm tra việc triển khai xây dựng NTM thế nào, nếu gặp vướng mắc, khó khăn thì đề xuất Huyện ủy, UBND giải quyết kịp thời.
Trồng su hào trái vụ tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. (Ảnh: Khuất Thảo) |
Với cách làm này, chỉ sau hai tháng mọi nẻo đường thôn xóm đến trục giao thông chính trên cả huyện, nơi đâu cũng được bê tông hóa. Việc làm này càng góp phần tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, nhờ đó những phong trào dồn điền đổi thửa, xây dựng trường học… khác cũng được nhân dân ủng hộ nhiệt tình và được triển khai thành công.
Để giúp người dân bảo đảm thu nhập, huyện chỉ đạo phát triển gần 2.000 héc-ta vùng lúa chất lượng cao, gần 500 héc-ta rau an toàn và mới đây gần 300 héc-ta bưởi. Và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu bưởi tập thể Phúc Thọ là thương hiệu độc quyền. Để nhân rộng mô hình này, vừa qua huyện đã tiếp tục đầu tư hạ tầng, giống, vốn để đẩy mạnh thế mạnh trồng hoa, cây cảnh tại hai xã Tam Thuấn và Tích Giang.
Chính nhờ xác định rõ trọng tâm, trọng điểm nên dù xuất phát điểm là một huyện thuần nông, song đến nay, kết quả xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ đạt được rất đáng ghi nhận với 17/22 xã đạt chuẩn NTM (77,27%). Bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã thực sự đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp và hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố.
Đến tập trung phát triển bền vững
Được xếp vào nhóm những huyện có kết quả xây dựng NTM đạt loại khá của Thành phố, song căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, huyện Phúc Thọ không đặt nặng việc về đích bằng mọi giá. Theo ông Hoàng Mạnh Phú - Bí thư huyện Phúc Thọ khó khăn nhất khi xây dựng NTM tại Phúc Thọ là nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong tổng số hơn 1,2 nghìn tỉ đồng đầu tư cho xây dựng NTM, có tới hơn 200 tỉ đồng là do nhân dân đóng góp, song huyện xác định không thể huy động quá sức dân, đồng thời cũng không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Dẫn chứng cho điều này, Bí thư huyện Phúc Thọ cho hay, hiện mỗi xã trên địa bàn huyện có trung bình 50km kênh mương thủy lợi nội đồng, nhân lên toàn huyện là trên 1.000 km, để cứng hóa hết cần trên 1 nghìn tỉ đồng, điều này quá sức so với huyện ngoại thành. Do đặc thù như vậy, nên huyện xác định rõ các tiêu chí cần ít vốn đầu tư thì hoàn thành trước, các tiêu chí cần nhiều vốn và khó sẽ làm từng bước, tập trung hoàn thành ở giai đoạn về đích. Đặc biệt, huyện lựa chọn, phấn đấu đưa các xã đạt chuẩn NTM theo lộ trình từng năm căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
Cũng theo Bí thư huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, xây dựng NTM là quá trình kiên trì và lâu dài nhất là khi bộ tiêu chí quốc gia về phát triển NTM được điều chỉnh với yêu cầu ngày càng cao hơn. Do đó, đối với 17 xã hoàn thành NTM của huyện vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ cũng đặt mục tiêu đến hết năm nay 3 xã là Tam Thuấn, Long Xuyên, Liên Hiệp phấn đấu đạt chuẩn NTM, còn lại 2 xã Xuân Phú và Thượng Cốc sẽ hoàn thành trong năm 2017.
Theo Lao động thủ đô